Mystery bag/ subscription box: Hàng tồn kho hay sự bất ngờ ngọt ngào? - Tạp chí Đẹp

Mystery bag/ subscription box: Hàng tồn kho hay sự bất ngờ ngọt ngào?

Làm Đẹp

Những sản phẩm làm đẹp được lựa chọn ngẫu nhiên và gửi đến bất ngờ là lý do khiến các cô gái ưa chuộng những chiếc túi/hộp làm đẹp (mystery bag/ subscription box) trong những năm gần đây. Nhưng có phải người mua hàng đang tự mình sa chân vào một chiếc bẫy ngọt ngào mà thực chất lại là phương thức đẩy hàng tồn kho của các thương hiệu?

Chỉ mới xuất hiện vào những năm 90 của thế kỷ trước nhưng thói quen mua túi Fukubukuro đã nhanh chóng trở thành phong tục không thể thiếu của người Nhật mỗi dịp năm mới. Điểm đặc biệt của những chiếc túi này là khách hàng hoàn toàn không biết bên trong có gì, tùy vào từng cửa hàng mà mỗi chiếc túi được chuẩn bị sẽ có thực phẩm, quần áo hoặc đồ gia dụng.

Lấy cảm hứng từ chiếc túi Fukubukuro của người dân xứ Phù Tang, các thương hiệu mỹ phẩm trên thế giới cũng cho ra đời một loại hình tương tự: mystery bag – những chiếc túi bí mật chứa đồ dưỡng da, trang điểm, làm tóc… được tung ra nhân dịp năm mới, Giáng sinh hay vài thời điểm bất kỳ trong năm. Một hình thức định kỳ hơn của chúng là subscription box – những chiếc hộp mỹ phẩm được thiết kế dựa trên sở thích, nhu cầu của từng khách hàng và gửi đến nhà theo tháng hay theo quý.

Bí mật ngọt ngào

Ra đời vào năm 2010, Birchbox được cho là thương hiệu tiên phong giới thiệu subscription box đến với cộng đồng làm đẹp. Đều đặn mỗi tháng, Birchbox sẽ gửi đến khách hàng một chiếc hộp chứa 4-5 sản phẩm mini-size với giá 15 đô. Mục đích của Birchbox là mang đến cho khách hàng cơ hội được trải nghiệm nhiều loại sản phẩm trước khi quyết định mua size lớn. Trang thương mại điện tử này hiện đã thu hút được 400.000 người đăng ký dịch vụ subscription box hàng tháng.

Không quá khó hiểu khi Lucky Bag 2019 của Beautylish hết hàng chỉ sau một ngày bởi giá trị của những sản phẩm bên trong vượt xa con số 75 đô: set phấn bắt sáng Becca Glow On The Go giá 24 đô, bảng mắt Annatasia Beverly Hills Sultry giá 45 đô, nhũ mắt CoverFX Glitter Drops giá 44 đô, cọ lông tự nhiên Wayne Goss giá 28 đô, Hourglass Caution Extreme Lash Mascara giá 29 đô…

Không lâu sau đó, vào tháng 9/2012, cô gái gốc Việt Michelle Phan cũng cho ra mắt Ipsy – một công ty chuyên cung cấp subscription box, sau 5 năm hoạt động dưới vai trò beauty vlogger. Mỗi chiếc túi Ipsy Glam Bag giá 10 đô bao gồm 5 món đồ làm đẹp bất kỳ. Trước khi đăng ký dịch vụ, khách hàng cần làm một bản khảo sát ngắn về sở thích trang điểm, thói quen dưỡng da, thương hiệu yêu thích cùng những mô tả về loại da, tình trạng da của mình. Những món mỹ phẩm có trong túi sẽ được Ipsy lựa chọn sao cho phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng khách hàng.

Trang thương mại điện tử Beautylish bắt đầu dịch vụ subscription box vào năm 2013. Những chiếc túi bí mật sẽ được Beautylish bán vào ngày Boxing Day 26/12 hàng năm với giá khoảng 75 đô.

Cuối năm 2017, Charlotte Tilbury giới thiệu “Lucky box of makeup magic” (Chiếc hộp may mắn chứa phép màu trang điểm) với hai mức giá: 100 đô và 200 đô. Đứng trước thị trường tiềm năng này, Beautyblender – thương hiệu sở hữu loại mút trang điểm nổi tiếng toàn cầu – cũng tung ra chiếc hộp may mắn mang tên “Sweet Surprise” (Bất ngờ ngọt ngào) với giá khoảng 20 đô.

Bao bì của Beautylish Lucky Bag in hình những võ sĩ sumo hay còn gọi là rikishi, những người sẽ mang đến may mắn và tiền bạc cho bất cứ ai có duyên gặp được họ.

