Muốn quên thường là những nỗi đau - Tạp chí Đẹp

Muốn quên thường là những nỗi đau

Sống

Những năm tháng trong chốn lao tù có lẽ là thời gian mà diễn viên Dương Đức Hiệp (Hiệp gà) khó có thể quên được nhất. Và có lẽ, nó sẽ là những ký ức nhắc nhở Hiệp, nếu như anh có yếu lòng trước những cám dỗ. Kể thêm lần nữa về quá khứ của mình, để rồi mong như một trận mưa, gội sạch được những gì nặng nề, để quên và để qua. Nhưng, nên tin, hãy tin, vì niềm tin, sẽ làm cho con người vui sống hơn.

May mắn bị tóm

Trông anh có vẻ gầy đi?

Vâng. Tôi sút 5 cân, từ khi ra trại.

Vì sao vậy?

Nhiều việc quá. Đợt này lặn lội ở Hưng Yên, làm giấy tờ thủ tục xin cấp phép biểu diễn. Tôi đang làm chương trình riêng – mở màn tại quê hương, với sự tham gia các anh chị em bạn đồng nghiệp như Công Lý, Trà Mi, Thảo Vân… Chương trình rất tốt nhưng thời tiết chưa ủng hộ. Không sao, có thành công nào không trải qua đau thương và mất mát.

Vậy là sau khi Nhà hát Tuổi trẻ không còn nhận anh làm việc nữa, thì việc mở công ty tổ chức các chương trình là việc đương nhiên?

Không hẳn. Nếu tôi chỉ chấp nhận đi diễn bình thường một cách an phận thì cũng có khó gì đâu. Nhưng anh em trong nhà cũng trông đợi, hơn nữa tôi không chỉ thích diễn xuất, mà khổ quá, lại muốn được làm nhiều việc. Không thích an phận. Thực lòng tôi nghĩ, tôi là một kẻ may mắn.

May mắn? Thật sao?

Đúng. Tôi con nhà nghèo, ở quê, có bao giờ nghĩ có ngày mình sẽ là một người… “nổi tiếng” đâu. Lẳng lặng đi thi trường Sân khấu Điện ảnh, trúng rồi cố học, được gặp ông thầy giỏi, may mắn tốt nghiệp xong, ở phía Bắc có “Đời cười”, lại được Nhà hát Tuổi trẻ nhận vào, tiếp xúc với anh chị nghệ sĩ, rồi lại “Gặp nhau cuối tuần”, rồi cái tên Hiệp gà được đặt vào lúc dịch… cúm gà. Dính đến ma túy… rồi may mắn bị… tóm.

Cái may mắn “bị… tóm” của anh đã diễn ra thế nào?

Người ta nói trong cái rủi, có cái may. Nhưng với tôi, có là rủi, là họa gì đâu. Đó là do tôi gây ra, tự tôi phải gánh lấy. Tôi nghĩ kỹ rồi. Sao lại nói đây là cái họa. Không, chẳng phải. Tôi đã cố, đã gắng, bao nhiêu lần rồi, tôi không bỏ được nó. Bác sỹ đến tận nhà giúp đỡ, nhưng cũng chẳng kéo dài vì tôi đâu có vượt qua được. Những va chạm xã hội, làm cho quãng đời lúc đó mong manh lắm.

Tìm quên trong ảo giác

Anh đã vấp vào “nó” thế nào? Liệu có đủ dũng cảm để kể lại không?

Tôi đã nói về cái quên rồi mà. Tôi sẽ kể lại. Trước kia, tôi đã từng đánh một người bạn, vì anh ta nghiện và dám rủ tôi hút hít. Chẳng thể ngờ được. Sau này, trong một lần đi đá bóng bị đau chân, có người rủ tôi rằng, cho cái này này, hết ngay. Và chỉ vì một lần thử – (Xin mọi người, cái câu đối với ma túy, đừng thử dù chỉ một lần.

