Mỹ phẩm và… thực phẩm

Tôi còn nhớ cách đây khoảng 10 năm, tôi được tặng một thỏi son có vị thơm như kẹo. Ban đầu thì thích thú lắm, sau thì sợ, son gì mà mùi lạ thế, cuối cùng đành để ngắm. Ấy là cái thuở còn mù mờ, nhiều e ngại, chứ không phải tôi là một anti-fan của mùi hương, nhất là mùi thực phẩm.

Thực phẩm và mỹ phẩm từ lâu đã có mối quan hệ mật thiết. Bạn nghi ngờ ư? Hãy nhớ lại mùi nước hoa như Angel (Thierry Mugler), Candy Apples (DKNY) hay Shalimar (Guerlain), chúng có gợi bạn nhớ tới những buổi chiều ngồi nướng bánh táo với mẹ? Hay cũng có thể là màu móng Mint Candy Apple (Essie), Black Cherry Chutney (OPI), rồi vị son Clarins Rouge Prodige Creamy Toffee, Bobbi Brown Blackberry… Bạn thấy không, chúng ta có cả một bữa tráng miệng vừa thơm ngon vừa bắt mắt.

Mùi vị tuyệt vời

Trào lưu gắn mùi vị với mỹ phẩm được khuấy động khi Lancôme giới thiệu dòng Juicy Tubes, lip glosses lấy cảm hứng từ thực phẩm (gồm có vị đào, cà phê, mật ong). Trông chúng như những thỏi kẹo trong suốt nhỏ nhắn và chúng quả thực đã khiến cả thế giới tan ra.

 

Lancôme Juicy Tubes 

Đó là câu chuyện của năm 2000. Bây giờ thì các nhãn hiệu mỹ phẩm lớn coi việc đưa hương vị thực phẩm vào sản phẩm son là một trong những chiến lược quan trọng. Với Chanel đó là Rouge Coco với mùi vị của một bó hoa hồng, dâu đất và vani. Còn Estée Lauder Sensuous Rouge lại mang mùi của các loại bánh Pháp nổi tiếng: macaroon và truffle.

Người ta thấy trào lưu này gây ra phản ứng theo hai thái cực rõ rệt: hoặc bạn thích hoặc rất ghét nó.

Bà Orrea Light, phó chủ tịch phụ trách phát triển sản phẩm của L’Oréal Paris đã nói: “Đó là một chiến lược tiềm ẩn nguy cơ. Nếu bạn không thích cách một sản phẩm nào đó được tạo mùi hương, chắc chắn bạn sẽ không dùng nó.” Có thể chỉ vì ghét một mùi vị, mà người ta sẵn sàng từ chối một màu sắc yêu thích, dù nó cực kỳ hoàn hảo. Tương tự như vậy, mùi vị cũng có thể ảnh hưởng đến tình cảm, tâm lý. “Nó có thể gợi lên cảm xúc quyến rũ, thoải mái và thư giãn”, bà Veronique Delvigne, đại diện Lancôme phát biểu.

Vậy có công thức chung để một sản phẩm dành cho môi có thể đứng trong danh sách best-seller? “Điều quan trọng là nó phải khiến người dùng cảm thấy an toàn, như dầu trái bơ và chiết xuất hoa dâm bụt,” bà Light khẳng định. “Có một vài mùi vị điển hình cho son môi – mùi violet, quả mâm xôi, son bóng với mùi dâu… Đặc biệt mùi vani mang đến cảm giác thoải mái – đó là mùi điển hình dành cho khách hàng châu Âu”.

Đẹp mắt

Nỗi ám ảnh về cảm hứng thực phẩm với ngành công nghiệp làm đẹp bắt đầu vượt qua cả vấn đề mùi vị. Thực phẩm trở thành ý tưởng, concept để phát triển cả một dòng sản phẩm trang điểm. “Một đầu bếp tuyệt vời cũng giống như một chuyên gia trang điểm tuyệt vời”, ông James Gager, phó chủ tịch và giám đốc sáng tạo của M.A.C đã nói như vậy. Đó không hẳn là một câu so sánh mang tính ví von. Thực tế là Creative Make-up Director của Estée Lauder – Tom Pecheux, nổi tiếng bởi bắt đầu sự nghiệp từ vai trò một đầu bếp bánh ngọt ở Paris. Còn ông Lloyd Simmonds, chuyên gia trang điểm toàn cầu của YSL, hồi giữa năm ngoái trong một lần tản bộ qua một cửa hàng bánh kẹo kiểu cổ đã bất chợt nảy ra ý tưởng về bộ sưu tập mới.

Candy Face của YSL 

Chỉ sau đó 7 tháng, bộ sưu tập sản phẩm trang điểm năm 2012 Candy Face của YSL ra đời như một sự tôn vinh vẻ đẹp của những viên kẹo ngọt. “Tôi muốn nó trông thật vui tươi, đầy màu sắc và ngon miệng”, ông nói đầy tự hào về bảng màu mắt pastel và các màu môi lấy cảm hứng từ tông màu của những viên kẹo hoa quả.

Cảm hứng thực phẩm trở lại với M.A.C đầu năm 2012 với bộ sưu tập màu sắc mang tên Shop M.A.C, Cook M.A.C, gồm những màu mắt và môi bắt mắt, trong đó không ít món đồ được đặt tên dựa trên các loại thực phẩm. “Ai mà không thích mua sắm hay nấu ăn chứ”, Gager – Senior Vice President kiêm Creative Director của M.A.C nói. Như vậy, ông đã khéo léo khiến cả thế giới thấy mình không thể không phù hợp với Shop M.A.C, Cook M.A.C.

