Muốn độc lập tài chính, không thể bỏ qua 6 bước sau đây

Một người phụ nữ độc lập là khi họ tự chủ cả về tài chính lẫn tinh thần. Độc lập tài chính, ở một mức độ nào đó, sẽ giúp người phụ nữ có được tự do trong tinh thần. Vì họ có khả năng đi đến những nơi họ thích, mạnh tay chi trả cho những thứ họ muốn, cả những thứ làm họ hạnh phúc. Nếu muốn trở thành một người tự chủ tài chính, bạn đừng nên bỏ qua 6 bí quyết dưới đây.

1. Lập bảng giá trị cá nhân

Nói nôm na, giá trị cá nhân ở đây chính là những thứ quan trọng nhất trong cuộc đời bạn. Chẳng hạn như sự an toàn và hạnh phúc cho gia đình, thành tựu trong sự nghiệp, sức khỏe và lòng trắc ẩn với người xa lạ. Hãy thành thực ghi xuống những thứ bạn cho là quan trọng với mình. Và sau đấy thành thực trả lời hai câu hỏi sau: 1. Bạn có đang tiêu tiền cho những thứ nằm trong bảng; 2. Bạn có đang tiêu tiền cho những thứ không nằm trong bảng? Nếu có, đó là những thứ gì? Lặp lại hai câu hỏi đó hằng ngày sẽ giúp bạn sử dụng tiền đúng mục đích hơn.

2. Ghi ra những thứ làm bạn vui vẻ

Ghi ra những thứ làm bạn vui vẻ chính là bước đầu tiên để tạo “hạnh phúc tự thân”. Bằng cách đầu tư tiền bạc vào những thứ làm bạn vui vẻ, bạn sẽ hướng tới sự độc lập về tinh thần. Nhưng trước tiên, bạn cần phải định nghĩa “vui vẻ” là gì. Điều gì làm bạn mỉm cười khi làm, khi có được, và khi nghĩ đến? Hãy cố tóm gọn lại thành 10 thứ và sắp xếp theo mức độ từ quan trọng đến ít quan trọng. Sau đấy, tự mình trả lời hai câu hỏi sau: 1. Bạn có đang tiêu tiền cho những thứ làm bạn vui vẻ; 2. Bạn có đang tiêu tiền vào những thứ không nằm trong danh sách?

Lưu ý: Tránh tiêu quá nhiều tiền vào các thứ nằm ở cuối danh sách.

3. Tìm động lực

Hãy tự hỏi chính mình, tại sao bạn cần độc lập về tài chính? Có thể bạn muốn có một ngôi nhà cho riêng mình, muốn chi trả cho những sở thích cá nhân mà không phải phụ thuộc vào ai hết, hoặc là cảm giác an toàn khi bước vào độ tuổi nghỉ hưu. Dù động lực đó là gì, hãy cố gắng tìm thấy nó từ bên trong bạn, chứ không phải vì lời nói của người khác. Will Rogers từng nói, có quá nhiều người dùng tiền để mua những thứ họ không muốn, và gây ấn tượng với những người họ không thích. Bạn không cần thiết phải trở thành một trong số đó.

Khi đã xác định được động lực, bạn sẽ dễ dàng cam kết với một kế hoạch tài chính lâu dài. Nếu bạn không chắc đâu là động lực của mình. Hãy nhìn lại bảng giá trị cá nhân và danh sách những thứ làm bạn vui vẻ. Chúng sẽ giúp bạn tìm thấy động lực lớn nhất của mình.

4. Ghi ra những địa điểm, yếu tố khiến bạn tiêu tiền không khôn ngoan

Bạn chỉ có thể tránh một vấn đề, nếu biết nguyên nhân gây ra vấn đề là gì. Vì vậy, để sử dụng tiền khôn ngoan hơn, hãy nhớ lại những lần bạn tiêu tiền không đáng và cố tìm ra điều gì đã tác động đến quyết định tiêu tiền ngày hôm đó.

5. Kiểm soát tài chính

Nếu bạn biết thu nhập cố định hằng tháng, hãy ghi con số đó xuống. Và bắt đầu phân bổ cho từng mảng thiết yếu trong cuộc sống. Hãy bắt đầu với thuế và quỹ tiết kiệm. Sau đấy là các nhu cầu căn bản như nhu yếu phẩm, thức ăn, nước, tiền thuê nhà, chăm sóc sức khỏe và chi phí đi lại. Phần còn lại của thu nhập là dành cho giải trí và một số thứ bạn thấy thích. Để kiểm soát tài chính hiệu quả, bạn có thể thử sử dụng các app online chẳng hạn như Money Lover, Pocket Guard.

6. Ghi xuống những khoản thu chi theo tuần hoặc tháng

Ít nhất trong hai tuần đầu tiên, hãy theo dõi mỗi tháng bạn chi tiêu hết bao nhiêu tiền, vào những thứ gì. Lưu ý, hãy ghi lại tất cả dù là những khoản nhỏ nhặt nhất. Bằng cách đó, bạn sẽ biết được xu hướng tiêu dùng của chính mình và kiểm soát được những chi tiêu không đáng. Nếu cần, bạn có thể sử dụng các app như sổ thu chi Misa, Home Budget.


From the same category