Nó hoàn toàn đúng) – tôi trở về nhà, nôn thốc nôn tháo, ba ngày giời không ăn không uống được gì, nhưng lạ thật, cái chỗ đau ấy, nó hết sạch, còn người thì cứ nôn nao. Tôi bảo, “Ôi, nghiện làm sao được, cái ấy nó có cái gì thú vị đâu mà nghiện được”. Cứ như thế, một năm, tôi cũng thử vài lần, chẳng bao giờ nghĩ rằng, mình là một kẻ nghiện.

Và dần dần cho đến một hôm tự nhiên tôi bị đau bụng khi đang đi biểu diễn ở xa. Hỏi người bạn, người ta bảo là cứ về đây, sẽ hết. Quả thật, hút vào, lại hết. Cái ma túy này, nó cho một năm có thể sống trong khoái lạc, nhưng đến năm thứ hai, thì buộc phải trở thành nô lệ của nó. Lúc đó, đã là thân nghiện chỉ biết tìm quên trong ảo giác.

Anh đã dính vào nó đến mức độ nào? Đến độ chị Vân Dung phải… “phi” vào người anh, khi anh ngủ gật trên sàn tập?

Mức độ, nó vô cùng lắm. Trong thời điểm tôi dính đến ma túy, là lúc tôi kiếm được nhiều tiền lắm. Có lẽ, chưa đến nỗi bệ rạc quá đâu. Với anh em, gia đình, tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ, cho dù là… chưa tốt. Bởi lẽ, nhẽ ra tôi có thể làm được nhiều hơn thế, nếu như chưa dính vào nó. Nhưng tôi nghĩ rằng, tôi vẫn giữ được tư cách sống. Anh em đồng nghiệp chính vì thế mà vẫn cứ bán tín bán nghi thôi.

Nhưng có thông tin rằng hồi đấy, anh đã nghiện rất nặng, và chích nát cả cánh tay?

Thực ra, hút và chích, chỉ là những quá trình hủy hoại của nó. Hút, khó cai hơn chích. Bởi chích, là lúc cấp độ tăng lên nhanh và nhiều. Với ma túy, không lúc nào là đủ cả, có nhiều dùng nhiều, ít, không thể chịu nổi. Bạn biết không, nó đã điều khiển lý trí, lúc thiếu thuốc, mọi việc còn nghĩa lý gì đâu ngoài chuyện điên cuồng lên vì thiếu nó. Một người đã vướng vào đường nghiện rồi, thì cấp độ ngày càng nặng hơn là điều tất yếu.

Đã thất bại

Những lần cai của anh đã trải qua như thế nào?

Khá nhiều lần, khi tôi cảm thấy không thể lệ thuộc vào nó như thế, tôi ao ước được thoát khỏi nó, để tôi không bị là một thằng nghiện. Nhiều lần, bác sỹ đến tận nhà, giúp tôi cai. Thuốc thang đầy đủ. Tôi đã ngồi lỳ trong nhà, đã đếm giờ từng ngày. 24 giờ… Và trước lúc bị bắt, cũng là lúc tôi đang trong giai đoạn cai. Gần hai tháng cai tôi không chợp được mắt. Cứ chong chong không tài nào ngủ được.

Đau ngoài da thịt, thì có thể xoa, thể gãi, nhưng cái đau ấy, nó ẩn bên trong, không thể móc nó ra, cái đau này, tôi gọi là cái đau dã man. Vì lúc đó, nghĩ rằng, chỉ một tí thuốc thôi, là tôi có thể tan cơn đau rã rệu này, có thể ngủ thật ngon. Nhưng như thế, lại dính vào nó lại là nô lệ của nó.

Cứ thế đấu tranh chật vật. Sau này, vào trại, tôi mới biết, chẳng có gì, chẳng cần gì, chẳng cần thuốc. Cai tay bo, nếu lên cơn, chỉ cần một chậu nước, dấp mặt vào đấy, một lát là hết cơn. Cứ thế khoảng 6 tháng, là có thể tạm dứt cơn nghiện. Hết đau về thể xác, còn tinh thần, phụ thuộc vào lý trí, nghị lực bản thân.

