Muôn nỗi chăm trẻ bị Down

Cha mẹ của trẻ Down đã phải vượt qua biết bao khó khăn để con chạm từng nấc vào hành trình khôn lớn.

Thật khó để kìm lòng trước hoàn cảnh của các bà mẹ có con mắc hội chứng Down. Người vò võ thức trắng mỗi đêm, người bỏ việc, bán đất, bán nhà, chạy chữa từ Việt Nam đến tận Singapore chỉ mong con mình nhận được một phép màu.

Hiểu biết sớm, can thiệp sớm

Bé Yên Đan, con gái chị Lê Thụy Dương (Q. Bình Thạnh, TP.HCM) không được may mắn như những đứa trẻ khác. Từ khi lọt lòng mẹ, bé đã có nhiều biểu hiện bất thường: hay khóc đêm kèm động kinh, không có khả năng giữ thăng bằng, nhận thức kém… Chị Dương đưa con chạy chữa khắp các bệnh viện có tiếng của TP.HCM nhưng không tìm ra nguyên nhân. Không nản lòng, ai chỉ ở đâu có thầy hay bác sĩ giỏi, chị đều tìm đến. “Có người bảo ở Hà Nội có bác sĩ châm cứu rất hay. Thế là vợ chồng gom tiền đưa con ra Bắc điều trị. Thương con đã bệnh mà còn phải chịu cảnh nhà trọ tạm bợ, ẩm thấp, suốt 2 năm ròng chúng tôi bóp bụng thuê khách sạn để ở chờ chạy chữa”.

Từ ngày phát hiện bé Rơm (tên gọi ở nhà của Yên Đan) có bệnh, chị Dương xin nghỉ việc ở công ty xây dựng. Tiền lo cho gia đình, tiền chữa trị cho con đè nặng lên vai chồng chị. Sau khi ra Hà Nội mà cũng không có kết quả, không chịu được cảnh con gái bé bỏng vừa quằn quại trong cơn đau, lại còn thức thâu đêm suốt sáng, vợ chồng chị tiếp tục bán đất lấy tiền đưa con sang Singapore. Kết quả chẩn đoán, bé Rơm bị đứt đoạn nhiễm sắc thể thứ 15 và có những biểu hiện chậm phát triển về trí não, vận động, ngôn ngữ… của hội chứng Down.

Cùng chung cảnh ngộ, chị Bùi Kim Định (Q.3, TP.HCM) phát hiện bé Minh Việt, đứa con đầu lòng của anh chị, bị hội chứng Down trong một lần đi tiêm ngừa khi bé được 4 tháng tuổi. Không khí nặng nề bao trùm cả nhà. Trải qua những đêm mộng mị không tròn giấc, ôm con trai bé bỏng vào lòng, chị Định biết mình phải kiên cường hơn để đi cùng con trong hành trình dài sắp tới.

Chấp nhận thực tế phũ phàng, sáng nào cũng vậy, chị Định đều đặn dậy sớm tập vật lý trị liện cho con và xem đây là cứu cánh duy nhất để kéo dài sự sống cho bé. “Mỗi lần tập cháu khóc dữ lắm. Người khác nhìn vào thì bảo vợ chồng tôi hành hạ con. Họ đâu biết vợ chồng tôi và bé Việt đang phải chống chọi với số phận nghiệt ngã”. Chị Định nghẹn ngào tâm sự.

Kiên nhẫn cùng con

Theo cô Lê Cẩm Tú, giáo viên tổ Chăm sóc đặc biệt – Trung tâm Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ em Gò Vấp: “Trẻ mắc phải hội chứng Down có sức đề kháng  yếu, hay bị ốm, thường kèm theo bệnh tim bẩm sinh, khả năng vận động kém, khó khăn trong ăn uống. Trẻ Down nhận thức rất chậm, không thể nói. Phụ huynh, nhà trường chỉ có thể dạy trẻ hiệu quả nhất bằng những hình ảnh trực quan sinh động. Nhưng quá trình này đòi hỏi sự kiên trì, lặp đi lặp lại nhiều lần, được tính bằng tháng, bằng năm”.

Cô Lê Cẩm Tú

Chị Dương cho biết: “Mãi đến 5 tuổi, Rơm mới chập chững bước những bước đi đầu tiên trong một lần đi biển. Qua tìm  hiểu, tôi mới biết không khí ở biển rất tốt cho con. Bờ cát sẽ giúp cháu khắc phục khuyết điểm mất thăng bằng nên cứ cách tháng là gia đình lại đưa cháu đi biển”.

Nhanh hơn cháu Rơm, đến tháng thứ 18, Minh Việt đã biết đi trong niềm vui mừng khôn xiết của gia đình. Để có được kết quả này, ba mẹ Minh Việt đã phải kiên nhẫn luyện tập không ngừng nghỉ cho con từ khi phát hiện bé mắc hội chứng Down.

