Nạn… truyền dịch

“Dạo này người hơi ốm, mệt mỏi quá, có khi hôm nào phải đi truyền chai đạm” – Bạn có thể nghe câu than thở này ở bất cứ đâu. Truyền để hạ sốt. Truyền để đẹp da. Thậm chí, hễ nghe ai ốm là tức khắc có người hỏi, ốm lâu thế, truyền chưa?

Đi truyền dịch có vẻ là phương pháp chữa bệnh rẻ, nhanh, dễ thực hiện mà chả cần khám chữa hay xét nghiệm gì nên dường như ai cũng thích. Hiệu quả có thấy hay không không cần biết. Nhưng ít nhất là đạm, vi-ta-min vào thẳng người thì thiệt đi đâu được?

Mà thích nhất là lối chữa bệnh ấy, khỏi phải xếp hàng đợi, trung tâm y tế cũng được, phòng khám tư cũng được, mời y tá đến nhà cũng được. Mà thậm chí, bà ô-sin nào có thâm niên chăm người ốm lâu năm ở bệnh viện cũng làm được. Truyền dịch – rút cục có thực là đơn giản?

Không phải bác sĩ nào cũng có thể trả lời cho bạn đúng và đầy đủ về kỹ thuật truyền dịch, điều đó chứng tỏ truyền dịch không phải cứ thích là làm được. Khi bạn được truyền dịch, điều đó có nghĩa là bạn đã được xét nghiệm kiểm tra xem cơ thể thiếu vi-ta-min và khoáng chất nào, thiếu bao nhiêu, cần bổ sung bao nhiêu, trong thời gian bao lâu.

Do đó, nếu không hiểu đầy đủ, bạn sẽ cứ truyền và cơ thể cứ đào thải những thứ bạn “đổ” vào nó. Lãng phí, không hiệu quả và bạn có thể nhận thêm những biến chứng có thể xảy ra.

Dịch truyền là loại dung dịch có chứa nhiều chất khác nhau. Dịch truyền có thể dùng tiêm chậm hoặc tiêm truyền trực tiếp vào tĩnh mạch bệnh nhân. Với đa phần là nước cất, người ta có thể dùng thêm một số loại dung môi hòa tan khác nhau tùy theo các dược chất có trong dịch truyền.

Có hai loại dịch truyền chính: một là bổ sung dinh dưỡng ngoài tiêu hóa, dùng cho những người không ăn được; hai là loại dùng để bù đắp những thiếu hụt mất máu, mất nước, bị bỏng nặng hay bị choáng. Dịch truyền có tác dụng đào thải độc tố trong cơ thể. Tuy nhiên, việc truyền dịch cũng gây biến chứng như sốc phản vệ. Cơ thể là một khối thống nhất hoàn hảo, do đó, nếu việc tiêm truyền không phù hợp sẽ gây các rối loạn khó xét đoán.

Tác dụng của dịch truyền
– Cung cấp nước và chất điện giải cho cơ thể
– Tái lập cân bằng kiềm toan
– Cung cấp năng lượng và chất dinh dưỡng
– Thay thế máu

Ngoài ra, người ta còn dùng dịch truyền chứa kháng sinh trong trường hợp bị nhiễm khuẩn nặng.

Như vậy, dịch truyền là dạng thuốc rất cần thiết trong các trường hợp bệnh nặng hoặc cấp cứu, khi người bệnh không thể uống thuốc.

Những lí do ngớ ngẩn
đòi truyền dịch:
– Làm cho da đẹp hơn.
– Kém ăn khó ngủ, người mệt mỏi.
– Cần béo hơn một chút. 


Khi nào cần truyền dịch?

Dịch truyền được sử dụng để nuôi ăn trong trường hợp bệnh nhân không thể ăn hoặc hấp thu các chất dinh dưỡng qua đường tiêu hóa. Việc bù đường, muối và các chất điện giải chỉ nên tiến hành khi hàm lượng những chất này trong máu thấp hơn mức cho phép.

Bác sĩ thường dựa vào kết quả xét nghiệm để quyết định có truyền dịch hay không. Trong một số trường hợp, tuy chưa có kết quả xét nghiệm nhưng thầy thuốc vẫn phải truyền dịch cho bệnh nhân: trước và sau khi phẫu thuật, khi người bệnh bị mất nước, mất máu, suy dinh dưỡng nặng, ngộ độc…

Các loại dịch truyền

1. Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, dùng trong các trường hợp suy kiệt, ăn uống kém:

– Đường hay còn gọi là dịch ngọt chứa đường glucoza: Có tác dụng cung cấp năng lượng cho cơ thể. Dung dịch glucoza có nhiều loại: 5% (cứ 100 ml nước thì có 5 g glucoza), 10%, 20%, 30%. Nửa lít glucoza 5% cung cấp năng lượng tương đương ăn một bát cơm.

