Chính quyền bang California (Mỹ) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 giả mạo đang được in ấn và giao bán trái phép trên mạng Internet.
Ngày 19/5, chính quyền bang California (Mỹ) đã đưa ra cảnh báo về tình trạng giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 giả mạo đang được in ấn và rao bán trái phép trên mạng Internet.
Tổng chưởng lý California Rob Bonta cho rằng việc mua giấy chứng nhận tiêm chủng giả là hành vi bất hợp pháp và có thể làm ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, cũng như sự an toàn của chính người thực hiện hành vi này.
Ông Bonta kêu gọi mọi người cung cấp thông tin liên quan giấy chứng nhận tiêm chủng giả, đồng thời đề nghị người dân không nên đăng hình ảnh giấy chứng nhận tiêm chủng của bản thân lên mạng xã hội vì các thông tin cá nhân của họ có có thể bị đánh cắp để thực hiện hành vi gian lận.
Người dân tại California đều được tiêm vaccine ngừa COVID-19 miễn phí và nhận được giấy chứng nhận tiêm chủng trong lần tiêm đầu tiên.
Tuy nhiên, theo truyền thông Mỹ, những người phản đối việc tiêm chủng đã đăng các bài viết trên các trang web và diễn đàn để hướng dẫn cách làm giấy chứng nhận giả.
Trong thời gian tới, các giấy chứng nhận tiêm chủng sẽ là yêu cầu bắt buộc đối với đa số công dân muốn tham gia một số sự kiện cộng đồng ở California, như tham dự buổi hòa nhạc truyền thống mùa Hè tại nhà hát ngoài trời Hollywood Bowl nổi tiếng ở Los Angeles.
Loại chứng nhận này cũng có thể sớm cho phép người Mỹ đến Liên minh châu Âu (EU), trong bối cảnh khối này cùng ngày cho biết đang triển khai việc cấp chứng nhận tiêm chủng có chứa mã QR và sẽ mở cửa biên giới đối với những khách du lịch đã được tiêm phòng.
Liên quan đến vấn đề hộ chiếu vaccine, theo các cuộc thăm dò dư luận tại Canada gần đây, đa số người dân nước này mong muốn nhận được hộ chiếu vaccine để có thể sớm đi du lịch trở lại.
Theo cuộc thăm dò của Tổ chức nghiên cứu EKOS (Canada) được thực hiện trong tháng 4 và tháng 5, khoảng 75% người dân Canada ủng hộ yêu cầu có một loại giấy chứng nhận tiêm chủng khi đi du lịch.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 40% người được hỏi sẵn sàng cung cấp giấy chứng nhận để được đặt chỗ trong nhà hàng. Theo Chủ tịch của EKOS Frank Graves, đa số người dân tin rằng việc triển khai hộ chiếu vaccine là một ý tưởng tốt để giữ an toàn cho mọi người khi muốn đi du lịch hoặc tham gia sự kiện công cộng.
Thủ tướng Justin Trudeau nhấn mạnh chứng nhận tiêm chủng phù hợp với tiêu chuẩn của các quốc gia khác là việc nên làm.
Trong khi đó, giới chức Chính phủ Canada cho biết các cuộc đàm phán với các đối tác quốc tế về tiêu chuẩn liên quan đến hộ chiếu vaccine đang diễn ra, đặc biệt là trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7).
Tuy nhiên, một số Ủy viên hội đồng tại Canada ngày 19/5 lưu ý rằng hộ chiếu vaccine cần phải được cân nhắc một cách kỹ lưỡng trước khi triển khai vì chúng có thể xâm phạm quyền tự do của người dân, nhất là trong bối cảnh chính phủ không bắt buộc tiêm chủng.
Đến nay, đã có hơn 46% trong số gần 38 triệu người Canada đã nhận được mũi tiêm đầu tiên, nhưng chưa đến 4% trong số này được tiêm chủng đầy đủ, vì Canada đã nới rộng khoảng cách giữa các mũi tiêm nhằm giúp nhiều người được tiêm mũi đầu tiên hơn. Theo cuộc thăm dò của EKOS, hơn 85% người Canada sẵn sàng đi tiêm.
Trước đó, hôm 18/5, ông Trudeau cho biết Canada dự kiến nhận được khoảng 4,5 triệu liều vaccine trong tuần này và sẽ có thêm 9 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech trong tháng 7 tới.
Ông cũng khẳng định Canada sẽ có đủ vaccine để tiêm chủng đầy đủ cho tất cả những người muốn tiêm vào tháng 9.
Tại Australia, chính phủ đã mở cuộc đàm phán với các hãng hàng không quốc tế về hộ chiếu vaccine kỹ thuật số.
Lực lượng Biên phòng Australia (ABF) và Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) đại điện cho 290 hãng hàng không đang thảo luận về việc cho phép người Australia đã tiêm chủng sử dụng Giấy thông hành IATA.
Cuộc thảo luận trên được tổ chức một ngày sau khi Thủ tướng Scott Morrison đề cập ý tưởng về hộ chiếu vaccine kỹ thuật số. Ông cho rằng các chủ sở hữu loại giấy tờ này có thể được phép miễn áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại trong nội địa.
Đại diện của IATA châu Á-Thái Bình Dương phụ trách các sân bay, Vinoop Goel cho biết hộ chiếu kỹ thuật số này an toàn và đơn giản.
Ông nói: “Mục đích của chúng tôi là tìm cách đảm bảo rằng các biên giới được mở cửa.”
Theo ông, việc áp dụng cách ly 14 hoặc 21 ngày không phù hợp với các chuyến đi làm việc hoặc nghỉ dưỡng.