Mụn: Xử lý đúng cách

Thật khó chịu khi thấy mụn li ti trên mặt mà không “sờ” đến. Tất cả chúng ta đều biết rằng nặn mụn là không tốt, có thể bị sưng tấy và nhiễm trùng. Nhưng rất ít người biết được cách lấy được ngòi mụn ra mà không làm viêm nhiễm và ảnh hưởng đến những vùng da xung quanh. 

Mụn có nhiều loại, do đó phải có cách nặn cho đúng:

– Mụn đầu đen, mụn cám: Sau khi xông hơi da mặt bằng nước nóng khoảng 10 phút cho các lỗ chân lông nở ra, dùng khăn mỏng sạch hoặc gạc nhẹ nhàng nhấn quanh mép lỗ chân lông cho đến khi mụn bị ép ra ngoài.

Sau đó, dùng một ít thuốc sát trùng hoặc nước làm se lỗ chân lông bôi lên vùng vừa nặn. Nên thực hiện nặn mụn 1 lần/tuần. Và áp dụng phương thức đắp mặt nạ trái cây hay lột nhẹ bằng mặt nạ chiết xuất từ trái cây để lấy đi những chấm đen từ mụn già.

 – Mụn đầu trắng (mụn nằm ẩn bên dưới lớp da mỏng): Chỉ nặn khi mụn đã cộm lên trên da mặt. Rửa mặt với sữa tẩy trang làm mềm da, massage một cách nhẹ nhàng và dùng bông trang điểm lau sạch. Thoa nước hoa hồng làm dịu da. Dùng lưỡi trích (thanh nặn mụn, có bán tại các nhà thuốc tây) để lấy ngòi mụn ra.

Dụng cụ nặn mụn phải được khử trùng thật kỹ và thay mới ngay nếu thấy xuất hiện dấu hiệu của rỉ sét hay đã cũ. 

Nặn mụn bằng tay rất có hại cho da vì móng tay ấn trực tiếp khiến da dễ bị trầy xướt và thông thường thì móng tay không sạch. Vì vậy chỉ làm với một số mụn đã già hoặc chín mùi. Nếu không cần thiết thì không bao giờ được lấy mụn bằng tay.

– Mụn ủ và u nang: Tuyệt đối không được nặn. Trong thời gian da đang bệnh, cần phải có chế độ chăm sóc đặc biệt:

Không trang điểm. Nếu cần phải trang điểm nên dùng loại kem che vết mụn mà vẫn làm thông thoáng da, chứa thành phần kháng khuẩn. 

Tránh chọn các loại mỹ phẩm chứa nhiều nước. Vì khi nước khô, mỹ phẩm sẽ đóng thành lớp dày trên da, làm bít lỗ chân lông.

Buổi trưa nên rửa sạch lớp trang điểm, nến cần ra ngoài mới trang điểm lại. Tuyệt đối không giữ lớp trang điểm trên da suốt cả ngày.

Đối với những trường hợp nặng nên đến bệnh viện da liễu để soi da, chẩn đoán và chữa trị theo chỉ định của bác sĩ. Vì đây là trường hợp dễ dẫn tới nhiễm trùng và để lại sẹo lõm lớn trên da sau này.

Sau tất cả những lần nặn mụn đều phải bôi dung dịch sát trùng. Sau đó, bôi sản phẩm dưỡng để tạo lớp bảo vệ phần da vừa nặn, ngăn ngừa việc sưng tấy, hình thành nhân mụn mới và để lại sẹo. 
 
Các loại sẹo do mụn để lại:

– Sẹo lõm: Do mụn hoặc u mọc sâu trong da phá hủy các nang lông làm nhiễm trùng phần sát bề mặt da, trông giống như lỗ sâu dưới da.

– Sẹo rỗ: Có mặt lõm cạn hơn và thường tập trung thành từng mảng hai bên má.

– Sẹo lồi: Là một loại u lớn nhóm lại với nhau tạo nên mô sẹo lớn nổi trên bề mặt da./.

Các tin liên quan:

Trị mụn nhờ thiên nhiên
Mỹ phẩm "chữa cháy"
Cảnh giác với thuốc bôi tự chế
12 bí quyết nói không với mụn
Trị mụn với Babor Young Pure

 

 

 


From the same category