Chưa kể đến hàng tỉ đô doanh thu, chỉ riêng sự trường tồn kéo dài cả trăm năm trong nền công nghiệp mỹ phẩm đã là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh đáng gờm của các tập đoàn đồ sộ phương Tây như Estée Lauder, L’Oréal, LVMH, Coty… Nhưng bất chấp vị thế dẫn đầu của các “ông lớn” này lẫn năng lực khai sinh xu hướng của các thương hiệu non trẻ (Kylie Cosmetics, Huda Beauty, Fenty Beauty…), mỹ phẩm châu Á vẫn nỗ lực ghi tên mình vào thị trường làm đẹp thế giới bằng khả năng kiến tạo trào lưu và sự đổi mới không ngừng nghỉ.
Cánh tay châu Á vươn ra thị trường thế giới
Không chỉ cái là nôi sản sinh xu hướng, phương Tây từ lâu đã là “vùng đất thánh” của ngành công nghiệp mỹ phẩm với hàng loạt những tập đoàn nổi tiếng toàn cầu. Trong danh sách 8 tập đoàn mỹ phẩm kiểm soát thị trường làm đẹp thế giới, có đến 7 cái tên xuất phát từ phía Tây địa cầu: Estée Lauder, L’Oréal, Unilever, P&G, LVHM, Coty và Johnson & Johnson. Cái tên còn lại là Shiseido – tập đoàn mỹ phẩm 147 năm tuổi ra đời ở Nhật Bản.
Với hơn 30 thương hiệu trực thuộc, Shiseido không chỉ là tập đoàn mỹ phẩm lớn nhất xứ Phù Tang mà còn lớn thứ 4 thế giới. Cùng với AmorePacific, Kao Corporation, tập đoàn này đang vẽ nên mảng màu châu Á trong bức tranh toàn cảnh thế giới bằng khối lợi nhuận khổng lồ hàng năm, khả năng chiếm lĩnh thị trường và tạo ra xu hướng.
Trong nửa đầu năm 2019, 80% doanh thu mặt hàng dưỡng da thế giới thuộc về các thương hiệu châu Á. Không dừng lại ở đó, vượt ra khỏi biên giới Á Đông, những thương hiệu Nhật, Hàn, Trung… đã dần có mặt ở khắp các trung tâm thương mại lớn như Fenwick, Harvey Nichols, Harrods (Anh), Nordstrom (Mỹ).
Từ một khởi điểm khiêm tốn, AmorePacific đã trở thành nhà sản xuất mỹ phẩm lớn nhất Hàn Quốc, sở hữu hơn 20 thương hiệu bao gồm Sulwhasoo, Laneige, Etude House, Mamonde, Innisfree… Tập đoàn này hiện diện khắp châu Á, Bắc Mỹ và châu Âu, trong cả những trung tâm mua sắm xa xỉ hàng đầu như Bergdorf Goodman, Bloomingdale và Neiman Marcus (Mỹ). Riêng thương hiệu Laneige đã có hơn 750 cửa hàng phân bố khắp các chuỗi bán lẻ Target.
Câu chuyện của Shiseido lại xuất phát từ một hiệu thuốc tây do ông chủ người Nhật mở ra ở quận Ginza vào năm 1872. Đến năm 1957, Shiseido bắt đầu vươn ra thị trường quốc tế bằng hoạt động sản xuất và bán hàng ở Đài Loan. Quy mô kinh doanh của thương hiệu này bắt đầu mở rộng vào những năm 1960 với các cửa hàng tại Hawaii và Italy. Một thập kỷ sau, Shiseido có mặt tại Singapore, New Zealand, Thái Lan. Đầu những năm 1980, chi nhánh của Shiseido mở rộng đến Úc, Pháp và Anh. Sau hơn 140 năm, thương hiệu này vẫn tiếp tục đan cài triết lý phương Đông và tính đổi mới của phương Tây trong từng sản phẩm, tạo nên một đế chế làm đẹp vang danh toàn cầu.
Cái nôi của xu hướng
Châu Á là nơi khai sinh từ chu trình dưỡng da 10 bước đến làn sóng dưỡng da tối giản skip-care, thói quen tẩy trang bằng dầu, chuẩn mực làn da thủy tinh, xu hướng tô son lòng môi… và song song với đó là sự ra đời của các sản phẩm pre-serum, mặt nạ ngủ, dầu tẩy trang, kem dưỡng và toner 2 trong 1… đáp ứng mọi nhu cầu từ đơn giản nhất đến cầu kỳ nhất của phụ nữ.
