Mua xe trả góp: Cẩn thận "lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn" - Tạp chí Đẹp

Mua xe trả góp: Cẩn thận “lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn”

Trong thời buổi kinh tế khó khăn, mua hàng trả góp là phương án được nhiều người lựa chọn. Nhu cầu đi lại tăng cao cộng thêm giá ô tô giảm đã làm tăng xu hướng sử dụng phương tiện này cho gia đình. Tuy nhiên, câu chuyện tài chính để mua ô tô là bài toán không phải dễ giải với tất cả mọi người. Một trong những cách thức được nhiều người lựa chọn là mua ô tô trả góp, tức là bạn có thể sở hữu một chiếc xe mơ ước ngay lập tức chỉ với chi phí ban đầu 30%, thậm chí là 10% giá trị tổng thể chiếc xe, số còn lại sẽ được ngân hàng cho vay theo hình thức trả góp. Những con số phần trăm cho vay cao ngất ngưởng, chế độ ưu đãi lãi suất cực hấp dẫn mà ngân hàng đưa ra rất dễ làm lóa mắt những người đang có nhu cầu mua xe. Nhưng, hãy cực kỳ thận trọng, bởi đằng sau đó là cả một ma trận chi phí mà người mua phải trả và rất dễ bị rơi vào tình trạng “mua rẻ hóa đắt”.

Trong khuôn khổ bài viết, Đẹp sẽ tóm lược những hình thức mua xe trả góp đang có trên thị trường, ưu nhược điểm cũng như những chú ý đặc biệt quan trọng trong bài toán trả góp.

Print

Hình thức cho vay 

Xét một cách tổng thể, có 3 cách vay trả góp mà người mua có thể thực hiện để sở hữu chiếc xe mong muốn. Một là người mua tự làm việc với ngân hàng và cầm toàn bộ tiền được giải ngân từ ngân hàng đến đại lý để mua xe (tức trả toàn bộ số tiền giá trị xe cho bên bán). Hai là đại lý xe sẽ cho người mua vay trả góp mà không thông qua ngân hàng dưới dạng hợp đồng thuê xe dài hạn hoặc thuê mua tài chính (tuy nhiên, trường hợp này ít đại lý làm). Ba là đại lý xe đứng ra làm trung gian giữa ngân hàng và người mua – đây là trường hợp phổ biến trên thị trường hiện nay. Từ đây, chúng tôi chỉ đề cập đến hình thức mua trả góp thứ ba này.

Vấn đề lãi suất

Đây là vấn đề mấu chốt nhất của việc mua xe trả góp. Hầu hết các ngân hàng thường đưa ra hai gói lãi suất cho khách hàng lựa chọn. Một là lãi suất cố định trong suốt thời gian vay nhưng tiền lãi hàng tháng phải trả lại luôn tính trên tổng số dư nợ ban đầu. Ví dụ, bạn vay 500 triệu đồng với lãi suất 9%/năm, hàng tháng bạn sẽ phải trả một phần tiền gốc cộng với lãi suất luôn tính trên 500 triệu đồng ban đầu. Trường hợp này có ưu điểm là lãi suất cố định trong suốt thời gian vay và không bị biến động bởi sự điều chỉnh của ngân hàng. Tuy nhiên, nếu lãi suất thị trường giảm, thì bạn cũng không được giảm lãi; hơn nữa, các kỳ về sau lãi suất thực tế tính trên dư nợ sẽ cao, ví dụ vay 500 triệu đồng, mỗi tháng trả 10 triệu đồng tiền gốc, đến tháng thứ 11, tiền gốc chỉ còn 400 triệu đồng, thì số tiền lãi phải trả vẫn là 3,75 triệu đồng, lãi suất thực tế sẽ là 3,75*12/400  = 11,25%, càng về sau lãi suất càng tăng. Thường chỉ những người có thu nhập rất ổn định, hàng tháng luôn để dành được một khoản tiền nhất định mới vay theo hình thức này.

