Muốn cưới phải “khỏe” - Tạp chí Đẹp

Muốn cưới phải “khỏe”

Sức Khỏe

Tất nhiên, việc cùng nhau chia ngọt sẻ bùi thì ai cũng biết, nhưng yếu tố thứ ba lại hay bị lãng quên một cách hờ hững.

Đọc kỹ hướng dẫn trước khi “sử dụng”


Đây là một câu quen thuộc trong các clip quảng cáo sản phẩm, vì khi bạn mua bất cứ một sản phẩm nào, các nhà sản xuất đều khuyên bạn nên tìm hiểu rõ thành phần cũng như tác dụng, các dùng để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra như ngộ độc, dị ứng. Và trong hôn nhân cũng vậy, trước khi quyết định đặt bút kí tên vào “hợp đồng” hôn nhân, các đôi uyên ương đừng bỏ qua việc khám sức khỏe tiền hôn nhân để dảm bảo hạnh phúc trọn vẹn. So sánh có phần hơi khập khiễng như thực tế là vậy, khi không ít đôi vợ chồng mới cưới vì lơ là vấn đề này mà phải “ôm hận” cả đời.

Ở một số nước phương Tây, khám sức khỏe tiền hôn nhân là một việc làm bắt buộc trước khi các cặp đôi dắt nhau đến nhà thờ. Nhưng với chúng ta, khái niệm này dường như vẫn còn rất mới mẻ. Một trong những lý do khiến các bạn trẻ không mấy mặn mà với việc đi khám sức khỏe vì họ chỉ quan tâm đến vấn đề tâm lý hôn nhân và cho rằng mình hoàn toàn khỏe mạnh. Hay có người không dám đối diện với sự thật, vì nếu chẳng may sau khi khám lại “tòi” ra một số bệnh làm “kẻ phá bĩnh” đám cưới đang đến ngày cạn kề. Chính những suy nghĩ chủ quan đó đã mang lại những hậu quả đáng tiếc, có người phải bẽ bàng khóc ngay sau đêm đầu tiên ở cùng nhau.

Các số liệu thống kê cho thấy mỗi năm, tại các bệnh viện Phụ sản phát hiện hàng trăm sản phụ nhiễm HIV. Phần lớn khi họ đến đây mới biết mình nhiễm virus chết người này. Và những trường hợp thế này đều không kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, không biết rõ về thể trạng, bệnh tật, sức khỏe của bạn đời trước khi cưới.

Theo các chuyên gia tâm lý, người Việt Nam thường chú trọng đến các vấn đề gia đình, đạo đức, trình độ, tâm tính mà ít khi nhìn thẳng vào vấn đề cực kỳ thực tế, liên quan, chi phối trực tiếp đến đời sống hôn nhân, đó là sức khỏe và khả năng tình dục của bạn đời.

Việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân không chỉ giúp các bạn trẻ hiểu rõ tình trạng của nhau để “cân nhắc” việc ăn đời ở kiếp mà còn giúp họ hiểu biết để chăm sóc nhau tốt hơn trong cuộc sống sau này,  giúp nhau phòng tránh, chữa trị kịp thời với những căn bệnh lây qua tình dục. Hơn thế nữa, em bé sinh ra sau này phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe cha mẹ. Trong một số trường hợp, nếu biết trước tình trạng sức khỏe của cha mẹ, có thể tiên lượng và phòng tránh một số bệnh cho con. Vậy nên, các chuyên gia tâm lý và giới tính đã khuyến cáo rằng: “Chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân là việc làm khoa học cần thiết, giúp những người sắp kết hôn bước vào cuộc sống vợ chồng một cách tự tin, có đủ sức khỏe để có đời sống tình dục viên mãn, mang thai và sinh con an toàn”.

 

Khám sức khỏe tiền hôn nhân thế nào?

Bác sĩ Hồng Thúy – Trưởng khoa sản phòng khám đa khoa Việt Gia cho biết: “Khám sức khỏe tiền hôn nhân là tìm hiểu tiền căn sức khỏe xem có bị các bệnh di truyền nghiêm trọng như bệnh Thalassemia, hội chứng Down, câm điếc bẩm sinh, ung thư … và phát hiện các bệnh lý: bệnh lây nhiễm (HIV/AIDS, lao, lậu, giang mai, phong và các bệnh lây khác có ảnh hưởng đến hôn nhân và sinh sản), bệnh tâm thần (tâm thần phân liệt, bệnh cuồng loạn và các bệnh tâm thần khác) và một số các bệnh nội khoa (bệnh tim mạch, gan, phổi, thận, tiểu đường, bệnh lý tuyến giáp …)”

Nếu bạn sắp lập gia đình và muốn khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân, có thể đến các bệnh viện hoặc phòng khám chuyên khoa phụ sản để kiểm tra cụ thể. Khi tư vấn, bác sĩ sẽ tư vấn riêng cho từng người. Thông qua tư vấn, bạn sẽ được đề nghị xét nghiệm hoặc khám chuyên khoa phù hợp với hoàn cảnh và tình trạng sức khỏe của từng người. Và sau khi đã có kết quả khám và xét nghiệm, bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên y khoa về kế hoạch với lịch chủng ngừa cho bạn.

Đặc biệt, một số bệnh truyền nhiễm có thẻ ảnh hưởng đến sức khỏe hôn nhân và sinh sản có thể lây cho người bạn đời và lây cho con. Vì vậy, sau khi có kết quả khám sức khỏe, nếu không có vấn đề gì, các bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn tiêm một số vắc xin phòng ngừa các bệnh như viêm gan siêu vi B, rubella – quai bị – sởi, ung thư cổ tử cung (do nhiễm HPV).

Những lưu ý trước khi đi khám

– Nên đi khám vào sáng sớm và tuyệt đối không ăn sáng vì để có kết quả xét nghiệm thật chính xác.

– Vệ sinh cơ thể sạch sẽ.

– Mang theo hồ sơ bệnh án, các thông tin liên quan đến bệnh tật, thuốc men của quá trình điều trị hoặc đã khám nghiệm trước đó.

– Chuẩn bị tâm lý trả lời thành thật, không vì xấu hổ mà giấu diếm bệnh trước những câu hỏi của bác sĩ.

Theo Mỹ phẩm

Thực hiện: depweb

24/08/2012, 15:08