Đình đám nhất phải kể đến sự ra đời của mặt nạ ngủ Laneige Sleeping Mask vào năm 2002 – dòng sản phẩm đầu tiên mang ý tưởng bọc lại làn da trong khi ngủ, khóa lớp kem dưỡng và ngăn sự thoát nước từ biểu bì da ra môi trường. Khi cả thế giới còn chưa hết ngỡ ngàng, Laneige tiếp tục phát triển dòng mặt nạ ngủ dành riêng cho môi. Lip Sleeping Mask của thương hiệu giàu tính sáng tạo này được mệnh danh là một trong những sản phẩm dưỡng môi “bất bại” nhất của làng mỹ phẩm.
Sau khi AmorePacific tung ra hộp phấn nước đầu tiên mang tên Air Cushion vào năm 2008, hầu hết các nhãn hàng mỹ phẩm xứ Hàn như Laneige, IOPE, The Face Shop… đến những tên tuổi lớn của ngành mỹ phẩm thế giới như Lancôme, YSL, Estée Lauder… đều phải hòa mình vào làn sóng này. Với ưu điểm kích thước nhỏ gọn, thiết kế tiện dụng, cushion sau đó còn được nâng cấp thành tension và mở rộng sang các phiên bản kem lót, má hồng, phấn nước kẻ lông mày, kem chống nắng… thay vì gói gọn ở bước nền.
Liên tục giữ vị trí kem dưỡng ẩm best-seller của Sephora Mỹ, The True Cream Aqua Bomb đến từ thương hiệu Belif là cái tên không thể bỏ qua khi nhắc đến những sản phẩm châu Á khuynh đảo thị trường mỹ phẩm thế giới. “Quả bom nước” đã đánh bật hàng loạt sản phẩm cấp ẩm khác bằng việc khai thác thế mạnh của các nguyên liệu thiên nhiên. Cùng đi theo concept mỹ phẩm bước ra từ phòng thí nghiệm, Belif là đối thủ ngang ngửa được đặt lên bàn cân với thương hiệu Kiehl’s đình đám từ nước Mỹ.
Ngay cả một tân binh của mỹ phẩm Hàn như Glow Recipe cũng mang sức công phá mạnh mẽ. Ngay khi ra mắt lần đầu vào năm 2017, hũ mặt nạ ngủ màu hồng thơm lừng mùi dưa hấu đã tạo nên một cơn sốt trên Sephora với danh sách chờ mua lên tới 20.000 người. Watermelon Glow Sleeping Mask của Glow Recipe nhanh chóng lọt top những loại mặt nạ được đánh giá cao nhất trên hệ thống mỹ phẩm bành trướng thị trường US/UK với thành tích 4/5 sao, hơn 1.000 đánh giá và 170.000 lượt thích.
Thay đổi chuẩn mực về cái đẹp
Thực tế cho thấy, làn da sương khói mỏng manh của phụ nữ Nhật, Hàn đã tác động không nhỏ đến chuẩn mực cái đẹp thế giới. Không còn phụ thuộc 100% vào những lớp kem nền hay kem che khuyết điểm thật dày để tạo làn da lì đanh, những cô gái Âu Mỹ giờ đây đã dành sự quan tâm cho các sản phẩm trang điểm nhẹ nhàng, tôn vinh vẻ bóng bẩy tự thân của làn da thật. Sự ra đời của Chanel Les Beiges Water-Fresh Tint – kem nền dạng gel tồn tại như không tồn tại, hay phấn nước trang điểm NARS Natural Radiant Longwear Cushion Foundation SPF50/PA+++ với công thức lỏng và độ che phủ tự nhiên là minh chứng rõ ràng cho sự thay đổi tâm lý này. Kể cả trên sàn diễn các tuần lễ thời trang danh giá, những lớp nền che phủ gượng gạo cũng đang dần biến mất.
Ngược lại với thói quen trang điểm cầu kỳ, phụ nữ phương Tây trước đây dưỡng da ít bước hơn so với phái đẹp Á Đông. Toner, serum, kem dưỡng ẩm, kem dưỡng mắt, kem chống nắng là các bước cơ bản của họ, cùng lắm thì thêm một bước tẩy tế bào chết hóa học bằng AHA/BHA. Thậm chí, phụ nữ Pháp còn… lười đến độ dùng duy nhất nước tẩy trang micellar cho bước làm sạch (trong khi phụ nữ Nhật sẽ massage da thật kĩ với dầu hoa trà trước khi rửa mặt). Còn giờ đây, chu trình dưỡng da của phái đẹp phương Tây đã có thêm mặt nạ ngủ, tinh chất kích hoạt và cả những chiếc máy đẩy dưỡng chất bằng công nghệ ion hay thanh lăn massage nâng cơ ra đời từ nước Nhật… Ở Mỹ, lợi nhuận từ các mặt hàng chăm sóc da trong năm 2018 so với năm 2017 đã tăng 15%.