Anh còn nhớ tình trạng của mình khi bị bắt không?

Chẳng bao giờ quên. Đó là lúc tôi để quên chiếc chìa khóa ôtô ở bên trong, đây là chiếc ôtô tôi thuê tự lái, để diễn ở tỉnh xa. Tôi đang tìm cách móc cửa ôtô để lấy chìa khóa thì bị các ông dân phòng đi qua nhìn thấy. Lúc đó, tôi đang trong thời gian cai nên người ngợm mặt mũi trông sợ lắm.

Tôi lại mặc áo phông, quần soóc, vì ở trong nhà ra mà, hơn nữa, chắc lúc đó, tôi vẫn đang trong tình trạng lơ mơ… nên móc cái chìa khóa xe mãi không xong. Các ông dân phòng đâm ra nghi ngờ, bảo nhất định đây không phải là xe của mày rồi, nên mới đòi kiểm tra người. Lúc đó, tôi nghe đến chữ kiểm tra người, thì cũng phát hoảng, liền móc gói thuốc trong người ra vứt đi.

Anh nói thời gian đó là anh đang trong giai đoạn cai, vậy làm sao có thuốc trong người?

Tôi chẳng bao giờ biết mua thuốc tại đâu. Vì có một người chuyên cung cấp thuốc cho tôi, nhưng họ cũng đã bị bắt rồi. Cứ mỗi sáng, khoảng 4 giờ, ông ta đến đưa thuốc tận nhà cho tôi. Lúc tôi cai, tôi van xin ông ta hãy xóa bỏ số điện thoại đi, đừng để cho tôi liên lạc được nữa.

Ông ấy có xóa số điện thoại không?

Có. Những lần tôi lên cơn vật, có gọi theo số điện thoại cũ, thì cũng thấy không liên lạc được. Nhưng ác thay. Ông ấy thay số điện thoại, nhưng lại lởn vởn trước mặt tôi, để cho tôi nhìn thấy. Vậy là cơn vật nó lại lên. Cái lúc tôi nửa đêm chạy ra lấy chìa khóa xe ôtô, thì lại nhìn thấy ông ta lù lù trước mặt.

Ông hỏi: “A, thằng Hiệp, dạo này mày thế nào?”. Tôi bảo: “Đang cai rồi, khá lên rồi”. Ông bảo: “Khá gì, trông mày xanh rớt thế kia. Thôi cầm lấy, bao giờ mệt thì làm một tí”. Ông đưa cho tôi gói thuốc, và trời ơi, làm sao tôi kìm chế được, tôi cầm ngay gói thuốc cho tọt vào túi, còn ông ta thì biến mất như khi ông ta bất thình lình xuất hiện.

Chính vì thế, khi đội dân phòng kiểm tra, tôi lại có một gói thuốc trong người là như vậy. Vợ tôi còn bàng hoàng, không hiểu tại sao tôi lại có thể có thuốc trong người, vì tôi vẫn đang trong thời gian cai nghiện.

Tôi khổ một, vợ khổ mười

Vậy vợ anh đã biết anh nghiện từ khi nào? Cô ấy đã làm gì để can ngăn, hay giúp anh trong việc cai nghiện?

Từ sau khi tôi dính vào một năm. Cô ấy lúc nào cũng lo sợ, bảo anh ơi, cứ thế này thì mẹ con em sống làm sao, cũng nỗ lực trong việc cùng tôi cai. Nhưng tôi thường gạt đi. Sợ gì chứ. Thuốc thì người ta mang đến tận nhà, thậm chí cho thiếu nợ.

Sau này vào trại, tôi mới biết ông bán thuốc cho tôi, gấp mấy lần bên ngoài. Thảo nào, tôi nghĩ, ông cũng khó lòng bỏ cái mối hời là tôi đây. Thôi tôi cũng chẳng trách gì ông. Việc của tôi, tôi phải chịu. Cũng bởi tôi đã xem thường, nghị lực của tôi kém. Đã cai hàng chục lần, gần mấy tháng lại vấp vào.

