Mùa Vu Lan – nhìn lại chính mình!

Trong kinh Phật, có đoạn nói dù ta trả bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp, cũng không thể nào trả hết được ơn hiếu của cha mẹ. Dù ta cõng mẹ cõng cha, làm vậy suốt 100 năm đến 100 tuổi, cũng chưa trả đủ ơn mẹ cha. “Nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dù tại đấy, mẹ cha có vãi đại tiện, tiểu tiện…” dù như vậy, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ Mẹ, và Cha!

Làm mẹ thật khó!

Mẹ ơi mẹ ở đâu? 10 năm và 281 vết đánh, cùng bao nhiêu vết thương đã thành chai sạn, cả vùng kín cũng không được tha. Tinh thần em hoảng loạn và có khả năng không được phát triển tâm lý như những đứa trẻ bình thường, đó là Bình. Hẳn mọi người còn nhớ tới vụ vợ chồng chủ quán phở (Thanh Xuân – Hà Nội) hành hạ và đánh đập người ở của mình. Nhìn tấm lưng trần chằng chịt vết thương, hỏi có ai không dâng lên một nỗi xót thương trong lòng. Tôi chợt nhớ đến mẹ Bình, nhớ đến nhân vật người mẹ Fantine – mẹ của cô bé Cosette (tiểu thuyết “Những người khốn khổ” – Victor Hugo) từng cắt mái tóc vàng óng, nhổ chiếc răng ngà ngọc, thậm chí, làm điếm, để lấy tiền nuôi con.

Mẹ của em Bình cũng kiếp phù du, vật vờ đây đó, không đủ điều kiện để nuôi con, nên đành chấp nhận đây là chốn nương tựa của con mình? Tôi không rõ mẹ Bình có xem đoạn phim quay cảnh con mình đang nức nở kể về sự hành hạ của ông bà chủ không? Lúc đó, bản năng của một người mẹ, không biết chị nghĩ gì.

Mẹ Bình cũng đã từng làm cho vợ chồng nhà chủ quán phở và từng bị đánh gẫy tay. "Cháu xin các cô các chú đừng nhắc đến mẹ cháu. Có lần mẹ cháu quay lại, cháu tưởng mẹ cháu đón cháu. Mẹ cháu bảo Tết sẽ về đón cháu, nhưng suốt gần 10 năm qua, cháu chưa hề gặp mẹ".

Khi phóng viên báo Tiền Phong hỏi Bình về mẹ, em đã lớn giọng, gắt gỏng, lắc đầu quầy quậy mà rằng thôi chú đừng nhắc đến mẹ cháu nữa. Rồi em khóc, khóc nức nở và hờn dỗi. Hẳn là em đang hờn dỗi mẹ, vì lời hứa của mẹ sẽ đến đón em đi, thoát khỏi cảnh đày đọa địa ngục, thoát khỏi bạo lực hàng ngày giáng xuống em. Nhưng mẹ ơi, mẹ làm gì, mà mãi không đến đón con. Khát khao được sống cùng mẹ cùng Bình, đã bị chính mẹ em dập tắt.

Con trẻ, làm sao hiểu được tại sao mẹ không cho mình ở cùng mẹ. Con trẻ, thấy đau lòng và trở nên “ghét” mẹ, vì mẹ đã bỏ mình, “mẹ cháu đã nói dối cháu, mẹ cháu đã lừa cháu!”. Chấp nhận một sự thật mẹ bỏ con, điều đó làm con trẻ đau lòng. Hoàn cảnh, và môi trường, lại thiếu thốn tình cảm khi khát khao về một gia đình chỉ mãi là ước mơ. Cho nên, nếu cuộc sống của Bình sau này không bình thường, cũng là điều dễ hiểu.

Thiện Nhân phải có trái tim của Chú lính chì dũng cảm

Đó là câu nói của một bạn đọc trên blog Chú lính chì dũng cảm (Thiện Nhân). Hai năm trước, mẹ đẻ ra em Thiện Nhân vứt em vào vườn khi mới sinh ra. Em bị súc vật ăn mất chân và bộ phận sinh dục. Số phận đã khiến Thiện Nhân có một sức sống mãnh liệt. Em có một bản năng sinh tồn kinh ngạc, sự thông minh và lanh lẹn của em, giống như sự bù trừ thiệt thòi.

Mới ngày nào Nhân về đây cả nhà đều lo lắng. Cháu không theo ai. Cháu không khóc. Cháu lặng lẽ đến lạ lùng. Một cậu bé 18 tháng tuổi mà im lặng đôi mắt sâu đầy mệt mỏi, đầy âu lo nhìn mọi vật, nhìn mọi người suy xét. Cho đến bây giờ cháu có biết không bà ngoại lúc nào cũng như thấy đôi mắt cháu, nhất là khi đêm yên tĩnh! 

Giờ đây, Thiện Nhân đang có một mái nhà ấm, với sự quan tâm no đủ. Không biết mẹ đẻ em Nhân là một người như thế nào, bởi nếu là người bình thường, chắc đã không hành động như vậy. Có thể cô không biết hành động vứt con vào vườn hoang đã gây hậu quả cho số phận một con người. Có trách hay không cũng là việc đã rồi. Vợ chồng chị Mai Anh – người đón cháu Thiện Nhân về chăm nuôi đã có hai con nhỏ. “Thiện Nhân, khi cha mẹ có ý định đón con về, đã nhận được lời khuyên chân thành là “Đừng bao giờ bắt đầu cho một việc không có kết thúc”. Cha mẹ đã bắt đầu, nhưng người làm nên kết thúc là con đấy. Cha mẹ cảm ơn con, Thiện Nhân, con đã đến với gia đình mình với sự thông minh và nhạy cảm sâu sắc, con đã đưa gia đình mình bước vào một cộng đồng của bao tấm lòng nhân ái mà trước đây cha mẹ không nhận thấy” (trích Blog CLCDC).

