Mỹ ra phán quyết về quyền phá thai: Khi phụ nữ Mỹ bị tước quyền lựa chọn đối với cơ thể của mình

Ngày 24/6, Tòa án tối cao Mỹ phán quyết quyền phá thai không phải là quyền hiến định. Đồng nghĩa thẩm quyền liên quan đến vấn đề phá thai sẽ được trả lại cho nhân dân và các đại diện mà họ đã bỏ phiếu chọn. Phán quyết này của Tòa án đã gây chia rẽ nước Mỹ dữ dội. Nhiều người cho rằng 24/6 là ngày “xúc phạm tư duy tự do” và đánh dấu một “bước đi lùi” cho phụ nữ Mỹ. 

Cú lật ngược chưa có tiền lệ

Năm 1973, Tối cao Pháp viện Mỹ đã đưa một phán quyết mang tính bước ngoặt được gọi là Án lệ Roe v Wade. Theo phán quyết này, phụ nữ có quyền được lựa chọn phá thai và chính phủ không được phép can thiệp vào lựa chọn này. Quyền được phá thai của phụ nữ sẽ được đặt dưới sự bảo vệ của Hiến pháp. 

Thế nhưng, Tòa án tối cao Mỹ mấy ngày qua đã đảo ngược phán quyết Roe v Wade, cho rằng việc cho phép phá thai không phải là quyền hiến định, không được hiến pháp quốc gia ghi nhận và bảo vệ. Trong lịch sử, đã nhiều lần Tòa án Tối cao lật lại các các phán quyết để trao cho người dân nhiều quyền hơn. Thế nhưng đảo ngược phán quyết Roe v Wade lại là trường hợp đầu tiên đi ngược lại chân lý đó, vì quyết định này không trao quyền mà sẽ hạn chế quyền của phụ nữ Mỹ. 

Theo tờ The Conversation, nước Mỹ đã rục rịch hạn chế quyền phá thai từ trước đó. Khi vào năm 2021, các tiểu bang trên khắp Hoa Kỳ đã ban hành 663 quy định hạn chế phá thai – một con số kỷ lục được ghi nhận trong suốt 49 năm trở lại đây. Chỉ trong vòng 2011-2016, đã có một phần tư phòng khám phá thai ở Hoa Kỳ phải đóng cửa. Phán quyết mới nhất của Tòa án tối cao Mỹ chính là một giọt nước tràn ly, đẩy nước Mỹ vào một hoàn cảnh mà truyền thông gọi là “thế giới hậu Roe”. 

Trong thế giới đó, quyền tiếp cận phá thai của phụ nữ đã bị tước đoạt. Chỉ vài giờ sau phán quyết, ít nhất 8 bang ở Mỹ đã lập tức ban hành lệnh cấm phá thai và dự kiến sẽ có thêm nhiều bang khác trong những tuần tới. Có nhiều dự đoán cho rằng sẽ có khoảng một nửa số bang ở Mỹ tham gia cấm phá thai theo nhiều hình thức. Hiện nay, Utah là bang ban hành lệnh cấm sớm nhất, theo sau đó là Ohio với “Đạo luật nhịp tim” – Luật cấm phá thai khi thai nhi đã có nhịp tim. Tại các bang Arizona và Texas, các cơ sở phá thai cũng ngừng dịch vụ và phòng khám thực hiện các ca phá thai. .

Trong khi đó, các bang Dân chủ như California, Washington và Oregon cũng cam kết bảo vệ quyền phá thai và giúp những phụ nữ từ các bang ở bờ tây muốn phá thai.

Phán quyết gây chia rẽ

Phán quyết này của Tòa án tối cao Mỹ đã chia quốc gia thành 2 phe đối đầu nhau. 

Một bên chỉ trích phán quyết và cho rằng phụ nữ có toàn quyền quyết định với những gì đang xảy ra với cơ thể của mình. Chia sẻ với tờ The New York Times, Diễn giả Nancy Pelosi nói rằng bà “bị choáng váng” trước quyết định của Tòa án Tối cao. “Là một người phụ nữ, một người mẹ và một người bà, tôi thực sự rất đau lòng khi nhìn thấy những cô gái trẻ của tôi thậm chí còn có ít quyền hơn thời mẹ hay thời bà của chúng”, Nancy nói ngụ ý đây là một cú “trượt” dài của bình đẳng giới – một điều đáng nhẽ không nên xảy ra ở đất nước được xếp vào hạng tiên tiến hàng đầu thế giới. Hãng tin AFP cũng dẫn lời cô Kim Boberg, một người tham gia biểu tình ở Washington D.C: “Những gì xảy ra hôm qua thật không thể diễn tả nổi và kinh tởm. Bất cứ phụ nữ nào cũng không nên bị ép buộc trở thành một người mẹ”. Đấy là chưa kể đến những trường hợp vì bị cưỡng bức nên mang thai, và một số liệu gây nhức nhối là 3/4 những người tìm cách phá thai ở Mỹ đều đang sống trong cảnh nghèo đói.

Bên ủng hộ phán quyết thì cho rằng việc phá thai là không tôn trọng “quyền lựa chọn” của thai nhi và có thể đe dọa tính mạng của phụ nữ. “Phụ nữ la ó vì không có quyền lựa chọn với cơ thể. Vậy còn những thai nhi đã thành hình người kia, chúng chẳng lẽ không có quyền được lựa chọn sao?” – một người ủng hộ phán quyết của tòa chia sẻ.

Một quyết định không… đi tới đâu

Nhiều người cho rằng phán quyết này sẽ chấm dứt tình trạng phá thai ở Mỹ, thế nhưng tình cảnh lại có vẻ… sẽ đi ngược lại và thậm chí trầm trọng hơn.Theo The Conversation đưa tin, phụ nữ sẽ tìm cách luồn lách luật hạn chế phá thai bằng cách tìm đến các cơ sở lậu, hoặc tìm mua thuốc để phá thai tại nhà. Cũng có trường hợp, phụ nữ mang thai sẽ di chuyển đến các bang hay thậm chí các quốc gia không ban hành luật cấm để phá thai. 

Ngoài ra, phán quyết này còn làm “xoáy sâu” vào sự phân biệt đối xử giữa người da trắng và người da đen, khi trong 1.200 vụ truy tố liên quan đến phá thai trong 15 năm qua, có 52% phán quyết đưa ra đều chống lại phụ nữ da đen. Chưa kể, hãng tin cũng cho biết phụ nữ da đen khi tiếp tục mang thai và sinh nở sẽ có tỷ lệ tử vong cao gấp ba lần phụ nữ da trắng. 

Đứng trước làn sóng tranh cãi dữ dội này, người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói rằng Tổng thống Joe Biden tôn trọng Tòa án tối cao. “Tòa án tối cao đã đưa ra một số quyết định kinh khủng. Nhưng Tổng thống vẫn phải tôn trọng tòa án và sẽ tìm kiếm giải pháp thêm”, bà Karine nói. 


From the same category