Mua vải là… yêu nước

Từng vựa vải đỏ chín hối hả được thu hái, cuống quít đem bán rẻ như cho. Trong khi đó, quả vải Việt Nam thơm ngon mọng nước là thứ trái cây đặc sản mà người nhớ quê xa xứ phải kiếm tìm đỏ mắt  hoặc mua với giá vài trăm ngàn đồngViệt mỗi kilogam. Vải được bày bán ở các chợ, siêu thị trên nhiều nước lớn không phải chỉ có giống vải Việt Nam, hoặc có khi là vải Việt thật đấy, nhưng “được” gắn mác “Made in đâu đó” thì mới có cơ hội tới với EU, Hoa Kỳ hay Nhật Bản.  

Thương lái trong nước thì ép giá kiếm lời, thương lái Trung Quốc thì “giúp” người nông dân Việt xuất khẩu vải sang các nước khác với mức giá cao gấp hàng trăm lần giá gốc. Chỉ có những người nông dân Việt trăm đắng ngàn cay, chăm bón vun xới cả năm rồi đến vụ ào ào thu hoạch, hớt hải nhìn những sọt vải nặng trĩu được đổi lấy vài chục ngàn bạc lẻ, hoặc héo úa tóp teo chỉ sau một buổi chiều nắng gắt!


Status kêu gọi mọi người mua vải thiều ủng hộ người nông dân của Xuân Lan nhận được rất nhiều sự ủng hộ và đã có hơn 1000  lượt chia sẻ của cộng đồng facebook

Đọc bài viết “Vải chín đỏ đồi, người trồng đỏ mắt” trên VietNamNet hôm nay mà mình thấy sống mũi cay xè các bạn ạ! Thương những người nông dân thật thà, hiền hậu, chất phác, dễ tin của đồng bào mình quá!

Tôi luôn thắc mắc, tại sao Việt Nam chúng ta – một đất nước có quá nhiều thế mạnh về sản xuất nông nghiệp nhưng luôn “túng bấn” ở khâu đầu ra cho sản phẩm. “Vải gây tắc đường” không phải cảnh tượng hiếm hoi chỉ năm nay mới có. Và không chỉ quả vải, nhiều thứ trái cây đặc sản khác cũng trầy trật tương tự. Bao mùa người dân trồng dưa hấu khóc thảm vì không ai thu mua, trồng dâu không ai muốn bán vì giá rẻ mạt, rồi đến nhãn, vải… Người nông dân quanh năm gắn bó với miệt vườn, mấy ai có thể vừa trồng cây, vừa làm doanh nghiệp, lo đầu ra cho cây trái nhà mình? Có tư thương để mắt đồng ý thu mua đã là một may mắn. Đến bao giờ họ mới thoát khỏi những mối lo luẩn quẩn?


Siêu mẫu Xuân Lan và con gái – bé Thỏ

Đất nước chúng ta còn nghèo, chủ yếu phát triển về nông nghiệp. Mà nông sản trong nước không được dân trong nước ủng hộ thì làm sao phát triển được đây?
Tôi và các bạn, chúng ta làm được gì bây giờ nhỉ? Ngay bây giờ và trong tháng 6 này, bạn nhớ mua vải về ăn để ủng hộ người nông dân Việt nhé. Ăn không hết có thể bảo quản giữ trong tủ đá rồi chế biến các món tráng miệng thật thơm ngon cho gia đình. Đơn giản thế thôi các bạn ạ – đoàn kết, theo tôi không phải một khẩu hiệu đao to búa lớn, mà là một sự cảm thông, chia sẻ, chung sức đồng lòng – nhường cơm sẻ áo.
Và tôi mong lắm, một khi được người tiêu dùng trong nước ủng hộ, thì chính người nông dân cũng sẽ quay lại với lề lối cũ: trồng cây trái an toàn để bảo vệ chính mình và dân tộc mình. 
Đọc xong bài viết này của tôi, bạn thấy những người bán hàng rong đang mướt mải mồ hôi thồ vải trên xe đạp, hay đứng phe phẩy nón quạt giữa trời nắng chang chang, hãy dừng chân lại ít phút và mua về một vài ký vải, bạn nhé!
Siêu mẫu Xuân Lan

logo

Tác giả “Thi nhân Việt Nam” từng nói: “Trong mỗi chúng ta đều có một người nhà quê”. Bạn có nghĩ, thời facebook, “trong mỗi chúng ta (cũng) đều có một… nhà báo”, một nhà “phản biện xã hội”? Nữa là, với một “người của công chúng”, mà ảnh hưởng của họ, trong mỗi phản biện, phát ngôn, nhiều khi còn có sức “công phá” hơn một bài báo “chính hiệu”?

Đẹp xin mời bạn đến với “SAO LÀM BÁO”, để được nhìn thấy những “nhà báo” trong mỗi “ngôi sao”, đồng thời xin mời những người của công chúng nói lên tiếng nói của mình, bằng trách nhiệm công dâncủa một người nghệ sỹ, trước những vấn đề không – của – riêng – ai.

 

>>Mời các bạn xem thêm – Mẹo bảo quản vải thiều để ăn quanh năm:
Chọn và bảo quản vải thế nào để mỗi khi chợt nhớ đến hương vị thơm ngon của trái vải, bạn không cần phải chờ đến mùa hè năm sau nữa mà có thể thưởng thức bất cứ khi nào bạn muốn?


From the same category