Năm mới nói chuyện cũ: Đang đâu lại nhớ về dép tổ ong - Tạp chí Đẹp

Năm mới nói chuyện cũ: Đang đâu lại nhớ về dép tổ ong

Sống

Những năm đầu của cuộc đổi mới cách đây 30 năm, đất nước đứng trước muôn vàn khó khăn, nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp, cuộc sống thiếu thốn mọi bề. Tôi nhớ khoảng những năm 85, 86, nhà máy Nhựa Tiền Phong Hải Phòng cho ra đời sản phẩm dép tổ ong. Và không ngờ, sản phẩm độc đáo, bình dân này lại có sức sống dai dẳng cho đến tận hôm nay, trong khi biết bao loại sản phẩm gia dụng khác to tát hơn, giá trị hơn, lại bị lãng quên bởi một cuộc đào thải không thương tiếc như cuộc sống vốn vẫn thế.

Từ Bắc qua Trung, vô Nam, nhìn xuống “bàn chân Việt” bất cứ ở đâu, hoàn cảnh nào, cũng bắt gặp những đôi dép tổ ong thần thánh. Học sinh đi dép tổ ong tới trường; giáo viên lên lớp với đôi dép tổ ong; công nhân, viên chức đến nhà máy, công xưởng, cơ quan bằng dép tổ ong; người lao động ra đi làm đồng, lên rừng, ra sông, xuống biển… cũng với đôi dép tổ ong. Ngay cả các nghệ sĩ, trên sân khấu sắm vai ông hoàng, bà chúa, hay chàng hoàng tử… với sáng chói, cao sang khăn khố, mũ, hài, trở về với cuộc sống hàng ngày, bàn chân cũng được nâng niu bởi đôi dép tổ ong.

Khi cuộc sống khá giả hơn, đầy đủ hơn, cũng có nghĩa là sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn để “nâng niu bàn chân Việt”. Đang đâu lại chợt nhớ về đôi dép tổ ong. Dễ hiểu, dễ thông cảm, nếu ngày nào đó bạn bắt gặp hình ảnh của một người thành đạt, một ngôi sao… đi dép tổ ong thay cho đôi giày hàng hiệu mà bạn thường gặp. Họ không phải tôi, nhưng cũng như tôi, bỗng một ngày thấy nhớ, thấy yêu, thấy sợ, lỡ đâu lại quên mất những kỉ niệm nghèo khó đã từng?

Tôi vẫn nhớ những bước chân đầy ắp kỉ niệm tuổi thơ. Nhớ cảnh những đứa trẻ, đến trường bằng đôi dép tổ ong ngả vàng, cụt cả mũi. Giờ ra chơi, chúng rủ nhau ném lon, chạy nhảy, vui đùa bằng chính những đôi dép ấy. Đôi khi giá trị thực của một món đồ không phụ thuộc vào số tiền phải trả để sở hữu mà là sự không thể lãng quên của cả một thế hệ, đối với những sản phẩm hết sức giản đơn, bình dị một thời.

dep-to-ong1b
Với bé gái ở bản Thải Giảng Phố (Bắc Hà) này, chiếc dép tổ ong là một tài sản vô cùng quý giá. Ảnh: Đinh Hùng Sơn (2008)

Giờ, đôi dép tổ ong, giống những chiếc xe máy cũ kĩ trước thời đổi mới từng tràn ngập phố phường, đã rời bỏ cuộc sống hào hoa nơi thành thị, đi về những làng quê nghèo, những vùng núi xa xôi, hẻo lánh. Khi thoảng, bước chân vô khách sạn, lại thấy ngay ngắn đôi dép tổ ong trắng ngà. Tự nhiên, bỗng cảm thấy bâng khuâng…

Nếu bạn chưa biết hoặc chưa từng có một đôi dép tổ ong, hãy tìm mua nó. Bạn sẽ cảm thấy thật tuyệt vời khi bàn chân được nâng niu bằng thứ mà 30 năm trước, hầu như bất cứ gia đình bình thường nào cũng có.

Thử đi, nếu bạn thực sự chưa tin!

AI TRONG KÝ ỨC CHẲNG CÓ MỘT… ĐÔI DÉP TỔ ONG!

Chào bạn, bây giờ đã là bậc thềm của 2017, tức là đã hơn 30 năm kể từ bước ngoặt lịch sử năm 1986. Thế hệ 8X hầu hết đã bước sang tuổi 30 từ lâu, ngay cả những 9X đời đầu cũng bắt đầu thấy sức ép của tuổi tác phả nhẹ sau gáy.

Câu hỏi mà dân 8X, 9X nhận được mỗi dịp Tết, hàng chục năm qua vẫn thế, xếp theo thứ tự: làm ở đâu, lương bao nhiêu, bao giờ có người yêu, bao giờ cưới, bao giờ có con,… Những thắc mắc không-bao-giờ-cũ khiến những kẻ “hả hê” tự do thấy một sự ức chế không hề nhẹ. Họ bèn đứng dậy, đi dạo vài vòng cho khuây khỏa, rồi có thể chạy bộ ra sân bay, mua một chiếc vé lên sao Hỏa để bùng cháy và không bao giờ muốn trở về nữa. Trong lúc tháo chạy đó, tôi tin rằng họ sẽ không kịp xỏ giày. Tôi hình dung họ sẽ sục chân vào… đôi dép tổ ong.

Với mục đích muốn dành cho bạn những giây phút thư giãn thú vị, kèm sự hoài niệm và nỗi niềm rưng rưng, chuyên đề đặc biệt số này dành “sàn diễn” cho đôi dép tổ ong huyền thoại – một “tượng đài” dưới chân bao thế hệ người Việt.

Đọc thêm
– Ai trong ký ức chẳng có một… đôi dép tổ ong!

– Năm mới nói chuyện cũ: Đang đâu lại nhớ về dép tổ ong

– Thử thách biến tấu… dép tổ ong với 5 nhà thiết kế Việt

– 5 điều thú vị chỉ có dép tổ ong được phép… “độc quyền”

– “Sao” giản dị với dép tổ ong “huyền thoại”

– Hậu trường độc quyền bộ hình “Dép tổ ong” : Khi “Huyền thoại” trở lại

– Nhà báo Trần Đăng Tuấn – Người khởi xướng chương trình “Cơm có thịt”: “Sự giản dị không nằm ở đôi dép tổ ong”

Thực hiện: depweb

18/01/2017, 17:44