Năm 2014: Cuộc so găng của "Bộ tứ siêu đẳng" - Tạp chí Đẹp

Năm 2014: Cuộc so găng của “Bộ tứ siêu đẳng”

Review

Paul Thomas Anderson

“Bộ tứ siêu đẳng” sinh ở thập niên 70

Hollywood sản sinh ra nhiều đạo diễn tài ba. Nếu đầu thập niên 70 của thế kỷ trước có Steven Spielberg, George Lucas, Francis Ford Coppola, Brian De Palma, Martin Scorsese, thì ngay ở giai đoạn “đang lên” của những tên tuổi lừng danh ấy, một đội ngũ kế cận của họ đã chào đời – đó là những cái tên Wes Anderson, Paul Thomas Anderson, Christopher Nolan và Darren Aronofsky. Bốn người đều sinh năm 1969-1970. Và hơn hai thập kỷ sau, bốn cái tên đó tạo thành những tên tuổi mới của Hollywood, khi lần luợt cho ra mắt những tác phẩm đầu tiên, đáng nể. Lần lượt là Wes Anderson với “Bottle Rocket” (1996), Paul Thomas Anderson với “Hard Eight” (1996), Christopher Nolan “chào sân” bằng “Following” (1998) và Darren Aronofsky mang tới “Pi” (1998). Cả bốn tác phẩm đều gây ấn tượng mạnh với khán giả. Điểm trùng hợp nữa là, bộ tứ tác phẩm độc lập đầu tay kể trên đều có kinh phí sản xuất thấp nhưng lại được giới phê bình đánh giá rất cao. Từ đó đến nay, dù mỗi người một hướng đi riêng, một phong cách riêng (người chuyên làm phim thuần túy nghệ thuật, người dung hòa được cả 2 yếu tố nghệ thuật lẫn thương mại), nhưng nhìn chung họ đều tạo được chỗ đứng vững chắc tại Hollywood.

Nếu Paul Thomas Anderson được coi là một bậc thầy với những phim “nặng đô” (“The Master”, “There Will be Blood”, “Magnolia”), thì Wes Anderson lại tạo được phong cách riêng không trộn lẫn về mặt hình ảnh (“Moonrise Kingdom”, “The Darjeeling Limited”, “The Royal Tenenbaums”). Trong khi đó, ở hướng đối lập, Christopher Nolan nổi tiếng với những bộ phim kỳ vĩ, kịch bản phức tạp và ăn khách (“Memento”, “Inception”, “Trilogy Batman“), còn Darren Aronofsky có nét tương đồng với Paul Thomas Anderson qua các tác phẩm tâm lý thuộc dạng khó nhằn (“The Fountain”, “Black Swan”, “Requiem For a Dream”).

Christopher Nolan và poster bộ phim “Interstellar”

Christopher Nolan thắng với “Interstellar”

Năm 2014 được coi là năm đặc biệt khi bộ tứ đạo diễn tài ba này đều có phim phát hành. Darren Aronofsky “mở bát” với “Noah”; tiếp theo Wes Anderson làm thỏa lòng fan hâm mộ với The Grand Budapest Hotel; đến mùa phim cuối năm, Christopher Nolan tung ra siêu phẩm Interstellar; còn Paul Thomas Anderson tuy chậm hơn, nhưng cũng hứa hẹn gây ấn tượng mạnh với “Inherent Vice”.

“Lĩnh ấn tiên phong” cho bộ tứ siêu đẳng, nhưng Darren Aronofsky lại không thực sự thành công với “Noah”. Bộ phim gây khá nhiều tranh cãi cả về nội dung lẫn chất lượng nghệ thuật. Đối với khán giả trên toàn thế giới, đặc biệt những người theo đạo Thiên Chúa, truyền thuyết Noah trong Kinh thánh đã trở nên quá quen thuộc, vì thế, phiên bản điện ảnh của đạo diễn Darren Aronofsky không phải là bộ phim đầu tiên dựa trên câu chuyện về Noah. Và “Noah” – tác phẩm hành động/phiêu lưu kết hợp sử thi của Aronofsky đáng tiếc không phải ai cũng yêu thích. “Noah” phân định đối tượng khán giả khá rạch ròi, một là rất tôn sùng, nửa còn lại hết lời chê bai. Một bộ phận fan hâm mộ trung thành của Darren Aronofsky còn đặt câu hỏi: tại sao một đạo diễn từng tạo ra những tuyệt phẩm như “Black Swan”, “Pi”, hay “The Fountain” lại đi thực hiện “Noah”. Và kết quả, “Noah” không thành công tại thị trường nội địa. Sau khi kết thúc thời gian chiếu rạp, hãng phát hành Paramount chỉ thu về 101 triệu USD, trong khi kinh phí sản xuất bỏ ra lên tới 125 triệu USD.

