Nam công chức nôm na là đàn ông đang làm việc tại các công sở. Tất nhiên bây giờ kinh tế thị trường, các công ty tư nhân có nhiều, nên khái niệm công chức được vỉa hè mở rộng cho cả những tay đàn ông ngồi ở đó. Bởi bọn họ mang phong độ nhang nhác giống nhau, kể cả cách yêu cách ăn cách uống. Đại loại đa phần đều sâu sắc nhàn nhạt, đều chỉn chu sạch sẽ. Có lẽ do chỗ làm của họ thường cùng một kiểu, ngăn nắp vệ sinh. Môi cảnh như thế thì tâm tính sẽ như thế. Mùa đông com lê cà vạt, mùa hè sơ mi đóng thùng. Buổi sáng tranh thủ vào toa lét buôn chuyện facebook, buổi chiều dối vợ dẫn bồ đi ăn hoa quả dầm. Nhạc phụ nhạc mẫu của họ thường là đồng nghiệp, bởi họ hay loay hoay yêu rồi cam chịu lấy bạn nữ cùng phòng. Hôn nhân đa phần phẳng phiu, danh lợi tuy có quấy rầy nhưng không đến mức sát phạt ám ảnh. Nói chung, đường đời ở họ tương đối bằng phẳng, thảng thốt có đôi chút gập ghềnh thì phần lớn cũng chỉ là chuyện lặt vặt.
Vậy mà không hiểu sao bọn họ vẫn thích đi xem bói. Người xưa từng bảo, không gặp đại sự thì chớ kinh động quỷ thần. Có điều, hầu như tất cả đàn ông đến một đẵn tuổi trưởng thành nào đó, chợt nhiên bỗng hoang mang dằn vặt rồi băn khoăn kiểm kê lại quá khứ. Tò mò với hiện tại, đặc biệt thích biết rõ tương lai. Đấy là chưa kể phần đông nam công chức vốn dĩ là người sốt ruột, họ hay hoảng hốt khi người khác hiểu sai mình. Ví như sáng nay, lâu lắm rồi sợ muộn làm nhỡ quên đánh răng, lúc cung kính chào sếp quá gần liệu ông ta có nhăn nhó để bụng. Hoặc lý do nặng nề to tát hơn. Vẫn cái cô người yêu ngồi cách bàn nhẵn mặt đó thôi, liệu sau khi cưới có thành hiền thê hay lại là một thứ dằng dặc của nợ. Còn nữa, cái thằng bạn đại học bây giờ cùng cơ quan mà mình ghét cay ghét đắng, sao mãi nó cứ nhơn nhơn tươi tốt. Hôm nọ liên hoan xong đi hát karaoke, giọng nó thối như thế mà dám song ca “Lời của gió” với chị phó giám đốc vừa bị chồng bỏ, thế mà chị ấy cứ nức nở khen. Hình như, trời không có mắt thật.
Thế là vào một buổi đẹp trời, lò dò theo lời giới thiệu của ai đấy, nửa như run rẩy nửa như bất cần tới một ngõ nhỏ có ông thầy bói mù. Bói toán thì có nhiều loại, cô chủ tịch công đoàn đang chờ hưu thì thích xem bài tây còn anh phó phòng mới lên lại thích rút quẻ Dịch. Và không hiểu sao hầu hết các nam công chức đều mê tín tử vi, có lẽ do cách diễn giải của nó đẫm đầy tinh thần khoa học. Hơn thế nó rất “manly”. Các trang mạng về lý số đều đồng thanh khẳng định, người khai sinh ra tử vi là một ông Tầu đời Tống. Chính vì là đặc sản từ đàn ông nên tam hợp chiếu Mệnh trên lá số luôn luôn là hai cung Quan lộc và Tài bạch. Phụ nữ tuy có tham lam, nhưng coi trọng Danh Lợi tới mức ấy chắc hẳn phải là tay đái đứng.