Được chỉ định truyền khi cơ thể bị hạ đường huyết hoặc nuôi dưỡng qua đường tĩnh mạch đối với các bệnh nhân không hấp thu được thức ăn qua đường miệng. Dịch này có nhiều nồng độ khác nhau tùy theo mục đích sử dụng.

+ Dịch 5% có nồng độ thẩm thấu bằng huyết tương nên có thể bù dịch khi cơ thể bị mất nước hay bệnh nhân không uống được.

+ Nồng độ 20% chứa nhiều glucose hơn, dùng để giải độc và nuôi dưỡng khi bệnh nhân không ăn được bằng miệng.

– Dịch chứa chất đạm, chất béo và vitamin: như Alversin 40, Amino – Plasmal 5%, Nutrisol 5%, Vitaplex, Lipofundin…, dùng trong các trường hợp suy kiệt, suy dinh dưỡng. Các sản phẩm này rất đắt tiền.

Đạm hoa quả (Vitaplex):
Thực chất không phải là đạm mà chỉ là các vi-ta-min. Loại này được chỉ định dùng khi cơ thể bệnh có dấu hiệu suy nhược kéo dài hoặc bệnh lí kéo dài, những người bệnh thiếu hụt các vi-ta-min.

Nhiều người lạm dụng loại này để làm đẹp da nhưng thực tế, việc truyền phải được chỉ định của bác sĩ. Nếu tự truyền, cơ thể bị thừa và sẽ đào thải. Tốt nhất là ăn hoa quả tươi hàng ngày để bổ sung lượng vi-ta-min cần cho cơ thể.

Dịch đạm:
Thành phần gồm nước và axit amin, dùng cho bệnh nhân suy kiệt, không ăn uống được. Dịch đạm gồm có nhiều loại như Alvesin, Aminoplasma, Anparen, Biseko… Đạm cung cấp protein cho những trường hợp bệnh suy dinh dưỡng, bệnh nhân bị giảm mức độ protein trong máu, phục hồi sau phẫu thuật, stress.

Đạm được bác sĩ chỉ định khi lượng abumin máu và protein máu trong cơ thể bệnh nhân xuống thấp.

Khuyên: Nên bổ sung đạm từ các thực phẩm hàng ngày như thịt, cá, trứng, sữa…

Mỡ (lipid):
Loại này được dùng theo chỉ định, cung cấp các axit béo cho những bệnh nhân sau phẫu thuật, suy dinh dưỡng. Chỉ định truyền loại này rất khắt khe, chỉ áp dụng cho những bệnh nhân ăn uống không đủ chất hoặc cơ thể không hấp thu được lượng mỡ cần thiết, những bệnh nhân suy kiệt

2. Nhóm cung cấp các chất điện giải, dùng trong trường hợp mất nước, mất máu (tiêu chảy, bỏng). Đó là các dung dịch Lactate Ringer, natri nlorua 0,9%, natri bicarbonate 1,4%…

Muối nước:
Dịch muối 0,9% hay dịch mặn, gồm nước và muối ăn, dùng để bù dịch cho cơ thể khi mất nước. Độ mặn của dịch bằng độ mặn của máu. Hầu như sử dụng trong mọi loại chỉ định đối với tình trạng mất nước của cơ thể như tiêu chảy, bỏng, nôn.

Các loại sốt virus kéo dài với biểu hiện lâm sàng điển hình như môi khô, mặt hốc hác. Tuy nhiên, cũng là dấu hiệu sốt nhưng là sốt do nhiễm trùng thì việc tiêm truyền lại không giải quyết được vấn đề.

3. Nhóm đặc biệt như huyết tương tươi, dung dịch chứa albumin, dextran…, dùng trong các trường hợp cần bù nhanh chất đạm hoặc lượng dịch tuần hoàn trong cơ thể.

Biến chứng của truyền dịch

Việc dùng dịch truyền bừa bãi có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe:
– Sốc phản vệ do truyền nhanh, áp lực thẩm thấu cao gây biến chứng với biểu hiện vã mồ hôi, chân tay lạnh, mạch nhanh, huyết áp tụt.

