Múa bụng giúp gì cho bạn? - Tạp chí Đẹp

Múa bụng giúp gì cho bạn?

Làm Đẹp

Không ai biết rõ nguồn gốc ra đời của múa bụng. Hình vẽ phụ nữ trong thế múa bụng được tìm thấy trên lăng mộ Ai Cập 5.000 năm trước Công nguyên và các tượng điêu khắc Hy Lạp và Ấn Độ cổ đại. Người ta cho rằng múa bụng bắt nguồn từ tín ngưỡng phồn thực ở những nước Trung Đông hoặc gần đó. Đây được xem là điệu múa thần thánh do trinh nữ thể hiện ở những nghi lễ của tín ngưỡng này để cầu mong con cái đầy đàn, vụ mùa bội thu … Ở Ai Cập ngày nay, múa bụng vẫn có mặt trong các nghi thức khi sinh nở hoặc lễ cưới để cầu mong con cái. Vẫn còn nhiều điều thú vị khác nữa về múa bụng mà có thể bạn chưa biết.

 

Sắc màu cuốn hút

Trang phục: Rực rỡ sắc màu cùng với các phụ kiện buông rủ, đôi khi đi kèm với khăn che mặt và khăn voan dài. Người múa bụng không thể thiếu thắt lưng buộc hờ quanh hông, được làm từ những đồng xu. Ngoài việc coi đó như những món đồ trang sức thì trước kia nó còn thể hiện cho một người phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc, giàu có. Một vũ công chuyên nghiệp khi biểu diễn thường sử dụng một số loại nhạc cụ tạo thêm âm điệu. Đó có thể là tiếng đập từ những chũm chọe đeo ở các ngón tay, tiếng vỗ tay vào nhau, tiếng đánh lưỡi hay tiếng bật ngón tay …

Đầy lợi ích cho sức khỏe

Múa bụng không dồn trọng lực cơ thể lên đôi chân nên giảm thiểu tổn thương khớp gối, khớp cổ chân. Các chuyển động tròn, làn sóng, hình số 8, rung, lắc nhẹ nhàng và liên tục làm tăng chất nhờn tự nhiên giữa các khớp, giúp giảm và ngăn ngừa hiệu quả bệnh đau lưng. Nhóm cơ quanh hông được tập luyện trong các động tác múa bụng, trở nên uyển chuyển, tạo dáng đi đẹp hơn. Múa bụng giúp đời sống tình dục viên mãn hơn.

Phù hợp cho người béo và gầy

Múa bụng cần vận động toàn bộ cơ thể, nhưng bụng là trung tâm. Bạn sẽ thực hiện các chuyển động từ cơ cổ, cơ vai, cơ tay, ngón tay, cơ lưng, hông, đùi, cho tới khớp gối, khớp cổ chân, phần mu bàn chân và ngón chân. Tất cả những phần mỡ thừa ở vai, cánh tay, lưng trên, hông, bụng trên, bụng dưới, vùng đùi, bắp chân sẽ được giải quyết. Với những bạn gái có thân hình quá gầy, số đo các vòng chưa nở nang thì múa bụng sẽ giúp cải thiện vòng 2 và 3. Cần nhớ là bạn phải kết hợp hơi thở với chuyển động cơ thể.

Đốt cháy lượng mỡ thừa

Một giờ múa bụng sẽ đốt cháy 300 – 400kcal, giúp bạn giảm cân không kém gì so với các môn thể thao như đi bộ, đạp xe hay bơi lội. Sau khi múa bụng, quá trình chuyển hóa năng lượng trong cơ thể sẽ diễn ra tốt hơn, giúp giảm cân lâu dài. Múa bụng làm tăng sức khỏe của tim và hệ hô hấp. Trung tâm Ung thư M.D.Anderson Cancer Center (Mỹ) cho rằng luyện tập múa bụng thường xuyên còn giúp ngăn ngừa một số bệnh ung thư.

 

Múa bụng khiến bụng to hơn?

