“Câu hỏi này có tới hai đáp án đúng. Vấn đề chủ yếu xoay quanh việc sử dụng cụm từ “Me either” và “Me neither” để nói rằng mình cũng đồng ý với một ý kiến có tính phủ định. Càng tìm hiểu em càng thấy có nhiều tài liệu uy tín khẳng định cả hai cụm từ này đều được sử dụng. Cụ thể “Me either” được sử dụng rộng rãi ở Anh, còn “Me neither” được sử dụng ở Bắc Mỹ”, Dũng giải thích.
Trong kỳ thi vừa qua, Dũng được 25,5 điểm (tiếng Anh 9,5 điểm) và đỗ Học viện Ngoại giao. |
Nam sinh xứ Nghệ cho rằng, đây là câu giao tiếp gây nhiều tranh cãi đối với cả người bản địa. Trong văn phong trang trọng, “Me neither” được dùng để tỏ sự đồng ý với ý kiến phủ định của người nói. Còn với văn phong thông thường, “Me either” thường được sử dụng nhiều hơn.
“Giữa các vùng miền, các thế hệ khác nhau ở Anh và Mỹ cũng có sự tranh luận về ’Me either’ hay ’Me neither’. Đã thuộc về giao tiếp thì không chỉ phụ thuộc vào ngữ pháp mà còn là văn hóa, hoàn cảnh, dân tộc, vùng miền”, Dũng viết trên Facebook và nói thêm, đa phần người Anh đều xem việc sử dụng “Me neither” là thiếu chính xác, nhưng trong nhiều tài liệu viết bằng tiếng Anh đều có phần lưu ý về việc cụm từ “Me either” cũng được dùng ở miền Bắc nước Mỹ.
“Vậy sự tồn tại song song của hai cụm từ này trong công tác nghiên cứu là hoàn toàn có, không thể phủ định một trong hai”, Dũng lập luận.
Cựu học sinh chuyên Anh dẫn giải, bài đọc hiểu này lấy từ phần Culture Guide của CD Oxford Advanced Learner Dictionary. Chính trong từ điển ấy, nếu tra 2 từ “Either” và “Neither” sẽ có câu trả lời về việc sử dụng “Me neither” và “Me either”. Ví dụ trong từ điển có câu: “I don’t know – Me neither (Tôi cũng không) và I don’t like it – Me either hay Neither do I (Tôi cũng không)”.
Theo Dũng, Bộ Giáo dục đã lấy bài đọc ở từ điển Oxford thì chắc chắn độ tin cậy về ngôn ngữ đã được đảm bảo. Ngoài ra, sách giáo khoa của Bộ Giáo dục thiết kế dựa trên quy chuẩn tiếng Anh – Mỹ, tất cả từ vựng ở cuối sách giáo khoa tiếng Anh nâng cao lớp 10 đều được lựa phiên âm theo tiếng Anh – Mỹ. Do đó, Bộ không thể không chấp nhận phần ngôn ngữ Anh – Mỹ trong đề thi.
Tân sinh viên Học viện Ngoại giao chia sẻ, trước khi gửi thư tới Bộ Giáo dục, Dũng nhận được nhiều lời khuyên nên dừng lại của người thân, bạn bè. Khi nghe Dũng đưa ra dẫn chứng, cô giáo và các bạn đều nhận ra việc tồn tại hai đáp án đúng.
“Theo em, người ra đề đã không nghiên cứu kỹ và mặc định Neither được dùng nhiều hơn. Có thể trong quá trình giảng dạy, các thầy cô thường mặc định Neither ngôn ngữ học hơn nên sử dụng nó nhiều hơn. Tuy nhiên, các giáo viên không phải là những người quá chuyên sâu về ngôn ngữ, họ có kiến thức nhưng đôi khi vẫn ’dùng theo số đông”, Dũng nhận định.
Dũng cho rằng, sai sót trong một câu chỉ cộng được 0,125 điểm nhưng cần làm sáng tỏ để xác minh tính đúng đắn của kiến thức. Sau khi đưa lên trên Facebook, bài viết của Dũng nhanh chóng được các diễn đàn mạng chia sẻ. Phần lớn bình luận đều ủng hộ và đồng ý với phản ánh này.
Nickname Rachel Feng viết: “Mình ủng hộ bạn. Cố lên bạn nhé. Dù mình sai câu này. Hồi thi xong, chị mình cũng nói khi giao tiếp với người nước ngoài, chị ấy toàn dùng Either…”. Để tăng tính thuyết phục của ý kiến đưa ra, nickname Hứa Tiểu Vũ còn gợi ý nên xem phim Good Luck Charlie trên kênh Disney có dùng “Me either” trong đoạn hội thoại của hai nhân vật Teddy và Skyler.
Một số comment còn làm cả một phép tính nếu thí sinh nào đó không chọn đáp án “C. Neither” như trong đáp án của Bộ Giáo dục sẽ mất 0,125 điểm. “0,125 điểm thi đại học to tát lắm. 20,125 nếu cộng thêm 0,125 = 20,25 và làm tròn thành 20,5. Khác nhau hoàn toàn”, Leo Effie bình luận.
Hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa lên tiếng về phản ánh này.
Theo VNE