Mzung Nguyễn: nữ đạo diễn thích làm phim độc lập vì không muốn thay đổi để làm vừa lòng ai - Tạp chí Đẹp

Mzung Nguyễn: nữ đạo diễn thích làm phim độc lập vì không muốn thay đổi để làm vừa lòng ai

Women Empower Women

Mzung chọn con đường trở thành một đạo diễn độc lập với dòng phim thể nghiệm xuất phát từ chính tính cách có phần cực đoan của mình: không thay đổi để làm vừa lòng bất kỳ ai, dẫu cô vẫn biết rằng việc một người phụ nữ quá độc lập trong cả công việc lẫn đời sống đôi khi sẽ dẫn đến thiệt thòi, chẳng hạn, về kinh tế.


Trong tất cả những danh xưng mà nhiều người đang gọi chị như nhà làm phim độc lập, tình nguyện viên, nhà giám tuyển, giảng viên thỉnh giảng, chủ một không gian nghệ thuật kiêm quán trà với những đồ dùng tái chế, chị thích được gọi thế nào?

Tôi thích được gọi là nhà làm phim về môi trường vì tất cả những việc tôi làm đều chỉ hướng về hai hoạt động chính: làm phim và bảo vệ môi trường.

Dòng phim thể nghiệm khá kén người xem, vì chủ yếu những điều tác giả muốn truyền tải chỉ nằm ở hình ảnh. Làm sao chị tự tin rằng khán giả Việt sẽ hiểu phim của mình?

Tôi không hề tự tin. Mục đích đầu tiên khiến tôi làm phim là để thỏa mãn bản thân. Tôi có một câu chuyện, tôi tự tạo ra cấu trúc, rồi khi bản thân ưng ý với sản phẩm, tôi đi tìm khán giả để kể lại câu chuyện đó. Những buổi chiếu “Ngủ trong thành phố”, “Ánh sáng sau sự sống”… tôi đều không quảng bá rộng rãi, khách mời cũng chỉ là những người bạn có tư duy giống tôi cùng xem với nhau. Tôi không ngờ rằng khán giả tới đông quá, tôi phải chiếu thêm nhiều suất.

MZUNG NGUYỄN
• Sinh năm 1982
• Nhà làm phim độc lập, tác giả của nhiều bộ phim tài liệu và phim thể nghiệm về môi trường
• Đồng sáng lập không gian nghệ thuật, triển lãm Mzung Space
• Sáng lập, điều hành CLB “Xine tập sự” tại Đà Nẵng và dự án “Cinema land”
• Đồng sáng lập chương trình “Gặp gỡ mùa thu”

Khi làm phim thể nghiệm, chị có nghĩ rằng mình đang đặt ra bài toán để khán giả đi tìm lời giải?

Những phim tài liệu tôi làm thường không thách thức khán giả, chúng rất gần gũi và dễ xem. Còn phim thể nghiệm thì đúng là thách đố. Nhưng tôi lại thấy khán giả hiểu hết những điều tôi muốn truyền tải, họ còn đặt được nhiều câu hỏi hay, thậm chí có những câu hỏi đến giờ tôi vẫn không trả lời được.

Ví dụ như?

Như câu hỏi “trách nhiệm của một người nghệ sĩ nên dừng lại ở đâu?”. Tôi không biết. Tôi không biết mình chỉ nên dừng lại ở việc làm ra tác phẩm hay còn phải hành động thực tiễn. Dẫu bây giờ tôi vẫn hành động, nhưng liệu những hành động ấy đã đủ hay chưa?

Dường như chính những vấn đề chị đặt ra trong phim đã quay sang thách thức chị?

Đúng, và bản thân thể loại này cũng thử thách tôi nhiều. Tôi phải tự tạo ra cấu trúc, tự trả lời tất cả những câu hỏi, dù nhiều câu thật sự rất thiển cận. Nhưng tôi không hề ghét bỏ chúng, kể cả những ý kiến trái chiều với tôi. Bởi nếu chỉ toàn những lời khen thì các buổi chiếu phim sẽ không còn là sự kiện thể nghiệm nữa mà trở thành sự kiện tự vinh danh mất rồi. Sau những suất chiếu, tôi rất thích khi chứng kiến không gian thể nghiệm trở thành buổi đối thoại không khoan nhượng.

