Muôn vẻ Tùng Dương

Khán phòng đầy ắp khán giả, một mình Tùng Dương hát Tình ca, đối lại 6 giọng ca vàng khác tại Cung văn hóa Hữu nghị cách đó chưa đầy 2km. Mừng cho Dương đã rất thành công, mừng hơn nữa khi thấy anh lên báo công bố làm thêm đêm diễn nữa, rồi tháng sau sẽ cùng ekip  Nam tiến.

 

Thời điểm này, giới làm show than trời. Doanh nghiệp còn chẳng có tiền làm tiếp thị nói gì đến người dân bỏ tiền xem giải trí. Song có lẽ phong cách biến ảo dựa trên nền tảng của một kỹ thuật thanh nhạc xuất sắc đã đem lại thành công cho anh, trước hết về mặt doanh thu. Chất âm – dương, pha trộn và giãi bày theo chủ ý chứ không mang tính bản năng tận âm hay tận dương như đàn anh đi trước. Dương khác họ, hoàn toàn có thể nhập tâm vào nhiều bài hát, nhiều thể loại, và kéo tác phẩm âm nhạc về phía mình. Nếu như đàn anh khẳng định một diện mạo cho tác phẩm thì ngược lại, Dương có biệt tài hô biến diện mạo của một tác phẩm thành khối lập phương đa màu. Vẫn là một kiểu nghệ sĩ cực đoan, nhưng cái cực đoan của Dương mang tính lĩnh hội và mềm dẻo.

Tùng Dương là mẫu hình cuồng tín âm nhạc. Nghe nhiều và nghe tỉnh. Dương có tư duy hướng ngoại và cởi mở. Dương cũng từng xài nhiều chiêu. Đã từng ăn mặc lập dị, từ kiểu thổ cẩm Mông, vòng bạc Dao đếm Comme Des Garcons do LuaLa tài trợ, hay đồ Công Trí hoặc Đỗ Mạnh Cường. Dương cũng nỗ lực cả hai chân một cách tuyệt đối. Vừa dấn thân vào âm nhạc đương đại, vừa xoay chuyển hình ảnh một cách cấp tiến chẳng giống ai. Trời cho anh giọng hát, lại cho anh cả sự khôn ngoan ẩn mình hoặc hiện hình lúc cần.

Nhìn Dương hát tình ca mà xem. Nói trắng là nhạc sến cũng được. Bản sến nhất là “Thành phố buồn” của Lam Phương anh cũng thuộc và sẵn sàng hát chay nếu khán giả yêu cầu. Nhưng Dương sẽ hát khác, hát jazz nhấn nhá ra trò. “Thành phố buồn” sẽ là của Dương chứ không còn là của Chế Linh!

 

Đợt này Dương làm show “Tùng Dương hát tình ca”. Nhạc mùi thì không đến mức, vẫn Trịnh Công Sơn, Lam Phương, Ngô Thụy Miên, Trường Sa, nhưng được hát theo lối rất nồng nàn tinh tế. Không xử lý bài theo kiểu luyến láy cuối câu rền rĩ nữa, mà nhấn vào ca từ (yếu tố đặc biệt của dòng âm nhạc này chính là ca từ). Đòn của Dương trong xử lý bài đặc biệt giống Thanh Lam, ở chỗ luôn biết cách (và phải tìm cho ra) những nốt nhạc, những câu hát để nhấn. Còn lại hoàn toàn dùng nội lực để đẩy bài hát lên kịch tính ở những đoạn cao trào. Bằng cách hát to, vang và ngân dài. Trước đây, nhạc trước 75 của Sài Gòn ăn theo mô típ nhạc thính phòng, ballroom, ngân nga và mùi mẫn, thậm chí nức nở. Tình ca của Dương giờ là kịch, là tận đáy thủ thỉ rồi bất chợt bung trào.

 

Hát tình ca trong suốt hai tiếng rưỡi đồng hồ, Dương, ban nhạc và khách mời gần như chơi liên tục. Rất ít đèn màu rọi ra nửa ngoài sân khấu Nhà hát Lớn. Chỉ thấy hai đèn trắng rọi mặt từ phía trước và sau để bắt bóng, làm sáng mặt ca sĩ khi cần thiết. Khá khác với các show ca nhạc nhấp nháy thông thường. Thêm vào đó là phong cách hội họa tối giản của Lê Thiết Cương. Chả biết Dương phục Lê Thiết Cương hay Lê Thiết Cương khoái nhạc Tùng Dương mà họ thành cộng tác. Chỉ phục nhất Dương, tài quá trong chiêu dụng người. Ngôn ngữ tối giản của Lê Thiết Cương phủ màu từ băng rôn, vé mời cho đến sân khấu trình diễn. Cây bước ra từ tranh mọc trên sân khấu. Ánh sáng đơn màu sử dụng hiệu quả ở phía cuối sân khấu để định dạng một bức vẽ 3D hoàn hảo của màu sắc, ánh sáng và bố cục. Lê Thiết Cương mang đến một cây hội họa hiện hữu không màu, gia giảm chút ánh sáng theo ý đồ chứ chẳng cần phải ngắm trời trăng gì cả. Tùng Dương thì vừa diễn vừa hát thuyết minh. Một bức tranh hội họa nhiều chiều làm mê hoặc khán giả.

“Tùng Dương hát tình ca” thật ra chẳng có gì đặc biệt về mặt âm nhạc. Toàn thứ dưới tài của người hát người đàn, nhưng ngọt và đẹp. Đẹp như hội họa mà lại đa chiều và đa ý niệm. Ngọt bởi nó khơi gợi sự lan tỏa tâm hồn người nghe. Nên cần nói lại rằng sao Dương khôn ngoan thế. Bay bổng chán chê, rồi quay lại vỗ về an ủi người nghe. Và thì thầm vào tai “Yêu tôi mãi mãi nhé”.

 

 “Ý tưởng sân khấu với hình thức tối giản, Họa sĩ Lê Thiết Cương dùng hàng nghìn bóng đèn dầu cũ có chất liệu thủy tinh trong suốt. Bên trong những bóng đèn ấy, họa sĩ dùng ánh sáng để thay đổi màu sawcsc ả khối cây. Phông sân khấu là khối vải trắng organza mỏng và trong suốt. Họa sĩ thiết kế sân khấu và đạo diễn ánh sáng đã phải rất hiểu nhau, cùng làm việc trên ý tưởng đã thống nhất với Tùng Dương. Vì sân khấu Nhà hát Lớn là dạng sân khấu đóng, nên những người thực hiện chương trình đều thống nhất không thể mang thiết kế sân khấu và ánh sáng mở áp dụng vào chương trình này. Ánh sáng có sự tiết chế nhưng không kém phần hiện đại. Ekip làm việc mong muốn khán giả thưởng thức âm nhạc và tiếng hát của ca sĩ được trọn vẹn. Cách tạo khối cũng có sự khác biệt. Phải nói sân khấu “Tình ca” lần này của Tùng Dương đã tạo nên dấu ấn đặc biệt, dùng sự phá cách và tư duy trừu tượng để thể hiện đam mê nghệ thuật. Tiếng hát của anh lại phiêu diêu cùng các nghệ sĩ tài năng” – Họa sĩ thiết kế ánh sáng Xuân Trường.

Theo F


From the same category