Thành công của loại hình dịch vụ này không dừng lại ở các nước phương Tây mà trở thành một làn sóng lan rộng đến cả các quốc gia châu Á. Memebox – một website chuyên bán mỹ phẩm của các thương hiệu Hàn Quốc – đã đồng loạt tung ra 3 phiên bản subscription box mang tên “Memebox Global”, “Luckybox” và “Superbox” trong tháng 4/2014. Ở Việt Nam, khoảng 3 năm trước, Lixibox cũng từng kết hợp với các beauty blogger cho ra mắt những chiếc hộp theo chủ đề nhất định với giá bán cực ưu đãi trong bước đầu tiếp cận thị trường. Từ đó đến nay, ngoài các phiên bản hộp mỹ phẩm được sản xuất định kỳ, Lixibox còn xây dựng được một trang thương mại điện tử và một cửa hàng bày bán sản phẩm ở quận 3, Tp. HCM.

Nhân đôi niềm vui với giá ưu đãi

Mang trọn vẹn ý nghĩa may mắn và bất ngờ từ những chiếc túi Fukubukuro, đó là lý do subscription box/mystery bag rất được các tín đồ làm đẹp ưa chuộng. Không giống việc lựa chọn và đặt mua mỹ phẩm thông qua các trang thương mại điện tử, bạn hoàn toàn không biết về những món đồ sẽ được gửi đến mình. Sự tò mò cùng niềm bất ngờ khi khám phá món quà bí mật chính là yếu tố kích thích nhiều nhất đối với các khách hàng tham gia hình thức này.

Nhân dịp “Ngày của cha” năm nay, Birchbox tung ra chiếc hộp giới hạn Modern Grooming Box với những món đồ chăm sóc cá nhân cơ bản và cần thiết dành cho nam giới như kem đánh răng, xà phòng, sữa rửa mặt, dao cạo râu…

Bên cạnh đó, giá thành rẻ cũng là động cơ thúc đẩy người mua chi tiền cho những món đồ mà họ không biết chính xác là gì. Đa phần các thương hiệu, trang thương mại điện tử đều bán subscription box/mystery bag với giá rất ưu đãi. Chẳng hạn, giá của mỗi chiếc hộp Birchbox là 75 đô trong khi giá trị thực của sản phẩm bên trong có thể vượt xa con số đó, hay khách hàng chỉ phải trả 25 đô cho những món mỹ phẩm trị giá 55 đô của ColourPop.

Một tuyệt chiêu kinh doanh

Tính đến thời điểm này, subscription box/mystery bag vẫn là một hình thức mua mỹ phẩm thu hút đông đảo các tín đồ làm đẹp. Tuy nhiên, vẫn có không ít ý kiến xoay quanh các sản phẩm bí mật, chẳng hạn những màu son khó dùng như xanh lá, xanh dương, vàng… của Jeffree Star Cosmetics. Điều đó làm dấy lên nghi ngờ về việc các thương hiệu tận dụng hình thức này như một cách để giải quyết hàng tồn kho.

Từ thiết kế bên ngoài với hình vẽ những người phụ nữ đa sắc tộc, đa ngành nghề đến các sản phẩm bên trong thuộc những thương hiệu do phụ nữ sáng lập, chiếc hộp tháng 5/2019 được Birchbox gửi đến khách hàng như một lời ghi nhận trân trọng dành cho một nửa thế giới.

Tuy nhiên, vấn đề nằm ở sự khác nhau giữa hình thức subscription box và mystery bag chứ không phải thiện chí của thương hiệu. Với những chiếc túi bí mật được tung ra vào thời điểm bất kỳ, bạn không thể chọn sản phẩm dựa trên tông da, loại da hay sở thích bản thân như subscription box. Các sản phẩm bên trong túi cũng được thương hiệu lựa chọn một cách đầy ngẫu nhiên, điều này dẫn đến tình trạng một số người sẽ mua phải lọ kem dưỡng không phù hợp với loại da, bảng mắt không đúng với sở thích cá nhân hoặc màu son mà họ nghĩ sẽ chẳng bao giờ dùng.

Không phải ngẫu nhiên mà trong lần phát hành gần đây nhất, thương hiệu Beautyblender nổi tiếng đã bán được 215.000 chiếc túi bí mật; 25.000 chiếc túi “She’s a mystery” của ColourPop cũng nhanh chóng hết hàng chỉ trong một giờ ra mắt. Yếu tố làm nên những con số kỷ lục này chính là chất lượng sản phẩm bên trong. Chiếc túi may mắn của ColourPop bao gồm những sản phẩm bán chạy nhất, mới ra mắt hoặc bộ sưu tập phiên bản giới hạn. Beautyblender thì tung ra những chiếc mút trang điểm chưa từng bày bán trên thị trường hoặc các phiên bản đặc biệt đã ngừng sản xuất.

Chiếc hộp Ipsy Glam Bag Plus được bán ra với giá 25 đô trong khi tổng giá trị thực của 5 sản phẩm full-size bên trong ít nhất là 120 đô. Trong hình là chiếc hộp tháng 4 bao gồm các sản phẩm makeup mang phong cách sống động theo chủ đề mùa xuân tươi trẻ.

Có thể xem subscription box/mystery bag như một loại cảm xúc phức tạp đầy quyến rũ. Khi quyết định chọn mua nó nghĩa là bạn phải sẵn sàng bước vào một cuộc chơi “đau tim” mà cũng vô cùng kích thích khi hoàn toàn không biết điều gì đang chờ đợi mình.

Tác giả: Thanh Tuyền

28/07/2019, 07:00