Không chỉ động thực vật mà con người cũng là nguồn cảm hứng cho các sản phẩm mô phỏng sinh học. Điều này được phản ánh ngày một rõ ràng trong ngành công nghiệp làm đẹp hiện nay.
Chiếc máy bay đầu tiên cất cánh trên bầu trời là kết quả quan sát các loài chim sau nhiều năm của hai thợ cơ khí Orville Wright và Wilbur Wright. Chiếc kim tiêm y tế được sáng tạo dựa theo hình mẫu của răng rắn. Bộ đồ bơi giảm tối đa lực cản của dòng nước mà kình ngư người Mỹ Michael Phelp mặc tại thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008 được thiết kế dựa trên đặc điểm của da cá mập…
Những phát kiến kể trên chính là đại diện tiêu biểu của ngành khoa học có tên “mô phỏng sinh học” (biomimetic technology) – sáng tạo vật chất dựa trên tính chất, cách thức vận động của tự nhiên. Không chỉ động thực vật mà con người cũng là nguồn cảm hứng cho các sản phẩm mô phỏng sinh học. Điều này được phản ánh ngày một rõ ràng trong ngành công nghiệp làm đẹp.
Thời đại bùng nổ của mỹ phẩm và các dịch vụ chăm sóc da, làn da đang bị đem ra tuyên truyền với những đặc điểm như yếu ớt, mong manh, rất dễ bị tổn hại. Nhưng thực tế, da của chúng ta rất khỏe. Nó là lớp phủ bảo vệ cơ thể khỏi khí hậu khắc nghiệt, vi khuẩn gây hại, môi trường ô nhiễm với khả năng tự phục hồi và không ngừng tái tạo. Mỹ phẩm mô phỏng sinh học bắt chước chính khả năng kỳ diệu này của làn da.
Công nghệ mô phỏng sinh học được khai thác lần đầu tiên trong dòng sản phẩm chăm sóc da Capture Totale của Dior vào năm 1986. Các nhà khoa học của Dior đã thêm liposome – túi nhân tạo nhỏ hình cầu có cấu tạo gần giống với cấu trúc của màng tế bào – vào công thức kem dưỡng để giúp các thành phần hoạt tính thẩm thấu vào da dễ dàng hơn. Sau liposome, đến lượt hyaluronic acid, ceramides, peptides… – những chất vốn có sẵn trong da cũng lần lượt được điều chế để đưa vào mỹ phẩm. Các “bản sao” này hội tụ với các “bản gốc” trong da giúp tối đa hóa quá trình phục hồi và củng cố hàng rào bảo vệ da.
Sự ra đời của thành phần dưỡng da mô phỏng sinh học cũng giúp giảm bớt áp lực khai thác mà ngành công nghiệp làm đẹp đang đặt vào thiên nhiên. Mặc dù các thành phần dưỡng da từ thiên nhiên gần đây đã nổi lên như một sự lựa chọn làm đẹp an toàn, thân thiện và hiệu quả, nhưng không phải tất cả trong số đó đều bền vững. Bạn có biết để trồng được dầu cọ – thành phần có tác dụng dưỡng ẩm và chống lão hóa da, nhiều khu rừng nhiệt đới đã bị đốn hạ, đẩy các loài động vật sinh sống ở đó đến bờ vực tuyệt chủng? Các thành phần mỹ phẩm mô phỏng sinh học được điều chế trong phòng thí nghiệm không chỉ tạo ra bước tiến về công nghệ cho ngành làm đẹp mà còn là một hướng đi bền vững của thị trường.