– Nhiễm trùng máu.

– Rối loạn điện giải: Khi đưa vào một lượng không cần thiết dẫn đến sự dư thừa khiến người bệnh mệt mỏi, nôn nao, tăng nhịp tim bất thường.

– Thiếu hụt các yếu tố vi lượng: Nếu truyền dịch kéo dài dẫn đến dung mao của ruột thoái hóa khiến thức ăn được hấp thụ kém.

– Phù toàn thân, tràn dịch màng bụng, phù phổi, suy hô hấp, suy tim (nhất là đối với người vốn có bệnh tim mạch), thậm chí gây tử vong.

– Sưng chỗ kim tiêm hoặc lan tỏa ra xung quanh khiến vùng da đó bị viêm tấy đỏ, nặng hơn là bị hoại tử nhất là khi truyền dịch cung cấp chất dinh dưỡng.

– Truyền dịch có thể dẫn đến lây nhiễm các bệnh nhiễm trùng như viêm gan siêu vi. Thậm chí, nếu lượng dịch truyền quá nhiều, cơ thể trẻ lại bị mất nước ưu trương, teo tế bào não rất nguy hiểm.

Ngay cả khi truyền dịch đúng chỉ định, bệnh nhân vẫn có thể gặp một số nguy hiểm trong quá trình truyền: chỗ tiêm bị phù, đau sưng, viêm tĩnh mạch, rét run, mặt tái nhợt, vã mồ hôi, khó thở, đau ngực…

Ai nên cẩn thận khi truyền dịch?

– Thận trọng đối với bệnh nhân lớn tuổi, có độ lọc thận yếu, bệnh nhân tim mạch hay có bệnh lý về não khi truyền dịch chứa chất điện giải.

– Đối với trẻ bị sốt không được truyền muối, đường vì những chất này đi vào cơ thể sẽ làm tăng áp lực lên sọ, tăng phù não.

– Bệnh nhi viêm phổi không nên truyền dịch vì dịch truyền làm tăng gánh nặng cho phổi, tim.

– Sốt do nhiễm trùng không nên truyền dịch vì không có tác dụng mà dễ gây các nguy cơ biến chứng khác.

– Đối với bệnh nhi viêm não, viêm màng não, cơ chế chọn dịch truyền phải theo chỉ định của bác sĩ.

Khi nào truyền loại nào?

– Khi bị bệnh tiêu chảy: Dùng loại dịch truyền cung cấp các chất điện giải. Khi được truyền vào tĩnh mạch, các dung dịch muối khoáng có tác dụng bù nhanh chóng lượng nước đã mất khi bệnh nhân bị đi lỏng hoặc nôn mửa, đồng thời cung cấp các chất muối khoáng dưới dạng các ion như natri, kali, canxi, clo.

Lưu ý: Truyền dung dịch natri clorua 0,9% cho người tiêu chảy cần tuân thủ những yêu cầu nhất định: Không nên để nhỏ giọt quá nhanh bởi có thể gây biến chứng ứ nước ngoài tế bào, gây ra phù phổi cấp; đồng thời có thể gây ra hiện tượng axit máu do truyền một lượng ion clo quá mức.

– Người bị bỏng nặng hoặc mất máu nhiều: Dùng các loại dịch truyền ưu trương – chủ yếu để bù đắp một lượng ion clo. Cách và liều lượng sử dụng do bác sĩ quyết định tùy theo tình trạng bệnh tật cụ thể của từng người.

Trong trường hợp trẻ sốt cao, thực hiện các biện pháp hạ nhiệt như làm mát, mặc quần áo mỏng, chườm khăn ấm, cho trẻ uống nước để bù lượng nước đã mất, cách này giảm nhiệt hiệu quả tới 60% trong khi truyền dịch chỉ hiệu quả 25%. Tốt nhất vẫn là bổ sung qua đường uống đối với những trường hợp mất nước.

Bình thường một trẻ trung bình cần khoảng 100 ml nước/kg thân trọng. Trong trường hợp sốt, nhu cầu nước sẽ tăng hơn bình thường nên lượng nước có thể cần khoảng 120 ml nước/kg.

Tổ chức: Chung Nhi – Photo: Trọng Tùng – Đại Nghĩa
Trợ giúp thông tin: BS Vũ Thị Thanh – Khoa Dinh dưỡng – BV Bạch Mai


From the same category