Chị đối phó ra sao với những góc nhìn hạn hẹp hoặc trái chiều?

Tôi tôn trọng sự khác biệt và luôn chào đón tất cả những câu hỏi, dù chúng có hàm chứa sự khiêu khích hay hoài nghi. Chẳng hạn như khi tôi khởi xướng phong trào nhặt rác, nhiều người hỏi đến khi nào tôi mới nhặt hết rác, liệu tôi có thể lượm hết rác trên thế giới này không.

Mỗi khi phát ngôn về các đề tài thời sự, tôi chấp nhận sự rủi ro. Sai cũng được, nhưng ít ra là mình chịu nói và chịu làm, tôi không ngại. Nếu mình sai thông tin, có người sẽ sửa cho mình; nếu sai về quan điểm, coi như mình đang học hỏi từ người khác.

Cuộc đời chị có bị ảnh hưởng bởi những con số trong tài khoản?

Cũng có chứ. Việc mở cửa và duy trì Mzung Space, tôi luôn biết sẽ là một hành trình dài và khó khăn. Không ai thấy được mối lợi nào từ nơi chỉ toàn đồ dùng tái chế và hoạt động miễn phí. Tôi biết nếu cố gắng thương thuyết thêm một chút nữa, tôi có thể nhận được đầu tư cho các dự án của mình, nhưng tôi không muốn bị bão hòa giữa các mô hình khác, không muốn phải làm theo yêu cầu của bất kỳ ai. Tôi chỉ muốn đứng độc lập, thành bại ra sao cũng là kết quả của sự cố gắng của chính mình.

Chị là người phụ nữ có thể tự giải quyết mọi vấn đề?

Tôi tự tin như vậy. Tôi chưa từng làm điều gì vì ai khác. Tôi không cần thành công. Mọi việc tôi làm đều chỉ để thỏa mãn những thôi thúc, dự định của mình trước tiên.

Trong một thế giới đầy phe cánh, tôi không có nhu cầu đứng chung với ai. Nhưng làm việc độc lập không có nghĩa là ở một nơi chốn riêng, nói một thứ tiếng riêng, vị kỷ, nếu cần ngồi lại giải quyết một vấn đề chung, tôi vẫn rất sẵn lòng.

Bất lợi của việc quá độc lập là gì?

Không vừa lòng nhiều người, không đủ tiềm lực để mở rộng dự án. Thi thoảng tôi có cảm giác mình bỏ lỡ một vài thông tin. Bây giờ tôi phải đi kiếm tiền, nuôi sống mình trước đã, sau đó sẽ quay lại với các dự án và phát triển chúng.

Hoài bão lớn nhất trong cuộc đời chị là gì?

Đã lâu lắm rồi không ai hỏi tôi câu này. Thời còn trẻ tôi cũng có hoài bão như bao người khác, muốn đi chu du khắp thế giới, trở thành người có sức ảnh hưởng, trở thành một nhà báo “xịn sò”. Bây giờ thì không thế nữa rồi. Mỗi ngày, tôi chỉ suy nghĩ làm sao thực hiện hết các kế hoạch đang ấp ủ trong đầu.

10s Q&A

Món đồ tái chế chị thích nhất?

Hai chiếc ghế sofa trị giá 0 đồng, chúng được đóng từ 100% đồ tái chế mà chúng tôi nhặt được.

Người ảnh hưởng nhất tới tính cách của chị?

Tính cực đoan, nóng nảy, duy ý chí tôi thừa hưởng từ ba tôi. Phần còn lại thì tôi chẳng giống ai.

Ý nghĩa những hình xăm trên tay chị?

Hình xăm tọa độ Đà Lạt: tôi muốn mình được chôn ở đây lúc cuối đời.

Hình xăm “Do no harm”: tất cả những việc tôi làm sẽ không gây đau đớn cho thú vật hay con người.

Còn lại là hình xăm những con vật tôi yêu thích hoặc tôi từng tham gia bảo tồn, giải cứu.

Sản xuất: Hạnh Nguyên
Nhiếp ảnh: Samson Nguyễn

Tác giả: April

14/10/2019, 11:37