Ocean Vuong – cái tên đã không còn quá xa lạ với bạn đọc Việt Nam kể từ khi tác phẩm “On Earth We’re Briefly Gorgeous” (Bản dịch Việt: Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian) của anh trở thành hiện tượng xuất bản. Cuốn sách tuyệt đẹp ấy đã khắc hoạ hình ảnh người Mẹ – nguồn động lực to lớn nhất trong cuộc đời chàng trai tài hoa.
Năm 1990, cậu bé 2 tuổi Vương Quốc Vinh theo chân gia đình từ Thành phố Hồ Chí Minh di cư đến Hartford, Connecticut, Hoa Kỳ. Tại đây, cậu bé vật lộn với ngôn ngữ và đến tận năm 11 tuổi mới có thể học đọc một cách bình thường. Có ai ngờ rằng, cậu bé con được nuôi lớn bởi một người mẹ đơn thân mù chữ lại có thể trở thành một cây bút được đánh giá rất cao tại văn đàn Mỹ, một “thiên tài” ngôn ngữ đã nhận về những giải thưởng danh giá.
Mẹ của Ocean Vuong là người con mang hai dòng máu Việt-Mỹ. Bà là người Mỹ và cũng là người Việt Nam nhưng ngay sau khi cuộc chiến chấm dứt, những người như bà dường như bị lãng quên. Mẹ và hai dì của anh không nằm trong số những đứa trẻ mồ côi rời khỏi Việt Nam trong chiến dịch Babylift năm 1975. Họ chỉ đoàn tụ với bà ngoại anh khi đã trưởng thành, tìm cách đến Mỹ khi mẹ của Vuong không được phép làm việc vì là con lai.
Cũng như nhiều người Việt di cư sang Mỹ thời đó, mẹ của anh chỉ có thể làm việc trong một tiệm làm móng nhỏ. Do thất học từ bé nên bà không thể đọc hay viết tiếng Việt, vốn từ tiếng Anh cũng chỉ ở mức tối thiểu để giao tiếp với khách. Mẹ đặt cho anh cái tên tiếng Anh là “Beach” (bãi biển). Trong một cuộc trò chuyện với khách, họ đề nghị bà sử dụng từ “đại dương” để thay thế cho “bãi biển”. Sau khi biết từ “Ocean” nghĩa là một vùng nước nối tiếp giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, bà đã đổi tên con trai thành “Ocean”. Cái tên Ocean Vuong ra đời từ đó, được anh sử dụng làm bút danh chính thức cho các tác phẩm của mình.
Ocean Vuong không chia sẻ quá nhiều về gia đình mình trên báo chí. Phần lớn những thông tin công chúng biết đều được rút ra từ những chi tiết trong các tác phẩm của anh. Từ tập thơ đầu tay “Night sky with exit wounds” (bản dịch Việt: “Trời đêm những vết thương xuyên thấu”) cho đến “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian”, người ta có thể nhận ra rằng anh lớn lên trong một gia đình thiếu vắng hình bóng người cha. Mẹ Ocean Vuong đơn thân nuôi con giữa nơi đất khách quê người, không ngại làm lụng vất vả để con có thể học hành đàng hoàng, ít nhất là không để con mù chữ như mình. Nỗi vất vả của Mẹ, cậu con trai đa cảm sao có thể không hiểu, thậm chí cậu hiểu hết, dẫu chỉ là qua đôi tay Mẹ thôi cũng đủ cảm nhận được: “Bởi vì con là con của mẹ, nên bao nhiêu điều về lao động con biết là bấy nhiêu điều về mất mát con hay. Và mọi điều con biết về cả hai thứ ấy con đều biết qua đôi bàn tay mẹ […] Tay mẹ xấu xí lắm – và con ghét mọi thứ đã làm chúng thành ra như thế. Con ghét việc chúng là hậu quả và cái giá cho một giấc mơ.”
Không chỉ nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền, sự mặc cảm của một người da vàng trên đất Mỹ, thứ hằng đêm dày vò mẹ Hồng (Rose, tên mẹ của nhà văn) còn là nỗi đau chiến tranh, là hậu chấn tâm lý của những ngày bom rơi đạn lạc. Ký ức thuở đất nước còn loạn lạc khiến bà chẳng thể tận hưởng trọn vẹn niềm vui hiện tại. Mẹ Hồng là điển hình của người phụ nữ can trường, chai sạn, bị vắt kiệt bởi chiến tranh đến mức đôi khi tình yêu bà dành cho con trở nên cực đoan, hay thậm chí là bị sự bất ổn tâm lý che mờ đi.