Ngẫm nghĩ, cũng là một điều tốt, có lẽ, ở trong đó, anh buộc phải sống chậm hơn so với bên ngoài?

Đúng. 17 tháng trong trại (6 tháng trong Hỏa Lò). Ngày đầu tiên ở quận, tôi hoang mang lắm. Tôi không biết mình sẽ thế nào, đầu óc tôi điên loạn lo sợ. Tôi được nhốt riêng một phòng, thật cảm ơn các anh công an đã làm điều đó. Nhưng khi tôi vào ngày đầu tiên, chắc anh em phạm nhân cũng đã biết.

Sau đó, tôi xin sang cùng anh em, tôi không sợ mình bị “đánh”. Vì ai nỡ đánh Hiệp gà làm gì, chắc anh em cũng thương cả mà thôi. Sang bên đó, được anh em nói cho biết một số thứ, tôi mới hiểu, và bớt hoang mang hơn. Sau đó, những ngày trong Hỏa Lò, có nghiêm khắc hơn.

Đó là nguyên tắc trong trại giam, với những người lầm lỗi trong thời gian trước khi xét xử, tuyệt đối không được liên lạc với thế giới bên ngoài. Kỷ luật rất nghiêm. Một căn phòng 60 người, không tiếng động, và sinh hoạt theo quy củ. Trong quãng thời gian tạm gọi là “tĩnh lặng” ấy, mà ở ngoài xã hội tôi chưa bao giờ có. Trò giải trí, chỉ là ngồi nhìn bốn bức tường, và nghĩ. Nghĩ.

Anh thường nghĩ gì nhiều nhất?

Nhiều thứ lắm. Lộn xộn, nhưng thương vợ, thương con, bố mẹ và gia đình. Tôi gần như là trụ cột trong nhà. Bố tôi là thương binh, khi nghe con bị bắt, gần như suy sụp. Vợ tôi, trong quãng thời gian đó, thì không thể tả được. Cô ấy còn trẻ, chẳng nghề nghiệp gì, chồng thì đang ngồi sau song sắt. Đi đâu qua chốn đông người, họ lại xì xào, đấy, vợ của Hiệp gà, một thằng nghiện.

Tôi khổ một, vợ khổ mười. Cô ấy gửi con cho ông bà nội ở quê, rồi đi bê khay thuốc lá làm tiếp thị, kiếm tiền nuôi chồng nuôi con, nào tôi có để lại gì lắm của nả như mọi người nghĩ đâu. Thử nghĩ xem, nếu một người không có nghề nghiệp ở giữa cái thủ đô này…

Trong trại, có lúc nào anh nghĩ rằng chị ấy sẽ có thể… bỏ anh mà đi?

Tôi chỉ nghĩ bụng rằng: Tôi làm gì có quyền gì nữa, tôi cũng chẳng được phép nghĩ gì về cô ấy, không được oán trách nếu thật cô ấy bỏ tôi. Và nếu như cô ấy có đi làm điều gì để nuôi con thì tôi cũng không được trách và ngược lại, còn trân trọng điều đó. Vì một người như tôi, tự gây ra hậu quả, nếu không giải quyết được nó thì đây là cái nhục nhã nhất của một thằng đàn ông.

Đau lắm. Bạn có biết cảm giác của một người bất lực, ví dụ như biết con bị ngã xe cách đây hai cây số, mà không thể bước chân ra khỏi đó để đến với con, thì bạn sẽ có tâm trạng gì? Trong quãng thời gian ở trại, tôi đã hiểu thấu hai chữ Tự do. Trước kia, nếu nhắc đến chữ Tự do, tôi thấy to tát và buồn cười, nhưng giờ đây, nó là sự khao khát, thèm muốn, nó hiện hữu trong tôi. Tôi chẳng cần ai tiếp tế hay cho quà cáp gì. Tôi chỉ cần ai đó hỏi thăm tôi, một câu thôi, đã là niềm vui cả tuần rồi.