Ông thầy khiếm thị có nhà. Ngoại hình bình thường, phảng phất có nét khác thường. Trời oi Hà Nội làm mùi mồ hôi ở ông có mùi chua chua lạ thường. Thầy hỏi “bát tự” ngày sinh tháng đẻ rồi bấm bàn tay trái đọc mồm ra một lá số cho khách chép lại. Trước khi khách dời cơ quan có cẩn thận vào trang “tử vi Global” in sẵn một tờ. Ngấm ngầm đem so với lá số thầy vừa đọc, hiển nhiên trùng khít. Có gì “siêu” đâu nhỉ, hành nghề thì phải thuộc bài thôi. Đang ngờ ngợ chợt ngạc nhiên há mồm khi thầy bắt đầu nói về bố mẹ về anh em, về những năm tháng đã từng được ăn được học. Nhiều chuyện bần tiện tủn mủn, vậy mà kinh khủng chính xác. Thầy bảo, cậu đang là công chức nhà nước đúng không. Sửng sốt quá, thầy cười hiền cắt nghĩa. Cái này không phải ở lá số mà ở mùi. Tất cả các nam công chức đều có mùi thơm thơm dễ ngửi nhưng khó tả. Thấy giọng khách có vẻ sốt ruột chuyện hoạn lộ, thầy điềm đạm. Cung Quan của cậu hãm. Thân cư Quan mà lại gặp Linh Tinh hãm địa, Văn Xương bị Hỏa Linh đốt, Tả Phù lạc, Phúc có dầy thì may mắn cũng chỉ lên tới phó phòng. Dạ, vâng. Hôn nhân của cậu hoàn toàn vì tiền nên đương nhiên nhà sẽ cao cửa sẽ rộng. Dạ, vâng. Có điều con cái của cậu lớn lên sẽ bán đi để chơi lô chơi đề. “Dạ, thế số con là số ăn cứt hả thầy”. Ông thầy thở dài an ủi khách đừng quá buồn. Vì thời này là thời mạt, những người giống như cậu đông lắm.
Tất nhiên thỉnh thoảng cũng có nam công chức không thích tử vi. Một phần bởi họ quá nhạt (công chức vốn chẳng phải người đậm), một phần là bị vợ cắm sừng. Đặc biệt có một đám trung niên công chức tinh ranh, bọn họ hóng hớt tự học tướng số biết xem chỗ kín nốt ruồi. Bọn này thường thành công khi rủ rê những thiếu phụ đồng nghiệp ngoại tình. Khi bắt đầu tăm tia, bọn họ lân la dò hỏi ngày sinh giờ sinh năm sinh tháng sinh, rồi âm thầm gõ mạng lập lá số đối tác chọn ra các nàng cung Mệnh có Thiên Diêu Thiên Y. “Diêu Y số ấy ai hay. Chồng ra khỏi cửa dắt ngay trai vào”. Ở những “ca” này, tử vi thường hiếm khi đoán chệch.
Bói toán là đúng hay sai, câu hỏi mang vẻ “vớ vẩn” này đã treo lơ lửng trên đầu nhân loại cả ngàn năm. Ở nhiều nước phương Đông, tất cả các thuật bói toán đều bắt nguồn từ Kinh Dịch, mà Dịch kinh là “quần thư chi thủ”, cuốn sách đứng đầu trong tất cả các loại sách. Cụ Phan Sào Nam, danh nho ái quốc vĩ đại của người Việt cho rằng nó là kỳ thư triết học số một. Không biết bao nhiêu kẻ sĩ lỗi lạc đã dựa vào nó mà giữ được mình, kể cả khi bắt buộc phải dung tục vất vả mưu sinh. Thi sĩ Tản Đà từng hành nghề xem “bát tự Hà Lạc” nương vào 64 quẻ Dịch. Có một thời gian dài, tiền xem quẻ đã nuôi sống thơ ông.
Không phải ngẫu nhiên mà người xưa bảo, chỉ có hai nghề được cao quý gọi là Thầy. Đó là thầy thuốc và thầy bói. Nhưng xin một lưu ý nhỏ. Duy chỉ nghề Y mới có danh hiệu “thầy thuốc nhân dân”.
Bài: Nguyễn Việt Hà