Chăm con đã khó, chăm một nhóc nhạy cảm, càng khó hơn. Chắc chắn, chặng đường phía trước đi cùng Nhân sẽ còn rất dài và nhiều vất vả. Bởi Nhân là một cậu bé nhạy cảm sớm ý thức được tình cảnh của mình. Và trên đời này, vẫn còn nhiều tấm lòng những bà mẹ, không có công sinh thành nhưng công dưỡng dục thì không gì kể xiết.

Làm con cũng khó!

Cảnh ngược đãi, bạo hành cha mẹ, không phải là hiếm có. Thời nay, bất cứ một tội ác nào cũng có thể xảy ra, bất kỳ một lòng tốt nào, cũng có thể bị nghi ngờ. Đó là đặc điểm của thời nay. Ông con giai N.X.T đã trở thành người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam kiện mẹ ra tòa để đòi tiền công nuôi dưỡng mẹ suốt 8 năm với số tiền 150 triệu đồng (50 nghìn/ngày). Bà mẹ 75 tuổi, trong tình trạng “gió lay, mẹ rụng” thều thào xin Hội đồng xét xử trong tiếng nấc nghẹn “Xin tòa bảo nó trả phần đất mồ mả tổ tiên để tôi được chăm sóc thờ cúng cho trọn đạo làm người”.

Theo phóng viên báo Pháp luật, ông T. hùng hồn: “Ai bảo bà ấy bảo tôi là bất hiếu, thì tôi phải đòi tiền cho bằng được!”. Xưng hô với mẹ là mày – tao – nhổ nước bọt vào mẹ… tất cả, trăm sự vì cái sự tham sân si của nả thừa kế mà sinh mâu thuẫn. Ông T. hẳn là cần quái gì biết thời xửa có một ông vì muốn người mẹ của mình vui mà đã mặc đủ thứ quần áo, múa mua vui cho mẹ bởi chữ Hiếu. Chắc ông cũng biết rằng làm gì có cái gọi là địa ngục dành cho những kẻ bất hiếu, mà chết rồi, làm sao biết được đau được đớn!

Tòa án đã bác bỏ đơn kiện của ông con giai này, và cái gọi là tòa án lương tâm, chắc cũng chả mấy tác dụng đối với người chứng minh cho câu ca dao: “Mẹ nuôi con bằng trời bằng bể/Con nuôi mẹ con kể từng ngày”.

Ai trong chúng ta cũng đều có mẹ. Rất nhiều người ngượng và xấu hổ với bạn bè, khi thấy mẹ mình không giống như mình mong muốn. Đôi khi chúng ta vô tình thờ ơ với sự nuông chiều của mẹ, bởi với mẹ là nhẫn, là nhịn, là bao dung, trìu mến, là hy sinh. Làm con, đôi khi chúng ta lỡ coi thường những lời dạy dỗ của mẹ.

   
 "Bất cứ nơi nào, một sinh linh bé nhỏ cũng là niềm vui".  


Làm người khó hơn!

Trong kinh Phật có nói về sự ra đời của con người: Được làm người, khó như một con rùa chột mắt. Con rùa ấy, một trăm năm mới ngóc đầu lên khỏi mặt biển một lần. Nó tìm cách chui đầu vào lỗ nhỏ của một khúc gỗ trôi lềnh bềnh trên mặt nước. Và gió Đông, gió Tây, gió Nam, gió Bắc thổi trôi dạt hết phương này đến phương khác. Hình ảnh con rùa chột mắt với cơ hội làm người đủ thấy con người là đã là một chuyện cực kỳ khó. Khi ta sinh ra đời, tiếng khóc của ta là một dấu hiệu báo trước cuộc đời có nhiều nỗi đau. Chẳng ai chọn được cha được mẹ, chẳng ai chọn được nơi giầu nơi nghèo để “chui ra”.

Đàn bà, cửa sinh là cửa tử, nên sinh được một người, là cả một kỳ tích rồi. Có những người được thiên phúc làm mẹ làm cha, có những người con hạnh phúc đủ đầy mẹ cha. Và xin hãy biết trân trọng những gì mình đang có, biết yêu thương và quan tâm từ đáy lòng chân thành. Làm sao đừng để guồng quay cuộc sống, đừng để tiền bạc danh vọng, địa vị, đừng để sự vô cảm thờ ơ chen vào cuộc sống gia đình.

Mùa Vu Lan, vào rằm tháng Bảy, không phải ngẫu nhiên trùng với tiết trời mưa sụt sùi, gió bão, mùa của sự hiu hắt thê lương, mùa của những vong linh cô hồn được hưởng một ngày tưởng nhớ, được ăn uống thỏa thuê.

Mùa Vu Lan, cũng là mùa của con báo hiếu cha mẹ, mùa của sự nhìn nhận gia đình mình, và chính mình, đã sống đời gia đình như thế nào!


Thực hiện: Tuệ Thư – Ảnh: Passion, Sơn TT


From the same category