Điều này chỉ rơi vào những ai tập luyện chưa đúng kỹ thuật hoặc thời gian mới tập chưa lâu. Bạn nên tập phương pháp giải phóng hình thể trước khi tập múa bụng để biết cách điều khiển các cơ hiệu quả. Các bài tập giải phóng hình thể khá đơn giản, vẫn là những động tác nằm, ngồi, đứng kết hợp với gập, nghiêng người, nâng chân … Quan trọng là bạn phải kết hợp hơi thở và vận động đúng cách. Khi tập, phần bụng sẽ nâng lên – hạ xuống theo nhịp thở, khóa – thả, chuyển động hình sóng nên người khác nhìn có cảm giác người tập có bụng. Nhưng khi không nâng bụng, bạn sẽ cảm thấy phần bụng phẳng và dáng đẹp.

Chỉ dành cho người béo bụng?

Nhiều người cho rằng tập môn này phải có bụng mới đẹp? Huấn luyện viên Bành Yên Yên, hơn 10 năm kinh nghiệm dạy múa bụng chia sẻ: “Quan niệm đó có thể bắt nguồn từ quê hương của múa bụng thời xa xưa. Ở Ấn Độ và các nước Trung Đông người ta ước muốn gia đình phồn thịnh, minh chứng cho điều đó là người phụ nữ mập có vòng eo to. Nhưng ngày nay, điều đó không còn phù hợp”.

Ngăn ngừa tích trữ mỡ bụng?

Đúng và sai. Đúng, bởi múa bụng cần vận động toàn cơ thể, giúp bạn đốt chát calorie, giải phóng lượng mỡ thừa, thay thế bằng cơ. Sai, vì nếu một tuần bạn tập múa bụng 1 – 2 lần, trong vài chục phút, nhưng sau đó bạn lại ăn uống, sinh hoạt không điều độ thì sẽ không có hiệu quả. Theo chị Yên Yên, để giảm cân bạn nên tập ít nhất 30/phút mỗi ngày và hãy kết hợp với đi bộ hoặc tập aerobic. Không nên dựa dẫm vào việc tập múa bụng để ăn thả sức. Bạn hãy ăn thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước, hạn chế đồ ngọt, béo … Ăn nhiều bữa nhỏ, uống ít sữa vào buổi tối.

Điều cần nhớ cho phụ nữ U40

– Chú ý: Không phù hợp với những bài vận động cường độ cao, bạn hãy cho huấn luyện viên biết tình trạng sức khỏe để có chế độ tập luyện phù hợp.

– Bài tập đơn giản: Giúp giảm đau lưng, kéo giãn các khớp cột sống. Đứng thẳng, từ từ hướng phần thân ra trước, vươn tay tới trước, tơi khi phần thân tạo thành góc 90 độ với chân, giữ 90 giây.

– Quy tắc: Luôn tập chậm, không ép cơ thể khi cảm thấy đau, từ từ nâng dần mức vươn, căng cơ, khớp và cần khởi động, làm nóng cơ thể trước khi tập.

– Bài tập thở: Ngồi tĩnh tâm, thả lỏng cơ, hít thở sâu, giữ hơi thở 2-3 giây, sau đó thả lỏng. Lặp lại 10-20 lần. Nếu bạn tập đúng cách, sau một thời gian ngắn vòng 1 sẽ được nâng lên, cơ bụng khỏe.

-Tập tại nhà: Vóc dáng sẽ thon gọn hơn bằng cách tập solo với nhạc có tiết tấu tăng dần với những động tác di chuyển hông và chân 30 phút/ ngày. Sau đó, thư giãn tùy thích với bài nhạc chậm.

Chị Ngô Thị Kim Thanh, 35 tuổi, ngụ tại Q.4, TP.HCM chia sẻ: “Tôi đến với múa bụng tình cờ, do mấy người bạn rủ đi tập. Lúc đầu, thấy ngại vì cảm giác điệu nhảy kỳ kỳ, lúc tập để hở phần bụng. Song càng tập tôi càng thấy khỏe hơn, phần bụng và cơ thể săn chắc. Tôi hết ốm vặt, đi lại nhẹ nhàng hơn. Quan trọng nhất là tôi cảm thấy tự tin và hài lòng về bản thân. Tôi sẽ còn theo múa bụng lâu dài. Dù công việc bận rộn, tôi vẫn tranh thủ dành thời gian cho mình ít nhất 3 lần/tuần được cảm nhận và thư giãn bản thân trong lớp học múa bụng!”

Quế Chi
(Theo Shape)

Thực hiện: depweb

16/07/2012, 16:07