Không hiểu sao tôi cứ thấy “thảm cảnh” diễn ra ở Grasse trong ngày mà Grenouille, nhân vật chính trong tiểu thuyết “Mùi hương” bị đem đi xử tử được Patrick Suskind miêu tả vừa ngây thơ vừa đáng sợ. Grenouille có một cơ thể đặc biệt, không tỏa ra bất cứ mùi hương nào và một khứu giác hoàn hảo. Chính vì thế mà hắn có khả năng xuất chúng trong việc nhận dạng và phân tích mùi hương. Thậm chí, hắn hoàn toàn bị mùi hương chi phối.
Bị mùi thơm của một bé gái ám ảnh, Grenouille lần lượt giết chết 24 thiếu nữ xinh đẹp chưa từng được hưởng khoái lạc của tình yêu, rồi cuối cùng cả cô gái đã đem lại cho hắn khoái cảm qua khứu giác khi vừa chớm tuổi trưởng thành, để chiết xuất ra “tinh chất cơ thể” của các trinh nữ, pha chế một loại nước thơm kỳ diệu. Đó cũng chính là mùi hương được phát tán trong ngày hắn bước lên bục xử tử, khi tất cả đàn ông, đàn bà của Grasse (cái nôi của ngành nước hoa Pháp sau này) tụ tập để chiêm ngưỡng cảnh hành quyết kẻ tội nhân tàn bạo. Nhưng rồi những kẻ khốn khổ ấy bị mùi hương tội lỗi kỳ diệu làm cho đê mê, choáng ngợp. Họ lao vào nhau trong một buổi cuồng lạc kinh hoàng, giết chết đao phủ và tha bổng mọi tội lỗi cho tội nhân.
Trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng được coi là kinh điển cho những người yêu thích nước hoa ấy, cơ thể của người trinh nữ được “tôn vinh” bởi hương thơm (xin được để từ “tôn vinh” trong ngoặc kép, vì tác giả cuốn tiểu thuyết giảm thiểu cơ thể họ đến giới hạn của phi vật chất, coi mùi hương là tinh chất, giá trị tuyệt đỉnh của cơ thể con người). Rồi hương thơm đó được thần thánh hóa như một loại tinh chất diệu kỳ, có khả năng khơi dậy ham muốn nhục dục không thể kiềm chế ở cả đàn ông lẫn đàn bà. Sự thèm muốn thể xác được coi là bản năng, sinh học, “thú tính tự nhiên”, chỉ chực chờ những phân tử chiết xuất từ cơ thể phụ nữ còn “trong sạch” làm rung động các tế bào của khứu giác là lập tức trỗi dậy, vượt qua đè nén, kiềm chế của các quy chế đạo đức đương thời.
Thực ra, khó có thể biết những “tinh chất cơ thể” đó là gì, có hương thơm hay không. Vì những “tín hiệu hóa học” – pheromones đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh trưởng và duy trì giống loài là những hóa chất không có mùi hương. Grenouille có thực sự ngửi thấy một mùi hương đặc biệt nào đó, hay chỉ hành động hoàn toàn với niềm tin vào những tính chất đặc biệt có thể chiết xuất được từ cơ thể? Có thể Suskind viết cuốn tiểu thuyết này với góc nhìn của văn hóa dị tính, cho rằng tình dục của con người mang tính chất tự nhiên “trời sinh ra thế” và bị chi phối hoàn toàn bởi những yếu tố sinh lý, thông qua sự kích thích trực tiếp lên các giác quan. Ông cũng mượn nhân vật Grenouille để đương nhiên thừa nhận rằng cơ thể của các thiếu nữ còn trinh có giá trị lớn nhất (nếu không nói là duy nhất) là chứa đựng những gì hấp dẫn nhất đối với đàn ông. Cũng có thể Suskind hư cấu cho câu chuyện thêm phần ly kỳ, nhưng không ít thì nhiều, cuốn sách củng cố quan điểm về sức mạnh của mùi hương, nhất là các hương thơm “da thịt” hứa hẹn những thăng hoa trong tình ái, có thể làm ai đó quyến rũ hơn trong mắt những người khác giới. Đây cũng là “góc nhìn” cơ bản đem lại lợi nhuận cho ngành công nghiệp pha chế nước hoa thế giới.
Tôi không rõ điều gì tác động đến mình mạnh hơn, hương thơm cơ thể hay quan niệm “thơm là sexy” được ngành công nghiệp nước hoa không tiếc tiền của liên tục nhắc khéo chúng ta. Trong cuốn “Chemistry and Technology of Flavours and Fragrances” (Hóa học và Công nghệ của Vị và Mùi hương), nhà hóa học Givaudan Phillip Kraft viết rằng, hiện nay khó có thể tìm được loại nước hoa nào mà không có xạ hương – tự nhiên hay tổng hợp – trong thành phần. Đây chính là “xương sống” của các loại nước hoa hiện đại, làm cho nước hoa trở nên quyến rũ, lan tỏa trong không gian, ấm áp và sinh động hơn. Nếu xạ hương thôi chưa đủ tính “da thịt”, thì nước hoa cũng gắn liền với hình ảnh những cơ thể đẹp tuyệt vời của các cô gái hay các chàng trai trẻ, được “tinh chất hóa” qua ống kính của các nhiếp ảnh gia tài năng cũng như photoshop trong ảnh quảng cáo. Điển hình nhất là những bộ phim quảng cáo duy mỹ kinh điển của đạo diễn Ridley Scott làm cho Chanel No.5 với khẩu hiệu “Chia sẻ tưởng tượng” vào năm 1979. Hay Obsession (Calvin Klein) đầy nhục dục với Kate Moss trong vai chính; đến những chiến dịch quảng cáo nước hoa gần đây của Marc Jacobs khai thác thể loại ảnh snapshot “diễn như thật” với các diễn viên nổi tiếng tuổi teen của điện ảnh Hollywood.