Wes Anderson

Trái ngược với “Noah” hay “Interstellar” vốn được các hãng phim lớn chống lưng, “The Grand Budapest Hotel” của Wes Anderson lại là tác phẩm độc lập kinh phí thấp (khoảng 30 triệu USD). Ấy vậy mà “The Grand Budapest Hotel” có thể được xếp vào top những phim hay nhất và thu về nhiều lợi nhuận nhất (khi so sánh với giá sản xuất) trong năm 2014. “The Grand Budapest Hotel” mang những nét đặc trưng nhất của Wes Anderson. Vẫn là những mảng màu gây hiệu ứng mạnh về mặt thị giác, phần thiết kế mỹ thuật đẹp đến mê hồn, mang đậm phong cách Rococo, camera liên tục di chuyển theo chiều ngang và zoom theo chiều dọc có hệ thống, khâu phục trang cầu kỳ, vẫn là những nét hài hước nhẹ nhàng, đôi chỗ tưng tửng đến kỳ quặc, cộng thêm tài năng diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên “hàng khủng”. “The Grand Budapest Hotel” đã đoạt giải Gấu bạc tại LHP quốc tế Berlin tháng 2/2014.  Đến cuối năm, hai tác phẩm còn lại của Christopher Nolan và Paul Thomas Anderson ra mắt. Nếu “Noah” dở dở ương ương, “The Grand Budapest Hotel” quá thiên về nghệ thuật, thì “Interstellar” chính là quả “bom tấn” theo đúng nghĩa. Kinh phí thực hiện “Interstellar” đội lên tới 165 triệu USD, quy tụ dàn diễn viên nổi tiếng gồm Matthew McConaughey, Jessica Chastain, Anne Hatthaway, Michael Cain, đã tạo ra sự tổng hòa của cả hai yêu tố: vừa hấp dẫn người xem, vừa đạt chất lượng cao.

Darren Aronofsky và poster “Noah”

Điều tuyệt vời ở “Interstellar” là Christopher Nolan đã kết hợp xuất sắc những điều ở tầm vĩ mô, những khoảng không gian vô hạn với những điều tưởng chừng như đơn giản, nhưng vô cùng thiêng liêng: tình yêu thương gia đình. Phim của Christopher Nolan không phải bao giờ cũng hoàn hảo, anh cũng không toàn năng, thậm chí ta có thể nhận ra nhiều lỗi về dàn dựng. Nhưng xét một cách toàn diện, “Interstellar” là một trong những tác phẩm đáng xem nhất mùa phim cuối năm và cũng là một trong những tác phẩm kỳ vĩ nhất trong năm 2014.

“Chậm chân” và cũng lặng lẽ nhất trong bộ tứ là “Inherent Vice” của Paul Thomas Anderson. Kịch bản phim vốn dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thomas Pynchon. Mãi đến ngày 9/1/2015,“Inherent Vice” mới phát hành chính thức. Tuy nhiên, “Inherent Vice” sẽ được chiếu hạn chế tại một số rạp tại Mỹ vào tháng 12/2014 và sẽ tham gia một số liên hoan phim như LHP New York, AFI, để đủ điều kiện tham dự mùa Oscar vào đầu năm sau. 

Có thể bộ tứ quyền lực Wes Anderson, Paul Thomas Anderson, Christopher Nolan và Darren Aronofsky chưa thể sánh được với làn sóng cách mạng tại Hollywood mà những nhà làm phim tên tuổi như Steven Spielberg, George Lucas, Francis Ford Coppola, Brian De Palma, Martin Scorsese khơi mào giai đoạn đầu thập niên 1970, nhưng tiếng nói của họ hiện nay không hề nhỏ. Cả Wes Anderson, Paul Thomas Anderson, Christopher Nolan, Darren Aronofsky – thế hệ đạo diễn sinh năm 1969-1970 – hiện đều là những tài năng nổi bật nhất tại Hollywood.
  

Bài: Hoàng Phương

logo 

Thực hiện: depweb

10/12/2014, 15:39