Phải là mùa hè, mùa mà thanh âm của tiếng ve làm buổi chiều thêm rạo rực, nắng nồng nàn làm sắc tím nhàn nhạt của bằng lăng thêm ửng hồng, và phượng từ lúc nào vẫn chung thủy một màu đỏ mặn mà, da diết lúc ấy dư vị những bát canh mà nội thường làm lại trở về ám ảnh tôi. Những bát canh dịu dàng, mang cái trong lành của nước, và mát mẻ của gió. Những bát canh xua đi nóng, bức rồi làm phai mờ dần khí trời khô hạn, nóng bức.
Mỗi buổi chiều, khi nhìn những làn khói trắng mỏng manh tỏa lan phía bếp, chị em tôi lại tò mò đoán xem nội sẽ “thết đãi” lũ cháu nhỏ món gì? Cá rô kho khế ngòn ngọt chua chua, hay tép rang với lá quất thơm lừng, thêm vào bát canh giắt dìu dịu là đủ để chúng tôi từ giã những cánh diều đang no gió, những củ khoai nướng chưa kịp chín, nhanh chóng về nhà giúp nội xếp mâm.
Bây giờ, dù đèn điện đã giăng mắc làng trên xóm dưới, nhưng nội vẫn giữ thói quen trải chiếu ăn cơm trước hiên nhà. Không gian bữa cơm mở rộng ra; mùi của cây, của lá trong vườn như thứ gia vị yên lành, bình dị được nêm vào món ăn. Vẫn là những thứ thức ăn nền nã ấy đặt trong phòng bếp sáng choang ánh điện, hương vị bỗng như nhạt đi.
Mỗi món ăn chỉ thực sự tỏa hết huơng thơm và mùi vị khi được đặt trong không gian riêng thuộc về nó. Chính những bữa cơm chiều nơi hiên nhà với ngan ngát cỏ cây, hoa lá đã “dạy” tôi nguyên vẹn điều đó.
Vườn nhiều loại cây, nhưng nội luôn ưu ái và dành tình cảm đặc biệt cho mấy cây chanh be bé nhưng lúc nào cũng lúc lắc quả ở góc vườn. Nội không chỉ dùng quả để pha những cốc nước mát rượi, mà còn lựa những chiếc lá xanh non, mỡ màng để bát canh mang mùi vị đặc biệt.
Lá chanh xắt mỏng sợi cho vào nước luộc hến, giắt hay ngao để bát canh thêm trong lành, mát dịu. Những con cua, con hến gần gũi, những con ngao, con giắt quen thuộc bỗng mang một thứ sắc màu, giai điệu khác nhờ vào vài chiếc lá chanh non. Thay đổi một gia vị đủ khơi gợi những niềm cảm hứng mới với lũ cháu nhỏ luôn ham chơi, đó là cách mà nội đã chinh phục chúng tôi suốt thời thơ ấu.
Ngay cả món nước chè xanh, nội cũng làm cho nó mang cá tính riêng, không trộn lẫn, để đến bây giờ thi thoảng trở về quê tôi vẫn háo hức uống từng ngụm, từng ngụm… với bao nhiêu nỗi niềm thương và nhớ.
Chỉ cần cho thêm một vài lát gừng và lượng đường vừa phải bát nước chè xanh thì cái mùi vị quen thuộc thuở nào bỗng chốc trở nên đậm đà. Và cảm giác ngọt mát đọng mãi trên đầu lưỡi khi vị ấm nóng của gừng lan tỏa trong cái hiền lành, có phần dễ tính của chè xanh và ngòn ngọt của đường đem lại. Thức uống bình dị ấy giúp chị em tôi đi qua suốt bao mùa hè thời nhỏ dại mà không vướng bận một con rôm ửng đỏ nào.
Nội có nhiều cách để bát canh luôn hấp dẫn. Những bí quyết ấy nhỏ thôi nhưng đòi hỏi nhiều sự tận tâm, chăm chút. Khi cây chanh chưa kịp trổ những lá non, chị em tôi biết ý, thế nào cũng ra vườn lựa những chiếc lá lốt đẹp nhất về. Nhìn những chiếc lá xanh ươm không tì vết, nội cười xòa.
Để có bát canh ngon, lá được chọn phải khoác vẻ sần sùi và già cả. Những chiếc lá lốt non chưa kịp có mùi hương thơm ngái đặc trưng. Phải qua mưa và gió, qua giao chuyển ngày và đêm, cái vị khó quên ấy mới ngấm dần, thấm sâu trong từng thớ lá. “Không phải thứ gì đẹp cũng ngon”, nội vừa chép miệng giải thích vừa sắp lá gọn ghẽ rồi thái nhỏ. Nếu lá chanh chỉ được cho vào bát canh như gia vị để điểm xuyết thì lá lốt ngược lại, phải cho nhiều.
Vị nồng của lá khi cho vào nước luộc giắt bỗng dịu lại, nhẹ đi và thoang thoảng mùi thơm thanh dịu. Chị em tôi vừa ăn, vừa bảo nhau lần sau nhớ chọn những chiếc lá lốt già. Nhưng rồi lại thấy mấy chiếc lá ấy xấu xí quá. Trẻ con, lúc nào cũng thích những điều đẹp đẽ và hào nhoáng thì phải.
Lớn lên, biết lựa từng loại lá cho mỗi món canh, tôi vẫn không hiểu sao mình chẳng thể làm ngon như nội. Món ăn phải chăng cũng như người có tuổi, phải đi nhiều, nếm nhiều để lắng nghe và thấu hiểu đủ mùi, đủ vị rồi mới có thể nêm nếm, gia giảm.
Chị em tôi đã đi qua biết bao nhiêu mùa hè nơi vùng quê yên ả. Nơi những bát canh hiền lành cũng ẩn chứa nhiều tình yêu thương ngọt ngào của nội. Để ban công nhà, bây giờ, vẫn có góc nhỏ cho cây chanh be bé đang bắt đầu cựa mình trổ những lá non. Để nơi khoảng không gian nhỏ hẹp ấy những chiếc lá lốt bắt đầu cố vươn dậy đón, nắng, gió và mưa.
Trần Linh – Phòng Văn nghệ Thể thao – Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa
Chụp hình: Nguyễn Khôi