Một năm mạnh mẽ “Nam tiến” của nhà sản xuất âm nhạc số 1 miền Bắc, với vô số đơn đặt hàng, chủ yếu đến từ các nhà làm phim giải trí. Những thay đổi ít nhiều gây phỏng đoán: Phải chăng Huy Tuấn đang tính đến chuyện “ra riêng” khỏi ban nhạc Anh Em sau 10 năm gắn bó? Phải chăng tác giả của những ca khúc đẹp: “Quán café mùa hè”, “Trưa vắng”, “Phút giao thừa lặng lẽ” (sáng tác cùng Anh Quân)… đang ngả dần về nhạc thị trường? “Đơn giản, đó chỉ là sự thay đổi về… địa lý!” – Người trong cuộc lên tiếng.
Công cuộc “Nam tiến” trong năm qua của anh đã đưa lại những kết quả nào?
Năm vừa qua gần như tôi đã dành trọn cho phim ảnh và truyền hình tại một thị trường phim ảnh và truyền hình phát triển nhất cả nước. Đầu tiên là chương trình thi hát “Nốt nhạc ngôi sao” (hiện đang được phát trên HTV7 và HTV1), trong đó tôi đảm nhận vai trò đạo diễn âm nhạc, kéo dài từ tháng 3 đến tháng 5.
Cô gái đoạt giải nhất cuộc thi này cũng sẽ là gương mặt được tôi giới thiệu vào năm tới với nghệ danh T.R.A.N.G., cũng chính là người thể hiện ca khúc chính trong phim “Nhật ký Bạch Tuyết” do tôi viết nhạc. Thêm một bộ phim nữa cũng do tôi (cùng nhạc sĩ Võ Thiện Thanh) đảm nhận phần âm nhạc: Đó là bộ phim ca nhạc chiếu Tết “Những nụ hôn rực rỡ”.
Phần nhạc cho phim “Cô nàng tóc rối” cũng đang được hoàn thành. Album thì năm nay tôi chỉ nhận làm hai cái: “Đêm qua em mơ thấy anh” của Maya và “9” của Phương Anh (giải “Album nghệ thuật xuất sắc nhất” của chương trình “Album vàng” tháng 8/2009 – PV).
Với việc thâm nhập sâu hơn vào thị trường âm nhạc phía Nam, anh thấy đâu là điểm khác biệt nhất so với thị trường phía Bắc?
Thực ra, trước khi vào đây, tôi cũng đã nhận làm nhiều dự án cho thị trường trong này nên không có gì là bỡ ngỡ. Thị trường âm nhạc ở đây, không nói thì ai cũng biết, luôn sôi động, cởi mở và rất cạnh tranh. Tôi thấy rất thú vị vì luôn bị thách thức. Bằng chứng là năm rồi hầu như tôi không mấy khi được ló mặt ra đường vì luôn bị công việc phòng thu níu chân “phá đám”.
Chiều lòng thị hiếu giải trí, anh không sợ mình sẽ ngả theo dòng nhạc thị trường và “đánh mất đẳng cấp” của mình sao?
Tại sao chúng ta cứ luôn phải dị ứng trước ba chữ “nhạc thị trường”? Với tôi, chúng ta chỉ có một thị trường âm nhạc mà trong đó có nhiều thể loại âm nhạc, được làm với nhiều trình độ thẩm mỹ khác nhau và thái độ khác nhau, dành cho nhiều tầng lớp khán giả. Chứ tôi không nghĩ lại có cái gọi là thể loại âm nhạc “thị trường”.
Chỉ có những sản phẩm được làm với thái độ chăm chút và tử tế với những sản phẩm bị làm cẩu thả, qua loa. Bởi có những thứ nhạc “thị trường” (nếu như chúng ta đã quen từ này) nhưng lại được làm rất tử tế.
Trong khi, có những sản phẩm được người ta “nống” lên là “nghệ thuật” nhưng thực chất chỉ là những thứ vớ vẩn, do chủ nhân của nó là người ưa “nổ”, lại được báo chí thổi phồng vì không biết bình phẩm thế nào, chê thì sợ mang tiếng dốt mà khen thì… lực bất tòng tâm nên đành… adua theo.
Chính vậy mà giờ đây tôi đã được miễn nhiễm khỏi những áp lực của dư luận! Vì cái áp lực đó nếu có là do dư luận tự “sáng tác” ra chứ tôi đâu phải nếm trải.
Vậy cái anh được “nếm” ở đây là gì?
Nói thẳng ra là vào đây, thu nhập của tôi tốt hơn hẳn và điều đó rất cần thiết cho công việc của tôi. Bởi với thế hệ nhạc sĩ chúng tôi, việc sáng tác không thể chỉ đơn thuần trên giấy mà còn phải hòa âm, phối khí, thu thanh nên đòi hỏi phải có sự đầu tư, nâng cấp thường xuyên về máy móc, phần mềm…
Thế nên anh em nhạc sĩ trẻ chúng tôi vẫn hay nói vui với nhau rằng: Nhạc sĩ VN bây giờ thu nhập bằng VND nhưng tiêu tiền toàn bằng USD, chả kém gì các nhạc sĩ nước ngoài – những người có thu nhập cao hơn chúng tôi rất nhiều.
Bị thị trường phía Nam hấp dẫn như thế, liệu anh có tính đến chuyện “ra riêng”, sau 10 năm gắn bó với Anh Em? Anh có quan tâm đến phòng thu mới của Anh Quân và sản phẩm “xông đất” của nó là album “Mỹ Linh Aucostic”? Nếu được đề nghị tham gia, anh có thể thu xếp thời gian cho nó?
Những dự án này từ xưa tới nay vẫn là do vợ chồng nhạc sĩ Anh Quân và tôi cùng nhau bàn bạc và lựa chọn. Việc đó chưa bao giờ khác nên không ai phải đề nghị và tôi cũng không cần đợi đề nghị mới tham gia.
Tuy nhiên, đây là công việc mà vài năm chúng tôi mới làm được một lần hoặc có những lần phải kéo dài vài năm mới ra được sản phẩm. Tôi luôn háo hức với những cơ hội làm việc như thế, như thể một cầu thủ bóng đá được gọi lên đội tuyển quốc gia. Tôi coi những việc mình làm hàng ngày là lúc tôi thi đấu cho câu lạc bộ (CLB).
Vậy dự định cho năm 2010 của anh? Liệu anh vẫn tiếp tục ở lại Sài Gòn “thi đấu cho CLB” hay trở ra Hà Nội để “lên tuyển”?
Trước mắt, kế hoạch cho đầu năm nay tại Sài Gòn sẽ là CD đầu tay của T.R.A.N.G và CD thứ 2 cho Maya. Một vài bộ phim cùng một vài dự án rất thú vị mà cho đến khi ký kết tôi chưa được phép công bố. Trước khi “lên tuyển” vào cuối năm nay, tôi muốn thi đấu thật tốt tại “CLB”. Như bạn biết đấy, CLB hay tuyển quốc gia thì cũng cần phải thi đấu tốt như nhau. Đó mới là thái độ của sự chuyên nghiệp!