Việc trang điểm thường xuyên nhưng không biết cách chăm sóc kỹ càng sau đó dễ khiến da “tắt thở”, nổi mụn li ti, sạm màu và thậm chí là hình thành nếp nhăn.
Trong thế giới sắc đẹp, trang điểm luôn đóng vai trò trung tâm. Trang điểm giúp bạn che giấu những khuyết điểm và phô bày những khía cạnh mà bạn tự tin. Nhưng đằng sau sự kỳ diệu của lớp kem nền và phấn lót, liệu làn da của chúng ta có hưởng lợi gì từ việc trang điểm hay thậm chí phải chịu bất kỳ tác động không mong muốn nào?
Không ít những câu hỏi nổi lên xoay quanh vấn đề trang điểm có gây hại cho da, đặc biệt là trong dịp năm mới Tết đến, những buổi tụ tập, tiệc tùng liên miên khiến các cô gái phải trang điểm hầu như mỗi ngày. Câu trả lời dành cho câu hỏi này là: lớp trang điểm không thực sự gây hại cho làn da của bạn, nhưng hậu quả sẽ thực sự xảy ra nếu bạn không tẩy trang đúng cách hoặc không áp dụng chế độ chăm sóc da phù hợp sau đó.
Các thành phần gây tắc nghẽn
Một trong những nỗi lo sợ phổ biến nhất là việc sử dụng mỹ phẩm trang điểm liên tục sẽ khiến da nổi mụn. Thực chất, điều này hoàn toàn có căn cứ bởi lớp trang điểm dày kết hợp với khói bụi, bã nhờn bao phủ lấy bề mặt da trong thời gian dài rất dễ khiến lỗ chân lông trên da bị bí tắc – nguyên nhân lớn nhất gây ra tình trạng mụn. Các sản phẩm chứa thành phần dưỡng ẩm như dầu khoáng và dầu dừa hay có kết cấu dày, đặc sánh dễ gây ra tình trạng lỗ chân lông bí tắc. Thành phần màu nhuộm trong phấn má hồng hay phấn mắt cũng sẽ khiến những làn da nhạy cảm hay dễ bị mụn trứng cá trở nên trầm trọng hơn.
Làm sạch không kỹ
Không phải chỉ riêng bản thân các sản phẩm trang điểm gây ra tổn thương cho da mà còn là bởi thói quen làm sạch da chưa đúng cách sau đó. Bước tẩy trang kỹ lưỡng, đặc biệt là trước khi đi ngủ, rất quan trọng để duy trì làn da khỏe mạnh và thông thoáng. Trong khi ngủ, các hormone có công dụng chữa lành và kích thích tốc độ tái tạo và sửa chữa tế bào nhanh hơn tăng lên. Do đó, đi ngủ với lớp trang điểm có thể cản trở quá trình tái tạo da theo nhiều cách. Ngoài ra, việc để nguyên lớp trang điểm trên mắt có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt và làm tổn thương vùng da mỏng manh quanh mắt.
Không vệ sinh dụng cụ trang điểm
Chiếc cọ má hồng, bông mút tán phấn… những công cụ trang điểm mà bạn sử dụng trên da mặt hàng ngày cũng rất có thể là nguồn cơn khiến da nổi mụn. Đây là nơi mà các loại vi khuẩn, bụi bẩn dễ dàng bám vào, từ đó lây lan sang da mặt trong khi bạn trang điểm. Nếu những dụng cụ này không được vệ sinh thường xuyên, ít nhất 2 lần một tuần, chúng sẽ trở thành nguyên nhân chính khiến da bị kích ứng, nhạy cảm và trở nên xấu đi rõ rệt.
Và không chỉ các dụng cụ trang điểm cần được vệ sinh và thay mới thường xuyên mà đồ trang điểm của bạn cũng cần phải được đảm bảo rằng vẫn còn hạn sử dụng và được bảo quản phù hợp. Mỹ phẩm ngay khi mở ra sẽ bắt đầu tiếp xúc với không khí môi trường và biến đổi về công thức, kết cấu. Do đó, hạn sử dụng mà thương hiệu in trên bao bì là cột mốc quan trọng giúp chúng ta đảm bảo rằng những thứ ta sử dụng trên da vẫn được đảm bảo về chất lượng.
Chìa khóa để duy trì làn da khỏe mạnh, mịn màng khi phải trang điểm thường xuyên là thói quen làm sạch và chăm sóc khoa học. Hãy thiết lập thói quen chăm sóc da vừa đủ, chú trọng các bước làm sạch, dưỡng ẩm và bảo vệ da bằng kem lót để hạn chế các tác động tiêu cực gây ra bởi lớp trang điểm mỗi ngày.
Tẩy trang đúng cách
Làm sạch hai lần – loại bỏ lớp trang điểm bằng nước micellar hoặc dầu rồi rửa sạch lại bằng sữa rửa mặt – là phương pháp làm sạch da hiệu quả, giúp bạn gột rửa hoàn toàn cặn trang điểm, bã nhờn trên da. Hãy lựa chọn sử dụng các sản phẩm lành tính và phù hợp với từng loại da.
Nước tẩy trang micellar dịu nhẹ và sữa rửa mặt dạng gel có độ pH trung bình khoảng 5.5-6 sẽ là “chân ái” dành cho làn da nhạy cảm, có mụn và dễ kích ứng. Ngoài ra, bước tẩy da chết cũng rất quan trọng trong việc giúp loại bỏ tế bào da chết, lớp sừng già và cải thiện kết cấu da. Tuy nhiên, bạn cũng không nên tẩy tế bào chết quá thường xuyên vì nó có thể làm hỏng hàng rào bảo vệ da, tần suất lý tưởng nhất là 2-3 lần/tuần.
Dưỡng ẩm
Độ ẩm là điều kiện cần và đủ để tạo nên nên nền da khỏe mạnh, mịn mướt và có khả năng chống chọi với các tác nhân từ môi trường. Không chỉ riêng với chu trình dưỡng da ban đêm mà trước khi trang điểm, bước dưỡng ẩm cũng rất cần thiết để tạo nên nền da ẩm mượt, khỏe mạnh. Với nàng da dầu, tốt nhất, bạn nên chọn loại dưỡng ẩm ở dạng sữa nhẹ, thiên về cấp nước. Ngược lại, kết cấu dạng gel hoặc lotion lỏng thẩm thấu nhanh sẽ không đủ để duy trì độ ẩm lâu dài cho làn da khô, do đó, các sản phẩm dạng cream sẽ mang lại hiệu quả tối ưu hơn cả.
Thoa kem lót
Đối với da thường xuyên trang điểm, nếu chỉ đơn thuần thoa kem dưỡng và dùng lớp dưỡng thay thế cho lớp lót, da sẽ khó tránh khỏi những tác hại từ mỹ phẩm trang điểm. Lọ kem dưỡng lúc này sẽ cần có thêm một “trợ thủ đắc lực” chính là kem lót. Lớp kem lót đảm nhận nhiệm vụ tạo lớp màng bảo vệ ngăn giữa da và phấn, giúp chăm sóc da trang điểm một cách toàn diện nhất. Trên thị trường, các sản phẩm kem lót hiện nay đã được tích hợp khá nhiều công dụng như chống nắng, dưỡng ẩm, làm mịn, làm mờ lỗ chân lông, kháng nước…, đáp ứng đa dạng nhu cầu của các tín đồ làm đẹp.