Mô típ “hương thơm chinh phục trái tim” đã được nhắc đến trong những huyền thoại về Cleopatra (trong bi kịch của Shakespeare, nữ hoàng Ai Cập dùng hương hoa hồng, violet, hoa cam, nghệ tây cùng các loại nhang thơm đón tiếp vị tướng Mark Antony). Tuy vậy, vai trò của các loại hương liệu “da thịt” có nguồn gốc động vật (xạ hương) hiếm khi được văn hóa đại chúng ghi nhận, mặc dù đã được biết đến từ rất sớm. Một ngoại lệ là các nhà thơ Ả Rập thế kỷ thứ 6 từng ví xạ hương với hương thơm tuyệt diệu của cơ thể phụ nữ, với mùi thơm qua hơi thở hay vị ngọt từ nước bọt của các cô gái được họ tôn thờ. Người Ả Rập sẵn sàng bỏ ra rất nhiều tiền để mua hương liệu quý giá này, coi đây là đặc quyền của nhà giàu và tầng lớp trên, là hương thơm tinh túy dùng để xức thơm trang phục, làm nước hoa cho cả đàn ông và phụ nữ. Chính vì thế, phải chăng việc đó đã làm các nhà thơ liên tưởng cơ thể phụ nữ với mùi xạ hương?
Xạ hương từ động vật tự nhiên được coi là có tính năng tuyệt hảo nhất trong số các hương liệu được liệt vào dòng hương thơm của cơ thể, bao gồm xạ hương (musk), xạ hương của cầy hương (civet) hay long diên hương (ambergris). Ngoài ra, xạ hương còn có thể được tìm thấy trong thành phần của một số thảo dược như rễ cây bạch chỉ (angelica). Xạ hương động vật tự nhiên được ưa chuộng nhất được lấy từ túi xạ của loài nai sống tại vùng núi Himalaya, do người Trung Hoa đem đến châu Âu và vì thế có tên gọi là tonkin musk. Ngành hóa học tổng hợp được xạ hương nhân tạo từ thế kỷ 19, và nitro musk – hợp chất có trong 10% thành phần của Chanel No.5 (theo công thức năm 1921) được coi là có hương thơm gần với “nguyên bản” tonkin musk nhất. Tuy vậy, hiện nay cả nitro musk và xạ hương tự nhiên đều bị cấm dùng trong ngành pha chế nước hoa.
Tôi nghĩ rằng những gì chúng ta biết về các hương liệu tự nhiên có nguồn gốc động vật này đã được ghi chép từ hàng trăm năm nay. Cuốn “The Art of Perfumery” (Nghệ thuật pha chế nước hoa) của G.W Septimus Piesse xuất bản năm 1857 viết: “Xạ hương có khả năng lan tỏa tuyệt vời, nhanh chóng phủ một hương thơm dịu nhẹ và tinh tế lên mọi thứ xung quanh, tuy không tiếp xúc trực tiếp, hương thơm đó vẫn đọng lại rất lâu”. Trong cuốn “cẩm nang” về nước hoa của nhà nghiên cứu nước hoa có uy tín thời bấy giờ, xạ hương hay long diên hương được nhắc đến chủ yếu với vai trò của những hương liệu quý giá đặc biệt có khả năng làm cho các hương liệu phù du giữ hương thơm được lâu hơn. Người ta trộn xạ hương với tinh dầu hoa hồng, hoa violet hay hoa huệ để khi hương hoa ban đầu đã bay đi, cảm giác của hoa vẫn còn vương vấn, quyện với mùi thơm dễ chịu của xạ hương. Vào thời đó, người ta cũng đã biết rằng xạ hương và long diên hương có thể “thấm sâu” trong sợi vải và giữ mùi thơm lâu sau khi giặt – rất thích hợp cho việc tẩm hương thơm lên khăn mùi xoa (cách dùng nước hoa của giới quý tộc thời xưa). Đây cũng là lý do tại sao xạ hương được dùng rộng rãi trong bột giặt, nước thơm ngâm quần áo và sau đó, trong dầu gội đầu và phấn thơm tại phương Tây từ thập niên 1950. Quan niệm về xạ hương thơm “mùi vải gai vừa giặt”, “quần áo phơi trong nắng” hay “tươi mát như làn da vừa tắm sớm tinh mơ” được dùng trong dòng nước hoa “sạch” gần đây cũng bắt đầu từ đó. Lần đầu tiên xạ hương được quảng cáo như một loại hóa chất kỳ diệu hứa hẹn thăng hoa tình ái với nước hoa Jovan Musk Oil. Đây là một loại nước hoa dân chủ, rẻ tiền (với giá 1,5USD cho những lọ nhỏ nhất), ai cũng có khả năng sở hữu và là biểu tượng cho nước hoa thập kỷ 1970. Tính năng của dầu xạ hương còn là một câu hỏi để mở, nhưng có lẽ hoàn toàn không phải sự tình cờ ngẫu nhiên khi những năm 1970 lại là thập kỷ của tình yêu tự do.
Bài: Thành Lukasz
Nếu như một bức tranh đẹp có sức diễn tả hơn ngàn lời nói, thì mùi hương của phái đẹp lại phản ánh cá tính, gu thẩm mỹ trong con người họ.