Mùa sum vầy

Bên mâm cơm, cả nhà rôm rả nhắc lại chuyện chơi trăng của những ngày xưa, nhớ mùi bánh nướng bánh dẻo thơm nức mà lũ trẻ chúng tôi phải đợi suốt cả năm đến đúng ngày rằm tháng Tám mới được ăn, hay con chó bưởi mẹ làm mà hai chị em tiếc hùi hụi, chỉ để ngắm.

Dưới ánh trăng, ngắm nụ cười bao dung của bố cùng ánh mắt yêu thương của mẹ, với tôi, Tết Trung thu là những khoảnh khắc bình dị như thế…

Trong mùa trăng này, tôi giới thiệu đến bạn ba món ăn yêu thích mẹ tôi thường hay nấu: nộm mỳ rau củ mang sắc màu hạnh phúc, cơm bò xốt nấm hạt sen tượng trưng cho sự no ấm, đủ đầy, và bánh dẻo trà xanh ngọt ngào như tình yêu của mẹ.

Hi vọng những món ăn này sẽ là “chiếc vé” để bạn trở về tuổi thơ, sum vầy bên gia đình trong mùa trăng tháng Tám, bạn nhé!

Nộm mỳ rau củ
Thời gian: 35 phút  
Số lượng: 4 phần ăn

 Nguyên liệu
+ 2 vắt mỳ trứng
+ 50gr cà rốt
+ 50gr bắp cải tím
+ 50gr dưa chuột
+ 40gr ớt chuông vàng
+ 1 bìa đậu hũ rán
+ 10gr vừng trắng (đã rang)
+ 3 thìa canh giấm
+ 1 thìa canh đường trắng
+ 10 thìa canh xì dầu
+ ½ thìa canh dầu vừng (dầu mè)
+ 10gr tỏi

Thực hiện
–  Tỏi băm nhuyễn.
–  Mỳ luộc chín, để ráo.
– Cà rốt, bắp cải, dưa chuột, ớt chuông rửa sạch, để ráo, thái sợi dài và mỏng. Đậu hũ thái sợi dài và mỏng.
– Trong một bát con, cho tỏi vào, thêm giấm, đường, khuấy đều cho đường tan, tiếp đến cho xì dầu và dầu vừng vào, khuấy đều.
–  Trút mỳ ra đĩa lớn, cho rau củ và đậu hũ đã thái mỏng vào, rưới hỗn hợp nước tương, trộn đều.
–  Rắc vừng.

Tips
–  Cho một chút dầu ăn vào nước luộc mỳ giúp sợi mỳ bóng đẹp và không bị dính.
–  Luộc mỳ xong, trộn với một ít dầu ăn cho sợi mỳ tơi, không bện dính.
–  Nên ăn ngay sau khi trộn.

Bánh dẻo trà xanh nhân đậu xanh sô cô la
Thời gian: 3 tiếng
Số lượng: 10 chiếc (100gr/chiếc)

Nguyên liệu
Nhân bánh
+ 100gr đậu xanh đã đãi vỏ
+ 30gr sô cô la đen
+ 30gr đường
+ 25gr dầu dừa
+ 5gr bột ngô

Vỏ bánh
+ 300gr bột nếp rang
+ 125gr đường trắng
+ 375ml nước sôi
+ 5 thìa cà phê bột trà xanh
+ 50gr dầu dừa

 Thực hiện
Nhân bánh
– Cho đậu vào nồi, đổ nước ấm xăm xắp mặt đậu. Ngâm đậu trong khoảng nửa tiếng, sau đó thêm đường, khuấy nhẹ, nấu lửa vừa. Đậu sôi, hớt bọt, giảm nhỏ lửa, tiếp tục đun đến khi đậu chín mềm. Để đậu nguội rồi xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố, hoặc tán nhuyễn bằng thìa.

– Cho sô cô la vào một bát con, quay trong lò vi sóng ở mức thấp nhất trong khoảng 1 phút rưỡi đến 2 phút để sô cô la tan chảy.

– Hòa bột ngô trong khoảng 20ml nước.

– Trút đậu đã xay nhuyễn vào chảo, thêm sô cô la tan chảy và dầu dừa, sên lửa vừa. Đến khi sô cô la và dầu quện đều vào đậu, thêm bột ngô đã hòa tan trong nước vào, tiếp tục sên nhỏ lửa đến khi nhân thành một hỗn hợp mềm dẻo, khô và đủ độ kết dính thì tắt bếp. Thử bằng cách vo nhân thành viên nhỏ hình tròn, đặt trên mặt phẳng, nếu không bị chảy là được.

