Được tổ chức bởi trường L’ÉCOLE Asia Pacific, School of Jewelry Arts, triển lãm “An Eye for Beauty, the Illuminata Jewelry Collection” là chuyến phiêu lưu xuyên thời đại đáng nhớ để chiêm ngưỡng các kỷ vật có tuổi đời hàng trăm năm.
“Tên gọi ‘Illuminata’ của BST đã mê hoặc tôi bằng ý nghĩa về sự bí mật và sáng sáng của nó. Tất cả các món đồ trong BST này không chỉ có thể đeo được mà còn thể hiện phong cách độc đáo chịu ảnh hưởng từ sự giao thoa sôi nổi giữa thẩm mỹ Đông-Tây ở Hồng Kông của chủ sở hữu“, Nicolas Luchsinger – giám tuyển triển lãm kiêm chủ tịch Van Cleef & Arpels khu vực Châu Á Thái Bình Dương – chia sẻ.
Khách tham quan buổi triển lãm sẽ bắt đầu cuộc hành trình khám phá, tìm hiểu khái niệm đa diện về vẻ đẹp từ nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt nhấn mạnh vào những quan niệm vượt thời gian về tính linh hoạt và khả năng biến đổi trong suốt 300 năm lịch sử nghệ thuật. Khi thực hiện triển lãm lần thứ bảy tại Hồng Kông, L’ÉCOLE Asia Pacific mang đến cho quan khách cơ hội hiếm có để chiêm ngưỡng những kiệt tác trang sức không được giới thiệu công khai từ BST “Illuminata”. Triển lãm được chia thành ba chương. Mỗi chương thể hiện một khía cạnh độc đáo trong hành trình đầy cảm hứng của nhà sưu tập.
Chương đầu tiên đưa du khách khám phá những món đồ nội thất thời Minh, tôn vinh sự pha trộn hài hòa giữa nghệ thuật thủ công và sự sang trọng. Được chế tạo chủ yếu từ loại gỗ cứng vô cùng quý giá ở vùng nhiệt đới có tên là huanghuali, ba báu vật đặc biệt từ cuối triều đại nhà Minh (1573-1644) ở Trung Quốc đang được trưng bày tại triển lãm: một chiếc rương di động dùng làm hộp trang sức, một chiếc bàn pingtouan và một chiếc ghế tựa lưng cao.
Chương thứ hai của triển lãm là tìm hiểu về đồ trang sức phương Tây, mang đến một hành trình hấp dẫn xuyên thời gian và những di sản lâu dài của phái nữ. Khoảng 40 món trang sức trải dài từ thế kỷ 18 đến thế kỷ 21, bao gồm các kiểu dáng từ thời Baroque, Victoria, Belle Époque và Edwardian đang được trưng bày.
Chương cuối cùng là cánh cửa mở ra thế giới trang sức của triều đình nhà Thanh (1644-1911), mang đến những hiểu biết sâu sắc về di sản và sự phát triển của nó qua nhiều thế hệ. Trong suốt lịch sử Trung Quốc, các đời vua chúa đã áp đặt luật lệ liên quan đến vật liệu làm trang sức của triều đình. Ngọc bích, sợi tơ và hạt cườm đều là những chi tiết trang trí nổi bật nhất ở thời kỳ này.