“Mouse”: Nỗi ám ảnh từ cuộc săn đuổi man rợ của những kẻ săn người

Nếu “Penthouse” (Cuộc chiến thượng lưu) khiến người xem bất ngờ với những tình tiết ngoài dự đoán, thì “Mouse” (Kẻ săn người) còn khiến sự ám ảnh tăng lên bội phần, khi tập hợp các vụ án săn người từ những kẻ mắc hội chứng rối loạn đa nhân cách chống đối xã hội. Dù đây không phải một chủ đề quá mới lạ, “Mouse” lại chứng minh được sức hút riêng khi rating tăng theo số tập. Điều gì khiến một dự án kén người xem nhận nhiều sự quan tâm đến vậy?

“Mouse” theo chân Jeong Ba Reum (Lee Seung Gi), một cảnh sát kiên định và luôn tin vào công lý. Cuộc đời anh đã thay đổi khi gặp phải một kẻ tâm thần giết người hàng loạt. Điều này thúc đẩy anh và thám tử Go Moo Chi (Lee Hee Joon) – người đã chứng kiến ba và mẹ của mình bị giết chết bởi “kẻ giết người săn đầu” 15 năm trước. Cả hai cùng hợp lực để khám phá ra sự thật đằng sau những hành vi đa nhân cách của các tội phạm. 

Lấy cảm hứng từ vụ án rúng động từng xảy ra tại Hàn Quốc

Bộ phim được lấy cảm hứng dựa trên câu chuyện có thật về vụ án giết người chấn động Hàn Quốc xảy ra tại trường Tiểu học Incheon. Hung thủ là nữ sinh 17 tuổi ra tay sát hại và phân xác cô bé 8 tuổi ra thành nhiều mảnh một cách dã man và vô nhân tính, khiến mọi người cảm thấy vô cùng ghê rợn. Thủ phạm được cho là kẻ tâm thần mắc phải chứng bệnh trầm cảm và rối loạn nhân cách, và với mức án phạt 20 năm tù giam dành cho kẻ sát nhân đã không thể xoa dịu sự mất mát của gia đình nạn nhân và khiến dư luận Hàn Quốc vô cùng phẫn nộ.

Nhà sản xuất cũng thông báo “Mouse” sẽ được xếp hạng 19+. Điều này là để tạo ra những tập phim hoàn chỉnh đúng với thể loại của mình.

Từ sự kiện có thật biên kịch đã vẽ lên một câu chuyện với tựa đề “Mouse”. Bộ phim lấy bối cảnh thế giới nơi con người có thể xác định được kẻ biến thái nhân cách thông qua xét nghiệm ADN của bào thai trong bụng mẹ. Câu chuyện đầy căng thẳng bắt đầu từ câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta có thể sàng lọc những kẻ rối loạn nhân cách trước khi chúng chào đời?

Lee Seung Gi có phân nửa khả năng là tên sát nhân máu lạnh 

Sau bom tấn “Vagabond” làm mưa làm gió 2 năm trước thì cuối cùng người hâm mộ cũng được nhìn thấy hình ảnh mới mẻ của Lee Seung Gi trên màn ảnh nhỏ. Trong “Mouse”, Lee Seung Gi đảm nhận vai diễn Jung Ba Reum, một cảnh sát tân binh nhiệt huyết, tốt bụng. Tuy nhiên, phim cũng hé lộ rằng Ba Reum có bộ gen trùng khớp với kẻ rối loạn nhân cách. Với ADN này, liệu anh có may mắn nằm trong 1% hiếm hoi là một thiên tài hay 99% là một kẻ rối loạn nhân cách? 

Ai mới chính là kẻ mang trong mình gen của kẻ đa nhân cách mà mọi người luôn kinh sợ? 

Người xem vô cùng phấn khích với suy nghĩ Seung Gi rất có khả năng trở thành tên sát nhân ẩn mình dưới lớp bọc hiền lành. Câu trả lời đang được tiết lộ dần sau từng tập phim căng thẳng của “Mouse”. Ngoài ra, bộ phim không khai thác mối quan hệ tình cảm giữa các diễn viên làm trọng tâm, mà chủ yếu phân tích những hành vi của tên sát nhân, cùng cuộc đấu trí căng thẳng giữa cảnh sát và kẻ tâm thần.  

Những cảnh quay táo bạo và dụng ý sâu xa của tên sát nhân 

Ngay từ khi vào phim, “Mouse” không ngần ngại mở đầu bằng nhiều vụ giết người, khiến những ai không kịp chuẩn bị tâm lý một phen hoảng sợ. Đây không phải mô-típ lạ của phim Hàn nhưng đẩy nỗi sợ leo thang và không có dấu hiệu dừng lại quả thật rất liều lĩnh. Nhưng với mức rating đang tăng dần sau mỗi tập phim, sự tò mò của khán giả và sức hấp dẫn của chuyện phim đã chiến thắng nỗi sợ.

Với sự tham gia đóng chính của Lee Seung Gi, Lee Hee Jun, Park Ju Hyun và Kyung Soo Jin… “Mouse” là một bộ phim truyền hình xuất sắc, kết hợp hoàn hảo giữa hai yếu tố kinh dị và trinh thám.

Điều đặc biệt của “Mouse” không dừng lại ở những thủ pháp gây án lúc ẩn lúc hiện của tên sát nhân hay cận cảnh gương mặt đau đớn của người bị hại, mà là động cơ giết người của tên sát nhân. Hắn cảm thấy phẫn nộ với những người hiền lành, quá chăm chỉ hoặc không có tham vọng nên đã kết liễu họ. Hay nếu tâm trạng hắn bỗng dưng tuột dốc, hắn sẽ chọn bừa một nạn nhân không có sức chống trả nhất mà ra tay, xem như giải khuây.

Khai thác chân thật chứng bệnh rối loạn nhân cách chống đối xã hội

Hiện nay, rất nhiều bộ phim lựa chọn đề tài về tâm lý để khai thác, nhưng có rất ít tác phẩm đào sâu về tâm lý của người bệnh như “Mouse”. Nếu như “Hoa của quỷ” (Flower of Evil) đã khắc họa một kẻ sát nhân có nhân tính thì “Mouse” hoàn toàn ngược lại. Bộ phim cũng cho khán giả cái nhìn rõ nét hơn về một người mắc phải rối loạn đa nhân cách. Không phải chỉ chịu đựng thương tổn hay sang chấn tâm lý khi còn bé, người bình thường mới phải mắc hội chứng này, mà nhiều nguyên nhân sâu xa khác đang được đoàn làm phim nỗ lực truyền tải. 

“Mouse” chính là đứa con tinh thần của đạo diễn Choi Joon Bae – người đã từng làm nên siêu phẩm tâm lý tình cảm “Come and Hug Me” (Bước đến ôm em).

“Mouse” không phải là một bộ phim lan truyền sự độc hại của căn bệnh này, mà khắc họa trực diện, thậm chí là trần trụi về nó. Mặt khác, dù là nhỏ nhoi ngay cả khi chỉ có một chút hy vọng, bộ phim cũng mong những người mắc bệnh, những kẻ sát nhân rối loạn nhân cách có thể cảm nhận được nỗi đau của nạn nhân và suy ngẫm về hành động của mình. 


From the same category