Shop M.A.C, Cook M.A.C

Trước đó ít lâu, khi Lancôme cho ra mắt bộ sưu tập mùa xuân 2012 với báo giới, họ đặt những sản phẩm màu mắt, môi và móng tay của mình trong các hộp bánh macaroon. Ba loại son môi mới của Lancôme được bán vào tháng 1 năm nay mang tên Rose Candy, Cotton Candy và Sweet Marmalade. Đó là một chiến thuật thông minh bởi ai trong chúng ta cưỡng lại được sự quyến rũ của những món ngon dường ấy.

Tất cả trong cái tên

Có thể nói ngành công nghiệp làm đẹp đã vay mượn từ các cuốn sách dạy nấu ăn để đặt tên cho son môi và sơn móng tay.

Ta hãy quay trở lại quá khứ trước thời điểm năm 2000, điển hình như Cherries In The Snow của Revlon ra mắt năm 1953. Những cái tên như những “ngón đòn” tâm lý phong phú, khai thác bộ nhớ của chúng ta, tạo thành một mối liên kết bền vững giữa sản phẩm và người dùng. Cherry Lush liệu có trở thành sản phẩm son bóng thành công nhất của Tom Ford nếu nó được đặt tên là “màu hồng đỏ”? Liệu Almost Lipstick Black Honey của Clinique có giữ vững vị trí là một trong những sản phẩm bán chạy nhất suốt 40 năm kể từ khi ra mắt, nếu nó được đặt tên là “hoa cà”? Hay Diorific Lipstick Sipping Cognac của Dior có được ưa chuộng lâu như vậy nếu nó có cái tên là “nâu nhạt”?

 

Cherries In The Snow

 

Black Honey của Clinique 

Những cái tên thường được đặt theo hai hướng: tạo cảm giác dễ chịu hoặc thật hài hước. Hướng thứ 2 có vẻ hợp với thế giới đa sắc rực rỡ của các loại màu móng, trong đó có thể coi OPI là nhãn hiệu dí dỏm nhất. Màu đỏ san hô được họ gọi là “I Eat Mainely Lobster” (Tôi toàn ăn tôm hùm). Màu cam sáng được đặt tên “A Good Mandarin Is Hard To Find” (Thật khó để tìm được một quả quýt hoàn hảo).

Nhiều nhãn hiệu trang điểm truyền thống khác cũng bắt đầu chú ý tới những cái tên kiểu này như màu Burnt Sugar của Bobbi Brown (màu nâu ánh vàng). Phấn phủ Givenchy’s Toffee Taffeta (màu nude). Màu mắt Hot Cinnamon của Estée Lauder (nâu sẫm).

Mùi hương

Tuy nhiên, phải nói rằng tác động tạo ấn tượng tới bộ nhớ mạnh mẽ và hiệu quả nhất là thông qua mùi hương. Theo quan điểm của chuyên gia nước hoa hàng đầu Roja Dove, “Vị giác và khứu giác là đồng nhất. Vị được xử lý trong cùng một phần của bộ não của bạn như mùi. Đó là lý do tại sao người Pháp thường diễn tả mùi bằng từ ‘savoureux’, có nghĩa là ‘ngon’.”

Theo thời gian, người ta nghiệm ra rằng vani có tác dụng mạnh nhất với giác quan của chúng ta. Loại nước hoa đầu tiên sử dụng mùi vani là Shalimar by Guerlain ra mắt năm 1925. Pierre Aulas – giám đốc nghệ thuật khứu giác của Thierry Mugler Parfums cho biết, “Vani đã được khoa học chứng minh là mùi vị hấp dẫn nhất. Nó nhắc nhở chúng ta về sự an toàn của một em bé – đó là cảm giác ấm áp, được chào đón, bao bọc. Nghiên cứu cho rằng nguyên do là bởi sữa của người mẹ có thể chứa các hóa chất tương tự như vani, điều đó khiến vani làm cho chúng ta cảm thấy hài lòng và an toàn.”

Shalimar by Guerlain

Cuối năm ngoái, thế giới hào hứng đón nhận Ombre Platine, tác phẩm của chuyên gia nước hoa nổi tiếng Jean-Charles Brosseau (người đàn ông phía sau Ombre Rose), với mùi hương ngọt semi-oriental từ hương nho đen, dừa và kem sữa, gợi cảm giác về các loại bánh ngọt và kem tươi nướng. Nó cũng khiến người ta nhớ tới Musc Maori Parfumerie của nhà Parfumerie Générale, một mùi hương phảng phất khiến người dùng liên tưởng tới mùi thơm của bánh quy bơ.

Thực phẩm cho tâm hồn

Sang năm là dịp kỷ niệm 20 năm của Thierry Mugler’s Angel, một mốc đánh dấu cho sự phát triển của dòng nước hoa ngọt. Dự án mới nhất của nhà Mugler là kết hợp với đầu bếp hàng đầu Hélène Darroze, với dự án cách tân 4 mùi hương tiêu biểu của Mugler là Angel, Alien, Womanity và A*Men. Mỗi loại sẽ được cộng thêm một mùi hương mới: Angel với mùi bột cocoa nguyên chất, Alien với mùi bơ caramel mặn, Womanity mùi… tương ớt và A*Men được tăng cường với hạt tiêu đỏ.

“Chúng tôi muốn thiết lập một mối quan hệ song song giữa ẩm thực cao cấp và nước hoa cao cấp”, đại diện nhà Mugler nói, “Tương tự như với ẩm thực: các thành phần được kết hợp vào cuối của các công thức để tạo ra một sự hòa hợp của hương vị. Hélène tin rằng khứu giác và vị giác là không thể tách rời. Và đó là vai trò thực sự của mùi hương và trang điểm – thực phẩm cho làn da và tâm hồn.”

Bài Q.S


From the same category