“Mùa thu đen" của đồng Euro - Tạp chí Đẹp

“Mùa thu đen” của đồng Euro

Tin Tức

Trong hai năm qua, châu Âu đã nhảy từ “chiến thắng” này sang “chiến thắng” khác cho đến thất bại kế tiếp và đằng sau vẻ yên tĩnh của mùa hè này, các thị trường tiếp tục đào sâu nghi ngờ về khả năng tồn tại của đồng tiền chung. Một số dấu hiệu còn cho thấy châu Âu sắp thua một trận chiến chính trị thực sự quyết định tương lai của nó.

Đầu tháng 8.2012, trong một cuộc phỏng vấn của tờ Der Spiegel, Thủ tướng Italy Mario Monti tổng kết: “Những căng thẳng trong khu vực euro trong vài năm qua đã phơi bày những dấu hiệu tan rã EU về mặt tâm lý… Nếu đồng euro trở thành một yếu tố trong sự sụp đổ của EU, nền tảng của dự án châu Âu sẽ bị hủy hoại.”

 

Các sự kiện đã chứng tỏ Monti đúng, rằng không chỉ các thị trường nghi ngờ khả năng sống còn của đồng euro, mà không khí ngờ vực và chia rẽ đã lan rộng giữa các đảng phái, trong phạm vi một nước, giữa các nước khác miền.

Ngoại trưởng Phần Lan công khai thừa nhận rằng chính phủ của ông có kế hoạch chuẩn bị cho khả năng bất ngờ sụp đổ liên minh tiền tệ. Người ta không để ý việc chính phủ Helsinki nhanh chóng phủ nhận phát biểu của ngoại trưởng và cam đoan rằng đó không phải là chính sách nhà nước, bởi vì điều gây tranh cãi ở Phần Lan bây giờ là liệu có nên rời khỏi đồng euro hay không.

Một số nhân vật nổi bật trong hai đảng bảo thủ chính ở Đức CDU-CSU bày tỏ sự phẫn nộ đối với câu hỏi đơn giản của chủ tịch EU Jean-Claude Juncker: “Liệu khu vực euro có khác nào một chi nhánh của Cộng hòa Liên bang?”, hàm ý phần trách nhiệm của Đức trong khủng hoảng euro. Và nhìn qua các tựa đề trên báo chí Đức gần đây, có thể thấy truyền thông Đức có vẻ trông đợi một “Thủ tướng Thép”, để chống chọi với Hy Lạp đang đòi thêm thời gian, để đương đầu với ECB vốn tìm cách bơm tiền cho những nước vỡ nợ, và đương đầu với nước Pháp vốn có ý định bảo đảm phúc lợi cho người hưu trí dựa vào người đóng thuế ở Đức.

Không khí chính trị không quá khác biệt ở các nước Bắc Âu, trong khi câu hỏi thường được miền Nam đặt ra là các biện pháp thắt chặt có thể kéo dài bao lâu mà không phá hủy ý tưởng đoàn kết EU hay chính sách cứu giúp “tủi nhục” có thể kéo dài bao lâu cho dù họ vẫn sẵn lòng chấp nhận.

Hai hy vọng

Giới chức cao cấp nhất ở Brussels đang bám vào hai hy vọng để đối mặt với rủi ro tan rã chính trị châu Âu. Hy vọng thứ nhất là thủ tướng Đức Angela Merkel. Phần lớn mọi người tin rằng thủ tướng Đức tận lòng cứu euro, bởi vì cứu euro còn vì lợi ích của Đức. Nhưng điều còn nghi ngờ là liệu thủ tướng Đức có thể thành công khi kết hợp hai mục tiêu xem ra cũng là động lực của bà – cứu đồng euro và ngăn cản một đảng quốc gia cánh hữu trỗi dậy ở Đức, như từng xảy ra ở Phần Lan và Hà Lan?

IMF giữ một lập trường dứt khoát trong các thương lượng. Các phái viên IMF cảm thấy nợ của Hy Lạp không bền vững và đang đe dọa rút hoàn toàn khỏi kế hoạch viện trợ. Biện pháp duy nhất là dành cho các nhà cho vay, nhất là ECB, xóa một phần nợ của Hy Lạp. Chính phủ Đức đối mặt với một bài toán khó. Thủ tướng Angela Merkel yêu cầu sự tham gia của IMF là một điều kiện cho bất cứ gói cứu giúp nào dành cho Hy Lạp, nhưng nếu các nhà cho vay khu vực công đồng ý giảm nợ, Đức sẽ phải chi nhiều tỉ euro.

Đối với Merkel, không vấn đề gì nếu phải có gói cứu giúp thứ ba hay gia hạn kế hoạch hiện tại thêm hai năm, tuy cả hai chọn lựa sẽ tốn thêm tiền. Điều mà Merkel lo sợ là các thành viên khác trong đảng Liên minh Dân chủ Thiên Chúa giáo và hai đảng đối tác là Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) và Dân chủ Tư do (FDP) sẽ từ chối ủng hộ trong quốc hội Đức. Một số nhà quan sát cho rằng Merkel là bậc thầy trong nghệ thuật len lỏi trên con đường nhỏ hẹp này, trong khi những người khác cho rằng thái độ của người Đức đã hạn chế vị thế của thủ tướng và sẽ phải chờ đến các cuộc bầu cử tháng 9 ở Đức và một “liên minh lớn” để thủ tướng Merkel có cơ hội làm điều cần làm.

Hy vọng thứ hai chủ yếu là vấn đề chính trị, mà tất cả các chính phủ trong khối euro phải đối mặt: nếu không có đồng euro, cái gì sẽ thay thế?

Kịch bản rút khỏi euro của Hy Lạp đang lờ mờ hiện ra. Những bộ phận chuyên môn khắp khu vực euro đang cố gắng đoán điều gì sẽ xảy ra sau đó. Có một bộ phận như thế tại ECB, một tại Bundesbank (ngân hàng trung ương Đức), và một tại bộ tài chính Đức. Cả ba nơi đều đi đến cùng một kết luận: không ai thực sự biết rõ tác động đến kinh tế và thị trường lao động. Không ai biết liệu kinh tế toàn cầu sẽ rơi xuống vực, hay liệu Hy Lạp, liên minh tiền tệ châu Âu và phần còn lại của thế giới có nhanh chóng hồi phục từ cú sốc này.

Điều làm cho tháng 9 trở nên kịch tính đến thế trong giải quyết khủng hoảng, đó là không thể biết vào thời điểm nào mà châu Âu phải quyết định giải tán để quay sang hướng ngược lại. Nói cách khác, sự kiện nào sẽ đánh dấu một bước ngoặt trong khủng hoảng châu Âu: một phán quyết của Tòa án Hiến Pháp Đức vào ngày 12.9 nhằm tán thành hay phản đối Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM)? Kết quả bầu cử Hà Lan trong cùng ngày? Hay một sự kiện nào khác? Không ai biết. Và đó là rủi ro lớn nhất mà châu Âu đang đối mặt.

Theo SGTT

Thực hiện: depweb

29/08/2012, 07:09