Có lẽ như người ta thường nói, một ngày tù bằng thiên thu tại ngoại, anh đã có một bài hát, như một lời tạ tội?

Vâng. Bài hát đó, tôi sáng tác trong thời gian ở trại. Tôi đã từng như một thằng điên, khi vợ hẹn chủ nhật lên, rồi mãi không thấy. Một ngàn cái lý do quay cuồng trong đầu. Sao cô ấy chưa lên, cô ấy đi chưa, hay là làm sao? Tai nạn, hay thế nào? Cứ thế cứ thế. Đấy là tâm trạng tình cảm mong chờ của phạm nhân đấy.

Tôi viết những lời thế này, từ đáy lòng tôi nói về quãng thời gian lầm lỗi cho đến ngày bước chân vào trại giam. “Hà Nội mênh mông hỡi, giờ em ở đâu/ Hồ Gươm trong xanh hỡi, giờ có thấy bóng em ở đâu/ … mẹ cha thân yêu hỡi…”

Có khi nào anh đã khóc?

Tôi có rất nhiều lần buồn. Khóc gần một tuần. Đêm nào cũng úp mặt xuống gối mà khóc thầm. Khi xuống trại rồi, được thoải mái hơn, nên được liên lạc điện thoại, có một lần, sau khi nói chuyện với bố mẹ xong, tôi nói chuyện với con gái. Cháu khoe con biết hát bài này, con hát cho bố nghe nhé.

Cháu hát: “Ba sẽ là cánh chim, cho con bay thật xa/ Mẹ sẽ là nhành hoa, cho con gài trước ngực/ Ba mẹ là lá chắn, che chở suốt đời con…”. Tôi cứng đờ người. Tôi không trả lời được gì nữa. Không nói thêm được một lời nào. Con gái tôi ngây thơ thế, cứ hát cho bố nghe.

Còn bố, trong hoàn cảnh đó, nghe những ca từ mà trong lòng chua xót, không thể chịu đựng được. Ở trong trại, các phạm nhân hiểu nhau, hơn cả vợ chồng bởi 24/24 giờ thấy mặt nhau. Tôi khóc, họ cũng biết, cũng hiểu. Suốt cuộc đời, có lẽ, tôi không bao giờ quên được những phút giây này.

Được giảm án 210 ngày

Điều gì đã giúp anh lấy lại lòng tin vào chính mình, và tin vào cuộc sống mai sau?

Đó là một người giám thị, ông Bùi Ngọc Bình. Tôi gọi ông, xưng con. Ông đã đặt trọn niềm tin vào tôi, một người nghiện, ông bảo hãy giúp Ban gây dựng một đội văn nghệ cho trại. Cái từ “giúp” ấy, nó đã làm cho tôi cảm thấy như được sống lại. Trời ơi, quãng thời gian ấy đối với tôi nó nặng nề, mà khi nghe từ “giúp”, khi được tin tưởng giao nhiệm vụ gây dựng phong trào, đúng nghề nghiệp của tôi, là tôi đã biết Ban đặt lòng tin. Nên tôi quyết tâm thực hiện thành công.

Ngày, quả là trôi đi rất nhanh khi tôi tập văn nghệ cùng anh em. 11 tháng ở trại, tôi dựng được 11 vở. Quả là một kỳ tích đấy. Làm sao ở ngoài đời, tôi chắc cũng không thể dựng được đến một vở ra hồn. May mắn, sau đó, các tiết mục văn nghệ đi thi đều đoạt giải, quan trọng hơn, kể từ khi có đội văn nghệ, tình trạng phạm nhân mất trật tự đã giảm đi rõ rệt. Bởi ai vi phạm sẽ không được xem văn nghệ. Mà tinh thần là điều quan trọng, nên chẳng ai muốn vi phạm để bị phạt như vậy cả.