Tối ưu hóa công nghệ sản xuất
Riêng trong năm 2018, AmorePacific đã đăng ký hơn 200 bằng sáng chế cho các công thức làm đẹp và chăm sóc da. Tập đoàn này cũng đã dành gần 40 năm để nghiên cứu các đặc tính của chất EGCG trong trà xanh, 60 năm cho việc chiết xuất và sử dụng hợp chất ginsenoside K trong nhân sâm. Gần đây nhất, công nghệ nước khoáng xanh chính thức được AmorePacific đưa vào dòng sản phẩm Water Bank đình đám của Laneige. Rau củ ủ dưới nước biển sâu ở nhiệt độ 15°C trong 5 giờ, cho ra nguồn khoáng nguyên chất nhất, nhờ đó mà dòng sản phẩm cấp nước nổi tiếng này giờ đây còn có thêm chức năng chống oxy hóa và thanh lọc làn da.
Trong cuộc chạy đua thiết kế, đứng trước phong cách rực rỡ có phần phô trương của các thương hiệu mỹ phẩm phương Tây (thể hiện rõ nhất qua các bộ sưu tập đặc biệt tung ra mỗi dịp Giáng sinh hay lễ Tạ ơn), các nhãn hàng châu Á có xu hướng tận dụng nét đẹp văn hóa Á Đông mềm mại, sâu lắng và ý nhị làm thế mạnh cho mình.
Đa số các bộ sưu tập của Sulwhasoo đều chọn họa tiết thiên nhiên với nét vẽ mềm mỏng của các họa sĩ bản địa để thể hiện tinh thần nghệ thuật đương đại lãng mạn, nhẹ nhàng mà người Hàn Quốc tôn sùng. Hình ảnh đôi phượng hoàng trong bộ sưu tập Phượng Hoàng mới tung ra gần đây hay trái hồ đào trong bộ sưu tập Peach Blossom Spring Utopia Collection năm 2018 của thương hiệu này đều lấy cảm hứng từ những bức tranh dân gian Hàn Quốc.
Nét văn hóa độc đáo của người Nhật lại có thể thấy rõ qua cách mà Clé de Peau Beauté hay Shu Uemura thể hiện. Trong bộ sưu tập La Beauté Céleste Makeup Coffret lấy cảm hứng từ vẻ đẹp huyền bí của vũ trụ được tung ra năm 2014 hay Collection Bal Masque với họa tiết mặt nạ bí ẩn được giới thiệu vào năm 2015, thay vì sử dụng gam màu tươi sáng để hòa lẫn vào các sáng tạo mùa lễ hội trưng đầy trung tâm thương mại, Clé de Peau Beauté ưu tiên những tông màu trầm tối mang nét huyền hoặc, bí ẩn và cao sang. Với Shu Uemura – thương hiệu mang triết lý nghệ thuật phá vỡ mọi giới hạn, dù luôn thể hiện sự phóng khoáng đến vô tận trong bảng màu hay những bộ sưu tập xuất chúng kết hợp cùng các nhà thiết kế nổi đình nổi đám như Karl Lagerfeld và Olympia Le-Tan, thương hiệu này vẫn nuôi dưỡng lòng tự tôn đầy kiêu hãnh với văn hóa dân tộc mình thông qua những thỏi son lacquer ướt át như màu mực, những cây bút kẻ mắt mang thiết kế của bút lông thư pháp hay dầu tẩy trang xuất phát từ kĩ nghệ làm đẹp của các geisha.
Ở sân chơi mang quy mô toàn cầu, nơi mọi nguyên tắc đã được thiết lập từ lâu bởi những gã khổng lồ phương Tây, nơi khó khăn không chỉ nằm ở rào cản về mặt địa lý, văn hóa mà còn là việc thay đổi thói quen và suy nghĩ của người tiêu dùng, vị thế và tầm ảnh hưởng mà các thương hiệu làm đẹp châu Á xây dựng được ở thời điểm hiện tại quả thực rất đáng trân trọng. Với óc sáng tạo không biên giới của người Hàn, sự tinh tế tỉ mẩn của người Nhật và cả tiềm năng của một thị trường mỹ phẩm trẻ trung, phong phú như Đài Loan, ngành mỹ phẩm châu Á chắc chắn sẽ còn có những bước tiến xa trong tương lai gần.