Cháu Minh Việt (bên phải) là lẽ sống của chị Định

Cô Nguyễn Thị Nho – Tổ trưởng tổ Chăm sóc đặc biệt (trẻ bệnh Down), Trung tâm Nuôi dưỡng và Bảo trợ trẻ em Gò Vấp, người đã gắn bó với công việc chăm sóc trẻ Down hơn 30 năm cho biết, việc chăm sóc trẻ Down tự kỷ còn vất vả bội phần. “Các bé không chơi với ai, chỉ ngồi đúng một vị trí duy nhất trong góc phòng. Phản ứng thường thấy của trẻ là dùng tay gạt phăng những vật dụng xung quanh khi không thích. Vì không biết cách giao tiếp, các bé chỉ biết dùng sức mạnh tay chân để phản kháng nên rất dễ gây tổn thương cho người đối diện và chính mình”.

Khó khăn nhất trong chăm trẻ Down là khâu ăn uống. Vui thì bé ăn, buồn thì không có cách nào ép được. Chị Dương rùng mình nhớ lại những bữa cơm như cực hình của hai mẹ con. Bé Rơm thường lên cơn tăng động (hoạt động quá mức, thiếu kiềm chế) nên cứ đi lại liên tục, thấy cái gì là xô ngã, kéo xuống cho bằng được. Bé đã khó ăn lại còn mất tập trung (một triệu chứng của Down) nên thường xuyên phản kháng quá khích: xô ngã mẹ, hất đổ thức ăn. “Nhiều lúc đang ăn, thấy ba về là con bé xô tôi té ngửa, chạy bám theo ba mà không có cách nào ép ăn lại được. Lúc ức chế quá cũng đánh, la con nhưng nghĩ lại thấy thương lắm vì con đâu nhận thức được gì”, chị Dương ngậm ngùi nhớ lại.

 

“Trẻ Down thường chịu sự kỳ thị của người ngoài trước những hành vi mất kiểm soát của bé. Nhưng các bậc cha mẹ cũng không nên vì mặc cảm mà “nhốt” con trong nhà”, chị Dương nói thêm.  Dù lắm lúc chỉ muốn đến một nơi thật xa, không quen biết ai để Rơm không bị dòm ngó, so sánh nhưng chị Dương vẫn biết rằng, nếu đưa con đến các khu vui chơi , những chỗ đông người thì sẽ tốt hơn cho con. Vì con của các chị vẫn xứng đáng được lớn lên trong tình yêu thương như những đứa trẻ bình thường khác.

Lớp học dành cho cha mẹ

Trong tháng 8 này, các ông bố, bà mẹ có thể theo học các khóa ngắn hạn, những buổi tư vấn thú vị để hiểu các bé hơn.

* Một ngày làm Cha mẹ hồn nhiên

Từ 8h30 – 20h30 ngày 29/7/2012 tại Tòa nhà CBAM, 12 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM

Trong 1 ngày, ba mẹ của bé sẽ được tìm hiểu về bản chất tự nhiên và nhu cầu chính đáng của trẻ em, học cách sáng tạo trò chơi, đồ chơi không cần tiền bạc nhưng rất vui cho cả gia đình, cùng chuyên gia chia sẻ cách chơi đùa, cách đặt câu hỏi giúp con phát triển tư duy, sáng tạo, cá tính, thói quen tốt… Phụ huynh quan tâm có thể đăng ký tham dự qua địa chỉ thư điện tử: cachdaycon@gmail.com

* Chuyên đề “Dạy con thành nhân hay thành tài?”

Từ 8h – 10h ngày 5/8/2012 tại Hội trường 75 Nguyễn Thái Học, Q.1, TP.HCM. Buổi nói chuyện chuyên đề với sự tham gia của diễn giả, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, tác giả cuốn sách “Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng”, nguyên Giám đốc Trung tâm Truyền thông Giáo dục sức khỏe TP.HCM. Đây sẽ là nơi để các bậc cha mẹ chia sẻ kinh nghiệm, quan điểm nuôi dạy con cái để cùng có cái nhìn đúng đắn hơn về các phương pháp giáo dục trẻ. Chương trình mở cửa tự do cho các phụ huynh quan tâm.

* Khóa học: Cha mẹ am hiểu

Từ 8h30 – 20h30 ngày 28/7/2012 tại Tòa nhà CBAM, 12 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM

Các vị phụ huynh đã hiểu đúng nhu cầu thực sự của các bé để đáp ứng cho con? Một ngày để các bố, các mẹ có thể hiểu những quy tắc ứng xử với bé, điều nên nói, nên làm để tạo cho con một môi trường phát triển lành mạnh, phù hợp với lứa tuổi. Phụ huynh đăng ký tham dự qua e-mail  cachdaycon@gmail.com (được giảm giá học phí còn 1 – 1,5 triệu đồng/khóa).

Địa chỉ cho mẹ:

+ Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật (108 Lý Chính Thắng, Q.3, TP.HCM) tư vấn miễn phí vào các chiều thứ 3 và thứ 6 hàng tuần.

+ Khoa Vật lý trị liệu – Bệnh viện Nhi đồng 1 (341 Sư Vạn Hạnh, Q.10, TP.HCM) nhận trị liệu 2 lần/tuần cho trẻ 0 – 15 tháng tuổi, lệ phí: 25.000 đồng/buổi.

Hoài Phương
  (Theo Thế giới Gia đình)


From the same category