shutterstock_753613072

Hai là lãi suất ban đầu cố định, sau đó sẽ được điều chỉnh khoảng 3 tháng/lần theo quy định của ngân hàng. Thông thường hiện tại lãi suất ban đầu đối với hầu hết các ngân hàng thường là 8-12%, cao hơn hình thức thứ nhất (lưu ý, con số lãi suất là giả định, tùy thuộc vào từng ngân hàng với các chính sách khác nhau). Tuy nhiên, hàng tháng khách hàng sẽ trả phần gốc cộng với phần lãi suất tính trên dư nợ thực tế hiện tại. Tùy từng thời hạn vay, từng chủng loại ô tô và khả năng tài chính của khách hàng mà ngân hàng có thể cho vay trả góp đến 90% (thông thường là dưới 70%). Tuy nhiên, lời khuyên từ những người đã sử dụng dịch vụ vay trả góp là chỉ nên vay ở khoảng 30-50% giá trị chiếc xe. Điều này liên quan đến khả năng trả nợ của người mua cũng như hạn chế rủi ro do sự biến động lãi suất.

shutterstock_646850941

Đa phần khách hàng mua xe trả góp thường chỉ quan tâm đến số tiền phải trả ban đầu và số tiền phải trả góp hàng tháng tính theo lãi suất hiện tại mà quên rằng cứ khoảng 3 tháng 1 lần, ngân hàng sẽ thay đổi lãi suất (thông thường là tăng lên). Như trường hợp chị Nguyễn Quỳnh Hoa (Đống Đa – Hà Nội) khi mua chiếc xe trị giá 780 triệu đồng, trả góp 60% là 468 triệu đồng với thời hạn 36 tháng, lãi suất 3 tháng đầu chỉ 12%, nhưng sau đó ngân hàng điều chỉnh lãi suất, có tháng lên tới 15%, thậm chí 17% khiến cho việc cân đối tài chính hàng tháng của gia đình chị rất không ổn định, chưa kể việc bị phạt khi trả nợ chậm. Kết quả là sau 12 tháng, chị đi vay bạn bè luôn tổng số tiền còn lại để trả ngân hàng trước thời hạn. Việc mua trả góp với lãi suất biến động liên tục như hiện nay làm cho khách hàng như “mua cục tức vào người”.

Thủ tục và các loại thuế phí

Hầu hết khách hàng mua xe trả góp đều không biết mình được vay trả góp bao nhiêu phần trăm tổng giá trị chiếc xe. Đây là điểm người mua cần chú ý tránh trường hợp nhân viên tín dụng ngân hàng đòi tiền “bôi trơn”. Lời khuyên đưa ra trong trường hợp này là bạn nên tìm đến đại lý xe uy tín, từ đó đại lý sẽ giới thiệu ngân hàng và có thể đứng ra làm một số thủ tục cho bạn. Thủ tục mua xe trả góp cơ bản có 2 phần giấy tờ chính là nhóm giấy tờ nhân thân và nhóm giấy tờ chứng minh tài chính, từ đó ngân hàng sẽ thẩm định và đưa ra mức cho vay phù hợp với tài sản đảm bảo của khách hàng.

Trên thị trường hiện nay, kể cả bạn thế chấp tài sản (như nhà cửa hoặc chính chiếc xe bạn mua) thì mức vay trả góp thường không vượt quá 70% giá trị chiếc xe với thời hạn tối đa thường là 60 tháng (5 năm). Khách hàng cần cẩn trọng tính toán tổng thể các loại phí ngoài phần vay trả góp đã thỏa thuận với ngân hàng. Các khoản phí khác mà khách hàng phải trả bao gồm đăng ký xe, chi phí thuế trước bạ, phí đăng kiểm, bảo hiểm xe, phí bảo hiểm với khoản vay ngân hàng, một số loại bảo hiểm khác (như hỏa hoạn, thủy kích…), một số loại phí khác mà ngân hàng quy định tùy thuộc vào tổng giá trị chiếc xe.

shutterstock_705521599

Bên cạnh đó, người mua xe cũng cần tính đến các loại phí khi sở hữu một chiếc ô tô như phí bảo trì đường bộ, phí gửi xe, phí bảo dưỡng,… Các loại phí này có thể tiêu tốn của bạn 7-10 triệu đồng/xe/tháng.

