Nấm mối - Tạp chí Đẹp

Nấm mối

Sống

Anh đến em sau vài cơn mưa nắng
Đột nhiên như nấm mối mọc trong vườn.
(Hồ Thanh Điền)

Từ ngày lấy vợ, hiếm khi nào bỏ bữa cơm tối. Dù lai rai với bạn bè, khi ở nhà, khi ở quán hay trực khuya nửa đêm mới về vẫn dành bụng ăn cơm nhà.
Tối qua về khuya, vợ bảo: “Bà ngoại mới gửi lên một bịch nấm mối, để mẹ xào cho bố lai rai”.

Nấm mối vườn nhà, thân mập căng. Rửa sạch, xé làm đôi như từng thớ thịt gà, ngâm nước vài phút. Bắc chảo dầu lên xào qua, thả vào đó vài ngọn lá cách, nêm nếm. Vừa giòn, vừa ngọt lừ, ăn tới no cũng không thấy ngán. Nấm mối làm được nhiều món, nhưng tôi thích nhất cách làm như thế, vì nó giữ được nguyên vị nấm. Nấm hương, nấm tai mèo, nấm rơm… không có thứ nào sánh được với nó.

Ở miền Tây, vào mùa mưa chừng một tháng, sau những cơn giông đầu mùa, khi những cơn mưa trở nên đều đặn là đến mùa nấm mối. Sau mưa, nắng lên rất nhanh và rất vàng, những chỗ đất cao, gò mối là nơi nấm mọc.

Buổi sáng ra vườn, trong hương đất ban mai, thấy những tai nấm nhỏ bằng đồng xu trồi đất chui lên. Vô nhà sửa soạn một cái rổ, châm bình trà ngồi chờ. Nắng vừa lên là nhẩn nha ra vườn. Lúc này những thân nấm đã lớn nhanh như có phép thần, cao cỡ ngón tay út, tai nấm căng lên. Lấy con dao nhỏ cạy lớp đất mềm để bứng nguyên thân nấm, cho vào rổ. Đi một vòng vườn nhà là có cả kí lô nấm mối.

Nếu lười biếng, chờ trưa mới ra hái thì nấm đã gần tàn. Tới chiều thì tai nấm vỡ ra, bào tử phát tán theo gió, chỉ còn thân nấm mềm oặt, lạt nhách, ăn không ngon.
Mỗi mùa mưa, hái chỉ được vài lần cái thứ nấm trời cho ấy. Chẳng thế mà ngay ở chợ làng, nấm mối vẫn là thứ đặc sản rất đắt trên chính xứ sở của nó. Nhà nào vườn rộng, nhiều gò mối, hái được dăm kí lô mới đem cho hoặc bán, còn thì để ăn.

Từ ngày có thằng rể và đứa cháu ngoại, ông bà già vợ tôi chẳng mấy khi được ăn nấm mối mà để dành cho rể và cháu. Sáng ra vườn hái chanh, thấy nấm mọc là bà ngoại hồi hộp chờ nắng lên để hái, rửa sạch, để ráo rồi gói vô giấy báo (gói giấy nilon thì nấm sẽ nhũn). Ba giờ sáng hôm sau đã trở dậy, qua đò gửi bác tài xe khách và dặn dò: Tới nơi nhớ điện thoại cho tụi nó qua lấy và dặn ăn ngay cho giòn.

Có khi, bà ngoại còn gửi theo một bó lá cách hoặc một bịch to tướng rau tập tàng gồm đọt nhãn lồng, mồng tơi, bình bát, rau ngót và một túm tép bạc đất. Nấu canh, giã tép thật nhỏ bỏ vô, đâm một dĩa muối ớt để chấm rau, ăn tới đâu biết tới đó.
Một bịch nấm mối mà mấy cuộc điện thoại, một buổi sáng ra vườn hái, rồi qua hai lần đò, mấy chặng xe, lên tới Sài Gòn vẫn tươi căng. Ăn đĩa nấm mối, nghe như hít vào ngực cả hương đất, hương vườn.

Con trai hỏi hoài: sao thành phố không có nấm mối?
Giải thích dài dòng chắc cu cậu không thích, chỉ nói với con rằng: Sài Gòn không có nấm mối, vì Sài Gòn không có ngoại.
(Nguyễn Đức Hiển, 149/8 Khu phố 4, P. Tân Thới Nhất, Q.12, Tp.HCM)

Nguyễn Đức Hiển

Thực hiện: depweb

12/01/2009, 17:14