– Để hỗn hợp đậu nguội. Dùng cân chia nhân thành từng phần nhỏ đều nhau. Mỗi phần 25gr. Vo nhân thành những viên tròn, đặt riêng sang một bên.

Vỏ bánh
– Cho đường vào âu trộn, đổ nước sôi, khuấy tan đường, để nguội. Tiếp đó, cho bột trà xanh vào, tán đều rồi đổ dầu dừa vào, khuấy đều.
– Chia nhỏ lượng bột nếp, từ từ đổ vào hỗn hợp nước đường. Vừa đổ vừa trộn đều tay đến khi tạo thành một khối bột dẻo.
– Rắc một lớp bột nếp lên mặt phẳng (mặt bàn hoặc thớt), nhồi khối bột trong khoảng 10 – 15 phút đến khi bột có độ dai nhưng vẫn mềm. Không nên nhồi quá kỹ làm bột cứng và tăng độ đàn hồi, khó tạo hình.
– Dùng cân chia bột thành từng phần nhỏ đều nhau. Mỗi phần 75gr. Vo bột thành những viên tròn.

Tạo hình
– Dùng cọ phết một lớp dầu mỏng quanh khuôn để dễ lấy bánh ra sau khi đóng.
– Ấn dẹt viên bột làm vỏ bánh, cho nhân vào chính giữa, dính mép vỏ bánh sao cho vỏ bánh ôm đều quanh nhân. Vo bánh thành viên tròn. Cho vào khuôn, đóng thành những chiếc bánh vuông vức
đẹp mắt.

Tips
– Khi nấu đậu xanh, nếu nước cạn trước khi đậu chín thì cho thêm nước nhưng chỉ cho lượng vừa phải để đậu nhanh rút bớt nước khi sên.

– Bạn nên chuẩn bị phần nhân bánh trước. Có thể dùng khăn hoặc màng bọc thực phẩm phủ kín để nhân không bị khô. Nhân bánh bọc kín để tủ lạnh có thể giữ được 1-2 ngày.

–  Khi vo vỏ bánh, xoa một lớp bột áo lên hai lòng bàn tay để bột khỏi dính.

Cơm xốt bò nấm hạt sen
Thời gian: 45 phút
Số lượng: 4 phần ăn

 

Nguyên liệu
+ 3 bát cơm nguội
+ 50gr hạt sen tươi đã bóc vỏ, bỏ tâm
+ 200gr thịt bò
+ 1 quả trứng
+ 100gr súp lơ
+ 100gr nấm rơm
+ 2 tép tỏi
+ 2 củ hành tím
+ 10gr bột ngô
+ 1½ thìa cà phê muối
+ 2 thìa canh xì dầu
+ ¼ thìa cà phê mì chính
+ 4 thìa canh dầu ăn

Thực hiện
– Thịt bò thái lát mỏng. Ướp thịt với xì dầu và mì chính trong khoảng 20 phút. 

– Tỏi và hành tím đập giập. Nấm rơm bổ đôi. Súp lơ thái miếng vừa ăn.

– Hòa tan bột ngô với một ít nước nguội.

– Cho 2 thìa canh dầu ăn vào chảo cùng ½ phần hành tỏi đã đập giập, cho cơm nguội vào, đảo đều tay. Đến khi hạt cơm hơi khô, đập trứng vào. Đánh tan lòng đỏ trứng, đảo đều sao cho trứng bám dính quanh hạt cơm. Nêm 1/2 thìa cà phê muối, tiếp tục đảo đều sau đó tắt bếp.

–  Cho 2 thìa canh dầu ăn vào một chiếc chảo khác cùng phần hành tỏi còn lại. Lần lượt cho hạt sen, súp lơ, thịt bò và nấm vào. Thêm chút nước, đun sôi. Nêm 1 thìa cà phê muối. Cuối cùng cho bột ngô đã hòa tan trong nước vào chảo, tiếp tục đảo đều đến khi hỗn hợp sệt lại thành xốt thì tắt bếp.

– Bày cơm ra đĩa, rưới xốt lên trên, rắc tiêu.

  

Bài & ảnh: Nhà Có Hai Người

logo 


From the same category