Mấy anh em nghệ sỹ cũng thương tôi lắm. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải, chị Trà My, anh Hán Văn Tình, và nhiều anh em khác cũng đã đến thăm, động viên tôi. Đặc biệt, tôi nhận được rất nhiều thư chia sẻ và khuyến khích của khán giả và những người cùng cảnh ngộ.

Tâm trạng khi sắp tự do của anh thế nào? Điều này, hẳn khó quên?

Vâng, bạn thử nghĩ xem, tôi được tự do trước án những 210 ngày. Thật đặc biệt, bởi những gì tôi tích cực, những gì tôi đã hoàn thành với đội văn nghệ thành công vượt ý muốn. 210 ngày tự do. Hạnh phúc đến rưng rưng. Nếu trước kia, trước khi tôi bị bắt, tôi đã bị hai tháng không ngủ, thì trước tự do, tôi cũng có một khoảng từng đó những đêm không thể ngủ.

Khi bước chân ra khỏi trại giam, tôi hiểu, đây là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Tôi đã chia sẻ với anh em phạm nhân rằng cửa cho anh em mình là rất hẹp so với những người cùng trang lứa. Khó – nhưng không phải là không thể. Cánh cửa hẹp, nhưng không phải đóng hoàn toàn. Bởi, bạn biết không, tâm trạng cho ngày trở về, vui buồn lẫn lộn. Lo lắng về sự hòa nhập, về công việc sẽ làm gì, cũng mông lung lắm.

Vậy sự hòa nhập với cộng đồng của anh sau khi ra trại thế nào? Đặc biệt trong lĩnh vực biểu diễn sân khấu?

Trước khi tôi được tự do, cũng có rất nhiều lời mời biểu diễn. Thực sự trong thời gian ở trại, lúc khốn khó, mới hiểu được lòng người. Tôi cũng chín chắn hơn nhiều. Tôi chưa bao giờ sống ác ý với ai, mà ngược lại, chỉ luôn sợ người khác thiệt. Kể cả khi tôi còn nghiện hút, tôi vẫn là người sống tốt, tôi có thể ngẩng cao đầu mà nói vậy. Ra trại rồi, tôi đã quay lại, thăm trại nhiều lần.

Tôi tự hào vì đội văn nghệ của trại vẫn được duy trì phát triển tốt. Điều mong muốn của tôi, đó là khi Công ty biểu diễn của Hiệp gà biểu diễn ở thành phố nào, tỉnh nào, nếu nơi đó có một trại giam nào, thì tôi mong muốn được biểu diễn ở trại đó, vì tôi đã trải qua những năm tháng như vậy, tôi hiểu anh em thích xem văn nghệ đến mức nào.

Muốn làm như vậy, tôi buộc phải vững chắc về mọi phương diện cái đã. Tôi cũng vô cùng cảm ơn đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã tạo điều kiện cho tôi diễn trong vở “Táo Quân” vừa rồi. Đó là sự trở lại của Hiệp gà, tôi thực sự xúc động và thầm cảm ơn anh em nghệ sỹ đã mở rộng lòng đón tôi.

Bây giờ, có bao giờ anh tìm cách … quên nó, và tất cả những gì liên quan đến nó?

Quên. Cái muốn quên, là cái rất khó. Muốn quên, nghĩa là bị ám ảnh nhiều. Muốn quên, thường là những điều rất đau đớn. Và buộc phải quên nó, là còn nhớ tới nó. Nhớ, để nhắc, đêè tránh những vấp váp tương tự, chứ không phải quên để lại lao vào nó, thì tôi sợ rằng nguy hiểm quá. Tôi đã trả giá quá đắt. Tôi không thể phụ lại những năm tháng đó.

Cảm ơn anh vì cuộc phỏng vấn thẳng thắn.

Bài: Codet – Ảnh: Đinh Hùng Sơn

Thực hiện: depweb

15/04/2009, 17:06