Mẹ Hồng không phải là một người mẹ hoàn hảo, và tuổi thơ của Ocean Vuong không phải lúc nào cũng ngập tràn tình yêu thương từ mẹ. Nhiều hôm kiệt sức vì công việc khiến người mẹ trút bực tức và mệt nhọc xuống đứa con. Nhưng Ocean Vuong sẵn sàng bỏ qua những hành vi bạo lực ấy – vì biết đó là kết quả của những dồn nén, của nỗi đau, của tình yêu thầm lặng mà không cần nói với ai. Khi anh bị đám trẻ da trắng bắt nạt, Mẹ đã đánh và mắng anh vì anh không phản kháng, để rồi lại ôm anh vào lòng, đau đớn thổ lộ: “Con phải tìm cách… Con phải tìm cách vì mẹ không có đủ tiếng Anh để cứu con. Mẹ không thể nói gì để ngăn tụi nó… Con phải ra dáng con trai, con phải mạnh mẽ lên.”
Ocean Vuong viết “Một thoáng ta rực rỡ ở nhân gian” như một tuyển tập những lá thư dành cho mẹ Hồng, nhưng éo le thay, mẹ lại không biết chữ. Sự thiếu hụt ngôn ngữ ấy đã khiến khoảng cách giữa hai mẹ con ngày càng bị đẩy xa, thậm chí dù đã viết hẳn một cuốn sách thì mẹ vẫn chẳng thể tỏ rõ nỗi lòng của anh. Nhưng khi ngôn ngữ không thể diễn tả hết được, thì trái tim sẽ tự có cách riêng của nó. Ocean Vuong từng tin rằng mẹ chưa bao giờ cố đọc sách của mình, vì bà sợ sẽ có thể biết được những thứ khiến hai mẹ con trở nên xa cách hơn. Nhưng khi anh bắt đầu đọc cho mẹ nghe, dù chỉ là một quyển tạp chí ngẫu nhiên, bà đều lắng nghe chăm chú và yêu cầu mọi người yên lặng. “Cảm giác giống như một phép màu, một cánh cổng dẫn đến một thế giới khác – dẫn đến thành công, quyền lực – mà bà ấy không hiểu được. Mẹ không hỏi tôi về việc đó, nhưng bà nói – ‘Tốt thôi. Hãy làm điều này, đọc sách của con, mãi mãi. Miễn là con vẫn đang nỗ lực vì chính bản thân mình. Con là người đầu tiên có thể làm được điều này’.” – cây bút trẻ chia sẻ.
Khi tham dự các buổi đọc sách của Ocean Vuong, mẹ Hồng không bao giờ nhìn vào anh. Bà sẽ ngồi ở vị trí có thể quan sát khán giả đang theo dõi con trai mình. Nhà văn cho hay: “Mẹ cũng đang ‘đọc’ họ trong khi tôi đọc tác phẩm của mình, và sau đó bà nói, ‘Mẹ hiểu rồi. Mẹ không biết con đang nói gì, nhưng mẹ có thể thấy khuôn mặt của họ thay đổi ra sao khi con cất tiếng nói’.” Và đó là khoảnh khắc anh nhận ra mẹ đã ảnh hưởng đến cảm quan nghệ thuật của anh nhiều đến thế nào: “Tôi nhận ra đây là điều mà mẹ đã dạy tôi. Là một phụ nữ da màu, một phụ nữ châu Á, bà đã dạy tôi trở nên ‘thận trọng’. Có thể đọc được khuôn mặt, tư thế, giọng điệu của mọi người như thế nào. Bà đã dạy tôi cách làm cho mọi thứ trở nên rõ ràng ngay cả khi ngôn ngữ không thể.”
Mẹ Hồng là nhân viên một tiệm nail ở Mỹ, là một người mắc sang chấn tâm lý, là nạn nhân của bạo hành gia đình, là một người mẹ đơn thân không biết chữ, là một người tị nạn,… Bà có vô vàn những bất lợi với tư cách là một người mẹ, nhưng lại nuôi dạy con trai thành một giáo sư Đại học, một người khai phá và mở mang cái đẹp của ngôn từ. Mẹ không thể đem đến cho Ocean Vuong tường tận vẻ đẹp của Tiếng Việt – ngôn ngữ mẹ đẻ, nhưng bà đã dạy anh sống kiên cường, nghị lực vượt lên hoàn cảnh. Bà đã dạy anh cách nhìn nhận cái đẹp của thế giới, dù chỉ là một cánh chim ruồi, một vạt hoa, hay một chiếc đầm trong cửa hàng.
Ngày mẹ Hồng ra đi, thế giới của Ocean Vuong như sụp đổ. Mẹ không phải người mẹ hoàn hảo nhất, nhưng mẹ đã nuôi dạy anh bằng tình yêu hoàn hảo nhất mà bà có thể, bất chấp những khoảng cách và thiếu hụt sự thấu hiểu giữa họ. “Tất cả những gì tôi đã viết, nó đều là cho mẹ. Tôi đến trường vì bà, tôi làm việc vì bà – mẹ là nguồn động lực to lớn nhất của tôi. Khi điều đó bị lấy đi, tôi không có gì khác để trả lời. Và thế là cuối cùng tôi đã viết cho chính mình.” – anh bày tỏ.