Ngoài ra, vấn đề bảo hiểm cũng có thể mang lại nhiều rắc rối cho khách hàng. Thông thường mỗi ngân hàng đều liên kết với các công ty bảo hiểm, do đó, bạn cần chọn ngân hàng có uy tín kèm theo đó là những công ty bảo hiểm có thế mạnh. Tốt nhất là nên sử dụng gói bảo hiểm (công ty bảo hiểm) do ngân hàng ủy thác giới thiệu vì nếu xảy ra những rủi ro tai nạn, việc làm thủ tục đối với ngân hàng và bảo hiểm đều được ưu tiên giải quyết hơn (đơn giản là ngân hàng lấy chiếc xe làm vật đảm bảo thì phải thúc giục bên bảo hiểm giải quyết nhanh các thủ tục).

Những vấn đề khách hàng dễ gặp phải nhất khi mua xe trả góp với những đại lý nhỏ, với nhân viên tư vấn không chuyên và thậm chí cả với những ngân hàng bậc trung là: lãi suất lớn cộng với số tiền phải trả ban đầu cho đại lý xe cao, thủ tục thẩm định kéo dài dẫn tới lâu được nhận xe, không được vay vốn do các điều kiện tài chính của khách hàng không đáp ứng được yêu cầu từ phía ngân hàng, lượng tiền mua bảo biểm (như bảo hiểm thân vỏ) lớn.

Kết luận

Lời khuyên từ Đẹp tới khách hàng có ý định mua xe trả góp là hãy cực kỳ thận trọng và suy nghĩ kỹ càng. Bạn chỉ nên vay trả góp khi nguồn thu nhập tài chính ổn định, cần tính toán số tiền chênh lệch, lãi suất trả góp, tuyệt đối không ký hợp đồng khi chưa rõ bất cứ điều khoản nào. Mua trả góp với lãi suất nào cũng là một hình thức vay tiền để tiêu dùng nên có những tính toán cẩn trọng để không gặp rủi ro về tài chính khi sẽ phải trả lãi suất cho khoản tiền vay đó và cả phí dịch vụ mua hàng trả góp.

shutterstock_1101994277

Kinh nghiệm “xương máu” khi mua xe trả góp:

– Cần đọc kỹ các điều khoản trong hợp đồng với ngân hàng, đặc biệt chú ý phần lãi suất, thời gian thay đổi lãi và công thức tính lãi suất khi thay đổi (thông thường các ngân hàng hay để chung chung là: lãi suất thay đổi 3 tháng 1 lần theo thông báo của ngân hàng trong từng thời kỳ). Tốt nhất nên để “lãi suất thay đổi 3 tháng 1 lần theo công thức: lãi suất tiết kiệm trả sau 12 tháng theo công bố của ngân hàng tại thời điểm thay đổi + biên đổi nhất định”. Các quy định phạt khi trả trước, trả chậm, chỗ nào chưa hiểu cần yêu cầu nhân viên ngân hàng giải thích rõ để thay đổi hoặc đàm phán lại.

– Chú ý các loại thuế, phí mà ngân hàng đưa ra, để ý việc ngân hàng sẽ giải ngân theo giấy hẹn hay theo đăng ký gốc của xe.

– Cần tìm những ngân hàng có thế mạnh trong việc cho vay trả góp mua xe ô tô (thủ tục giải quyết chuyên nghiệp và nhanh gọn hơn, lượng vay lớn, lãi suất ưu đãi hơn…).

– Cần lưu ý nguồn thu nhập hàng tháng ổn định của bản thân để chọn hình thức vay trả góp phù hợp, nếu có thể không nên vay quá 50% tổng giá trị chiếc xe mà bạn mong muốn sở hữu. Kèm theo đó là hàng tháng nên chủ động dành ra số tiền nhất định cộng với phần dự phòng khi lãi suất tăng để trả cho ngân hàng đúng hẹn, việc này không những giúp bạn tránh bị phạt vì trả chậm mà còn tạo “hồ sơ sạch đẹp” cho những lần vay sau (nếu có).

Thực hiện: depweb

07/07/2018, 21:00