Nhờ sự ra đời của mỹ phẩm đổi màu tùy thuộc vào độ pH trên da, các cô gái dù không cần phải test sản phẩm trước khi mua nhưng vẫn sẽ lựa chọn được sắc thái phù hợp nhất cho bản thân.
Bạn có còn nhớ thỏi son gió màu xanh nhưng thoa lên môi lại thành hồng rất thần thánh mà bạn đã từng trộm dùng của mẹ ngày nhỏ không? Nếu câu trả lời là có, bạn quả là một cô nàng đi trước thời đại vì đã bắt kịp xu hướng “pH-activated makeup” đang nổi đình đám khắp TikTok từ rất lâu.
Xu hướng xoay quanh các sản phẩm trang điểm có khả năng chuyển đổi màu sắc theo độ pH của làn da này đã khiến nâng công cuộc cá nhân hóa chu trình làm đẹp của chúng ta lên một tầm cao mới. Từ kem nền, son môi, son dưỡng, má hồng, vô số thương hiệu từ bình dân đến cao cấp đều đã tung ra thị trường những dòng mỹ phẩm dựa trên độ pH của riêng mình.
Hồi tưởng lại một chút về bộ môn hóa học thời cấp 3, chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ đến độ pH – thước đo cho biết mức độ axit hoặc bazơ của dung dịch. Độ pH nhỏ hơn 7 biểu thị tính axit và lớn hơn 7 biểu thị tính bazơ (kiềm). Khi áp lý thuyết này vào lĩnh vực làm đẹp và các sản phẩm chăm sóc da, độ pH là yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả của các thành phần, tính ổn định và độ an toàn của sản phẩm.
Bạn sẽ thấy thuật ngữ “cân bằng độ pH” xuất hiện thường xuyên trên các loại mỹ phẩm, đi kèm với cam kết giúp làn da duy trì được độ ẩm tối ưu, đồng thời củng cố hàng rào da, bảo vệ nó khỏi các gốc tự do, các loại vi khuẩn dễ sinh sôi, ô nhiễm và các chất kích thích từ môi trường. Các sản phẩm chúng ta sử dụng trên da có thể ảnh hưởng đáng kể đến độ pH và gây kích ứng, khô da, nổi mụn và viêm nhiễm nếu chúng vượt quá độ pH lý tưởng cho da (từ 4,7 đến 5,5). Tuy nhiên, đây chưa phải là tất cả. Có một khía cạnh khác về độ pH được các thương hiệu làm đẹp khai thác triệt để vào trong những sản phẩm làm đẹp. Từ đó, họ cho ra đời các dòng mỹ phẩm thay đổi màu sắc theo độ pH, hay còn gọi là mỹ phẩm kích hoạt bằng độ pH.
Có tổng cộng khoảng 110 tông màu da khác nhau được nghiên cứu và công bố bởi Viện màu sắc Pantone. Nhưng trên thực tế vẫn chưa có thương hiệu làm đẹp nào có thể tung ra dòng mỹ phẩm có thể thích ứng được với nhiều sắc thái da như vậy. Đây chính là lúc các dòng mỹ phẩm kích hoạt bằng độ pH phát huy lợi thế của chúng khi mang đến cho người dùng một sắc màu cá nhân duy nhất.
Nguyên lý hoạt động của những sản phẩm này cũng tương tự như các loại mỹ phẩm khác, chúng cũng sở hữu công thức chứa các hoạt chất hóa học tạo màu, tạo sắc tố cho da. Điểm khác duy nhất ở đây chính là hoạt chất này không màu, có tính axit yếu và khi tiếp xúc với má, mí mắt hay môi, sẽ phản ứng với mức độ pH trên da rồi tạo thành sắc tố màu. Chúng phản ứng khác nhau ở các mức độ pH khác nhau, nên màu sắc đem lại sẽ hoàn toàn phù hợp với nước da tự nhiên của bạn. Do đó, những người có nước da khác nhau, sử dụng cùng một sản phẩm nhưng sẽ nhận được kết quả trên da hoàn toàn khác biệt, về cả độ đậm nhạt và sắc thái.
Một sản phẩm trang điểm thay đổi màu theo độ pH có thể có màu đen, xanh lá cây, xanh lam, trong suốt tùy theo công thức hóa học của nó. Nhưng dù cho ban đầu có sắc thái nào, sau khi thoa lên da nó cũng sẽ chuyển hóa thành sắc thái tương thích với làn da tự nhiên.
Giữa thế giới hiện đại nơi hàng chục thương hiệu làm đẹp và các dòng sản phẩm ra đời mỗi năm, không có gì khó hiểu nếu bạn thấy lo lắng liệu mỹ phẩm đổi màu có gây hại cho da hay không?
“Các loại mỹ phẩm đổi màu theo độ pH sẽ không gây ảnh hưởng đến độ pH tự nhiên của da. Hầu như các hoạt chất có trong công thức đều là các loại axit rất yếu đóng vai trò như một chất xúc tác. Và bạn yên tâm rằng làn da chúng ta làm khá tốt trong việc tự cân bằng độ pH của chính nó.” Krupa Koestline – nhà hóa học mỹ phẩm sạch từng làm việc tại các thương hiệu mỹ phẩm lớn như Estee Lauder và Neutrogena chia sẻ.
Phấn má, son và kem nền khi thoa lên da sẽ thay đổi màu sắc tùy thuộc vào độ pH trên da của bạn tại thời điểm trang điểm (độ pH thay đổi trong ngày). Do đó, nếu bạn sản phẩm má hồng của bạn mang lại hiệu ứng màu sắc hôm nay khác với ngày hôm qua, thì đó là lý do.