Mỹ Linh hát Quốc ca theo phong cách mới - chuyện không có gì mà ầm ĩ - Tạp chí Đẹp

Mỹ Linh hát Quốc ca theo phong cách mới – chuyện không có gì mà ầm ĩ

Review

Về màn trình diễn bản Quốc ca của diva Mỹ Linh tại buổi phát biểu của Tổng thống Mỹ – Barack Obama vào ngày 24/5, tại Hà Nội, trên mạng xã hội đã có nhiều ý kiến ủng hộ cũng như trái chiều, cho rằng, chị đã hát bài hát một cách thiếu hào hùng. Nhưng diva Mỹ Linh chia sẻ, chị “đã hát bằng cả trái tim mình để đóng lại quá khứ, nhìn về tương lai”. Bên cạnh đó, khi cất tiếng hát, chị đã rất nhớ bố của mình.

Ở góc độ chuyên môn, Đẹp đã ghi nhận một số ý kiến về màn trình diễn của Mỹ Linh:

Nhạc sỹ Huy Tuấn: 

Nhạc sĩ Huy Tuấn

“Tôi nghĩ là nghệ sỹ phải trung thực với cảm xúc và tư duy thẩm mỹ của mình. Mỹ Linh đã làm điều đó như một sự tôn trọng đối với người nghe. Hơn nữa, sự cảm nhận và cách xử lý của mỗi nghệ sĩ sẽ làm nên cá tính riêng. Chiều sâu cảm xúc mỗi người rất khác nhau, nên việc có người thích, người không thích cũng là bình thường.

Có người phải nghe thấy phần nhạc đệm mới cảm nhận được sự hoành tráng, có người chỉ cần một âm thanh đẹp đã cảm thấy sự hùng tráng, mênh mang. Với phần thanh nhạc của Mỹ Linh thì cá nhân tôi thấy rất cảm xúc vì nó vẫn là cá tính của một nghệ sĩ mà chúng ta biết.

Việc hát một mình không nhạc đệm tôi nghĩ không có nhiều ca sỹ có bản lĩnh để thực hiện điều đó trong thời khắc quan trọng như vậy. Tôi chưa chứng kiến điều đó tại Việt Nam, và có lẽ Mỹ Linh đã tạo ra phiên bản khác với cái chúng ta thường quen nghe nên đã tạo ra sự tranh luận nhiều như vậy. Mạo hiểm nhưng đổi lại mang tới cảm xúc là không thể che giấu. Về chuyên môn thì tôi thấy Mỹ Linh lấy tone thấp, do cô ấy bắt tone theo cách tự nhiên vì không có nhạc cụ để dựa dẫm”. 

Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh

Lựa chọn cách thể hiện bài “Tiến quân ca” theo phong cách thính phòng như Mỹ Linh cũng là cách hát mà nhiều nước, nhiều người đã lựa chọn để thể hiện Quốc ca, trong một buổi lễ mà ca sĩ phải hát mộc, không có âm nhạc hỗ trợ. Vì vậy, đối với cá nhân tôi, đây là một điều hết sức bình thường. Trong khi đó, người Việt mình đã từng sử dụng hoặc đã quá quen với một bản thu với dàn nhạc và hát theo cách hào hùng, nên có thể khi tiếp xúc với bản hát mộc này của Mỹ Linh sẽ cảm thấy khác biệt.

Vì thế, đánh giá nó hay hoặc dở không phải là chuyện quan trọng, tôi nghĩ, người được giao trách nhiệm sẽ phải tìm ra sự phù hợp. Bản thân tôi cũng không bàn luận chuyện hay, dở, mà ở phương diện người làm nghề, tôi cho rằng, việc lựa chọn cách thể hiện Quốc ca của Mỹ Linh là một ý tưởng mới, cho một buổi lễ.

Ca sĩ Khánh Linh:

Tôi thấy cách chị Linh chọn để thể hiện bài “Tiến quân ca” lần này, là một cách hát nhiều cảm xúc, truyền đạt được ước muốn hàn gắn và mong mỏi hoàn bình. Tôi ủng hộ tinh thần ấy. Bản thân bài Quốc ca đã đủ hào hùng từ giai điệu đến ca từ rồi, nên nếu người hát thể hiện lại ca khúc này theo cách sang sảng hào hùng nữa, thì có thể sẽ gây lên một tinh thần khác, của sự hiếu chiến. Giữa thời khắc này, tôi nghĩ nhấn mạnh vào điều đó là không cần thiết nữa. Bởi, Việt Nam anh dũng thế nào thì cả thế giới đã biết đến điều đó từ nhiều năm nay rồi.

Còn về mặt chuyên môn, tôi nghĩ, cách chị Linh chọn hát theo kiểu thính phòng thể hiện được sự trang trọng, nhưng có lẽ chưa hẳn hợp với chị. Tôi nghĩ, nếu chị Linh hát nhẹ bớt một chút, thì bài hát sẽ tự nhiên hơn. Tuy vậy, tôi cũng hiểu, nghệ sĩ là một con người chứ không phải cái máy, nên trong không khí được giao trọng trách đó, có thể chị Linh có một chút áp lực, và đã thể hiện bài hát chưa thực sự được như mong muốn của chị thì sao?

Vì vậy, mỗi người bình luận, nếu đặt mình vào vị trí của người được giao trọng trách, có lẽ sẽ hiểu hơn tâm lý của chị Linh lần này.

Trên thực tế, cách diva chọn thể hiện bài hát Quốc ca theo phong cách bán cổ điển trong hoàn cảnh không có nhạc cụ hỗ trợ là hoàn toàn hợp lý. Chưa kể, nhiều người còn cho rằng: “Dù lấy tone hơi thấp nhưng nốt thấp nhất của bài hát chị vẫn xuống rất đẹp” (Facebook Nguyễn Mạnh Hà).

Bài: Hải Khôi

Ảnh: Đẹp, Nhân vật cung cấp

logo 

Thực hiện: depweb

25/05/2016, 14:53