Muốn con biết lỗi, mẹ phải "thành tâm" - Tạp chí Đẹp

Muốn con biết lỗi, mẹ phải “thành tâm”

Sống

Ai đó nói rằng việc dạy con nói những lời “cảm ơn – xin lỗi” là những điều thuộc về quy tắc lịch sự trong đời sống, rằng việc đó phải được thiết lập, duy trì như một thói quen. Tôi thì lại cho rằng bản chất sự việc lớn lao hơn thế, bởi lẽ nếu chỉ là một thói quen cư xử nhưng vẫn chứa đầy sự cố hữu, bảo thủ trong tâm hồn, thì những lời ấy hoàn toàn vô nghĩa. Không phải chỉ là việc đi ra phố trong một buổi đông người, không may va vào người khác và miệng vô thức bật ra lời “xin lỗi”, nghe đầy sáo rỗng. Không phải là việc nhân viên siêu thị mở cửa cho ta, rồi ta gật đầu “cảm ơn” với họ mà mắt không nhìn. Nếu đã cất công rèn giũa một đứa trẻ thì cần phải làm gương cho đứa trẻ ấy thấy sự hối lỗi, mong muốn được chấn chỉnh bản thân trong lời “xin lỗi” và lòng biết ơn người khác trong sự “cảm ơn”. 

dạy con xin lỗi, làm sao con nhận ra lỗi của mình, thành tâm xin lỗi, xin lỗi con, cách nuôi dạy con

Lời xin lỗi thuộc về lòng hối lỗi thành tâm. Và để một em bé hiểu được thế nào là thành tâm, người mẹ phải biết xin lỗi con và cho con thấy chính sự thành tâm đó. Chỉ khi những em bé cảm nhận được điều ấy từ người gần gũi nhất với mình, mới có thể đem sự thành tâm ấy đến cho mọi người. Có một lần, chồng tôi cáu lên trong điện thoại, rất to. Anh quát to đến mức con gái hai tuổi của tôi nghe thấy. Lỗi là do tôi đã tự ý làm một việc khi chưa bàn bạc với chồng. Dù tôi cho rằng việc tôi làm là đúng nhưng chưa hề thông báo với chồng khiến anh thấy bực mình. Con tôi đang chơi đồ hàng và nghe thấy bố quát mẹ trong điện thoại, cháu liền ngẩng lên rồi hỏi: “Vì sao bố mắng mẹ to thế?”

dạy con xin lỗi, làm sao con nhận ra lỗi của mình, thành tâm xin lỗi, xin lỗi con, cách nuôi dạy con

Khi ấy tôi hoàn toàn có thể nói rằng “Mẹ bực mình quá, bố hư quá, bố quát mẹ chẳng ra gì con ạ”. Nhưng tôi trấn tĩnh lại, và nhẹ nhàng nói với con rằng vì mẹ đã sai, mẹ không nói với bố một việc mà tự ý làm, con ạ! Con tôi hỏi: “Vì sao mẹ lại không nói trước với bố?” Thật ra cháu chỉ hỏi theo quán tính thôi, kiểu hỏi bất cứ điều gì nghe được chứ không hẳn là cháu hiểu được nội dung của vấn đề giữa bố mẹ mình. Nhưng tôi vẫn nói với con rằng mẹ đã vội vàng, mẹ làm bố buồn, mẹ sẽ xin lỗi bố. Tối ấy, khi cả nhà ăn cơm, tôi nói với chồng rằng anh hãy cho em xin lỗi, vì em tự cảm thấy mình đúng nên không nói gì với anh! Chồng tôi bảo, ừ, hôm nay anh cũng quát em quá lời! Con tôi nhìn thấy hết và tôi tin rằng con hiểu, xin lỗi, hối lỗi là như thế, là dành tất cả tình cảm của mình vào đó. 

Một lần khác, con tôi tè ra quần, làm ướt nền nhà và tôi cáu điên lên với cháu. Tôi mệt, tôi phát chán cảm giác một đứa trẻ đã hơn hai tuổi vẫn cứ tè ra quần mà không chủ động đến ngồi vào bô. Tôi đã quát to, đã dọa con bé rằng lần sau như thế, mẹ có cho ăn roi cũng đừng thắc mắc gì. Thật lòng, tôi không đánh con bao giờ nhưng lời dọa “ăn roi” vẫn bật ra như quán tính. Con tôi rất sợ. Sau đó cháu nhớ việc ngồi bô nhưng cháu có phần lẩn trốn tôi, không muốn gần gũi mẹ. Tôi hiểu là mình đã làm con tổn thương và phải chọn cách làm lành với con. Tối ấy, khi cả nhà nằm trên giường, tôi ôm con và nói rằng hôm trước mẹ đã quát con, làm con buồn đúng không? Mẹ thấy nói với con như thế là sai, bây giờ mẹ nhờ con nhắc mẹ, mỗi lần mẹ nói ra những lời cáu kỉnh với con, con sẽ nhắc mẹ, mẹ hứa mẹ sẽ nghe con nhắc!

dạy con xin lỗi, làm sao con nhận ra lỗi của mình, thành tâm xin lỗi, xin lỗi con, cách nuôi dạy con

Tôi không bao giờ kể cho con nghe về những thành tích của mình. Không bao giờ cần phải có những câu chuyện với chủ đề kiểu như: hồi bé mẹ đã từng học giỏi hay ngoan ngoãn… Trái lại, tôi luôn thừa nhận với con về sơ suất, lỗi lầm. Ví dụ như khi bị ốm, tôi cũng sợ phải uống thuốc và tiêm. Một lần đến bác sĩ để tiêm, tôi đã để con đi cùng, nói với con rằng con hãy ở bên cạnh, mẹ nhìn thấy con sẽ đỡ sợ hơn! Mũi tiêm kháng sinh làm tôi rơi nước mắt, con bé đến gần, tôi phải thú thực với con là mẹ đang rất sợ và mong con ôm mẹ! Thừa nhận những khiếm khuyết hay nhút nhát của mình một cách công bằng, tôi tin con sẽ hiểu rằng không ai hoàn thiện và việc mắc lỗi, nhầm lẫn hay sơ suất là điều ai cũng có khi gặp phải trên đời. Như vậy thì việc thừa nhận nó, hoặc nói lời xin lỗi khi cần là việc nên làm! Bởi vì điều đó khiến chính bản thân ta cảm thấy có thêm dũng khí.

Tấm bảng “lập công” của hai mẹ con tôi ngày một dày lên. Ở đó, cuối ngày, khi tôi nấu ăn bị mặn, ngủ dậy muộn, đi làm về vội vàng không để giày dép đúng nơi quy định, thì tôi sẽ bị dán một sao đen, và chắc chắn là phải nói lời xin lỗi. Con gái tôi và chồng đều như vậy. Ban đầu anh đặc biệt nhăn nhó với việc phải xin lỗi vợ con khi đi làm về muộn. Nhưng dần dần, việc đó trở thành thói quen chứa đựng lòng tự trọng, và anh cố gắng nhiều hơn để con gái nhỏ không phải đợi bố bên mâm cơm đến ngủ gục trên bàn.

Cách giáo dục tốt nhất là thành tâm, tôi nghĩ vậy. Và trước khi định nói với con về một thói quen, ta cần phải đem cả tấm lòng của mình vào đó.

Bài: Hương Ngân

logo

Thực hiện: depweb

07/10/2015, 15:57