Nàng dâu phương Nam và những món ngon “phải lòng” hạt mắc khén

Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam, lấy chồng người miền Bắc. Từ ngày trở thành “bạn cùng nhà” với “anh Bắc Kỳ khó tính”, tôi thấy sự khác nhau về văn hóa giữa hai miền vô cùng thú vị, và luôn muốn tìm hiểu sâu hơn.

Anh thường kể cho tôi nghe về những tỉnh thành khu vực Bắc bộ anh từng đi qua. Tôi ấn tượng nhất với sự hùng vĩ và những món ăn ngon miệng, lạ mắt của núi rừng Tây Bắc. Anh nói: “Nhất định anh sẽ đưa em đi”.

Một ngày kia, anh gợi ý Tây Bắc cho chuyến du xuân 2016 của chúng tôi. Từ Ba Vì (quê anh), chúng tôi đi Hòa Bình, Mộc Châu, Điện Biên. Càng đi xa về phía Tây Bắc, cảnh vật càng đẹp, con người càng gần với thiên nhiên và thức ăn càng đậm đà.

Tại mỗi điểm dừng, chúng tôi nghỉ trọ tại nhà người dân địa phương và ăn uống cùng họ. Họ là những người dân tộc thiểu số hiền lành, thật thà và nói tiếng Kinh không tròn chữ.

Khi biết tôi thích nấu nướng, họ đã nhiệt tình hướng dẫn tôi cách nấu các món đặc sản nơi đây. Tôi được cô chủ nhà trọ ở Mộc Châu tặng một túi đầy ắp hạt mắc khén – một loại nguyên liệu đặc trưng ở Tây Bắc. Mắc khén còn được gọi là tiêu rừng, vì khi nếm thử, bạn sẽ thấy tê tê nơi đầu lưỡi. Còn tôi gọi nó là linh hồn của ẩm thực Tây Bắc. Đa phần các món ăn ở đây đều dùng hạt mắc khén làm gia vị. Đặc biệt là thịt hay cá nướng, nếu thiếu mùi thơm nồng của mắc khén sẽ mất ngon.

Nộm rau má, măng
2 phần – Thời gian: 30 phút

Nguyên liệu
+ 200g rau má
+ 1 củ măng tươi (~500g)
+ 1 củ riềng nhỏ (~20g)
+ 1 thìa cà phê bột canh (hoặc muối)
+ 1 thìa cà phê mì chính
+ 1 thìa cà phê nước cốt chanh
+  ½ thìa cà phê đường
+  Một ít lạc rang

 Thực hiện

– Rau má rửa sạch, đem chần đến khi vừa chín tới.

– Măng gọt vỏ, thái miếng mỏng vừa ăn, luộc 2 lần nước cho bớt đắng.

– Giã nhỏ riềng, lạc.

– Cho tất cả các nguyên liệu vào âu to trộn đều cùng gia vị và nước cốt chanh.

– Bày ra đĩa và thưởng thức.

Trâu xào lá lồm
2 phần – Thời gian: 45 phút

Nguyên liệu
+ 300g thịt trâu
+ 100g lá lồm (tên gọi khác: lá giang)
+ 3-4 củ tỏi
+ 1,5 thìa canh nước mắm
+ 1 thìa cà phê bột mắc khén
+ ½ thìa cà phê mì chính (hoặc muối)
+ Dầu ăn

Thực hiện

– Thịt trâu thái mỏng, ướp với tỏi, nước mắm, mắc khén, mì chính trong khoảng 30 phút.

– Lá lồm rửa sạch, để ráo, vò hơi nát.

– Đặt chảo lên bếp cho nóng, cho dầu ăn, thịt trâu đã ướp vào, đảo đến khi chín tái. Cho lá lồm vào đảo cùng. Tắt bếp khi lá lồm chuyển sang màu nâu. Bày món ăn ra đĩa.

Mắc khén mọc từng chùm, được hái, phơi khô, rang trên chảo nóng, giã nhuyễn thành dạng bột rồi cất vào lọ đậy kín nắp cho khỏi bay mùi. Bạn có thể tìm mua bột mắc khén trên các trang web bán đặc sản Tây Bắc.

Cá rô nhồi rau thơm nướng
4 phần – Thời gian: 1h 45 phút

Nguyên liệu

Cá nướng
+ 4 con cá rô đồng
+ 20g húng lủi
+ 30g mùi tàu (ngò gai)
+ 20g rau răm
+ 25g thì là
+ 15g rau mùi (ngò rí)
+ 50g hành lá
+ 1 cây sả
+ 1 củ gừng nhỏ (~15g)
+ 2 quả ớt
+ 2 củ hành tím  
+ 4 thìa cà phê bột mắc khén

Chẳm chéo
+ 1 cọng húng lủi
+ 1 cọng rau mùi
+ 1 cọng rau mùi tàu
+ 1 lát gừng mỏng
+ 1 củ tỏi
+ 1 quả ớt
+ ½ cây sả
+ 1 thìa cà phê mắc khén
+ 1 thìa cà phê bột canh
+ 1 thìa canh nước

Thực hiện

Cá nướng
– Húng lủi, rau mùi tàu, rau răm, thì là, rau mùi, hành lá, sả, gừng, ớt, hành tím thái nhuyễn, trộn đều cùng bột mắc khén.
– Cá rô rửa sạch, đánh vẩy, xẻ dọc theo lưng cắt cá thành hai nửa, bỏ ruột, ướp với hỗn hợp rau thơm đã băm nhuyễn trong khoảng 30 phút. Gập ngang nửa con cá, nhồi thêm hỗn hợp rau thơm
vào giữa.
– Kẹp cá vào các thanh tre (vỉ nướng). Đặt xiên cá trên bếp than, lật hai mặt đến khi cá chín đều. Để nguội, gỡ cá khỏi xiên, bày ra đĩa. Khi ăn, chấm cùng chẳm chéo.

Chẳm chéo
– Cho tất cả các nguyên liệu vào cối, giã nhuyễn tạo thành hỗn hợp đặc, trộn đều.
– Thêm nước giúp hỗn hợp loãng bớt, dùng như các loại nước chấm.

 

Chẳm chéo là thức chấm truyền thống của người dân tộc Thái ở Tây Bắc, dùng chấm xôi, món luộc, món nướng, hoặc chấm các loại quả có vị chua như mận, sim, nhót xanh với bắp cải. Trong tiếng Thái, “chẳm” có nghĩa là món chấm, “chéo” là hỗn hợp được chế từ ớt, tỏi, muối.. Có nhiều loại chẳm chéo với tên gọi khác nhau tùy vào thành phần nguyên liệu.

 

Bài & ảnh: Nhà Có Hai Người

logo


From the same category