Từng đảm nhận nhiều vị trí như ca sĩ, nhà báo và mới đây nhất là đạo diễn, Bông Mai luôn “sống một cuộc đời rực rỡ” trong lúc làm mẹ toàn thời gian. Dù thường xuyên dịch chuyển để khám phá Việt Nam và thế giới, mối quan hệ giữa cô và hai con vẫn khăng khít dù không phải lúc nào cũng ở cạnh nhau. Bí quyết của đạo diễn Bông Mai chỉ là sống thật với chính mình, tôn trọng con, cho con tự trải nghiệm và không bao giờ ép buộc – điều tưởng chừng như đơn giản nhưng không phải cha mẹ nào cũng làm được.
Chào chị Bông Mai, cảm ơn chị vì đã nhận lời phỏng vấn với Tạp chí Đẹp. Tôi được biết chị là một người thường xuyên dịch chuyển, vậy chị có gặp khó khăn gì khi xa con trong những chuyến đi của mình không?
Trộm vía là tôi không thấy có gì khó khăn cả. Nếu mỗi người biết cân bằng giữa những điều mình muốn làm và nghĩa vụ với gia đình thì sẽ sắp xếp được thời gian thôi. Trước hầu hết các hành trình, tôi đều hội ý với các con để lên kế hoạch về lịch trình cũng như chia sẻ về mục đích của chuyến đi. Hơn thế, tôi luôn dạy các con phải tôn trọng sở thích của mỗi người, và chúng như những người bạn của tôi vậy, nên tôi không hề cảm thấy áp lực khi xa con.
Thực ra, ba mẹ con tôi cũng hay đi du lịch cùng nhau. Tôi cũng thường ưu tiên các chuyến đi mang tính trải nghiệm, khám phá để cho con nhận thấy rằng cần phải nỗ lực và cố gắng đi đến cùng với điều mà mình đã chọn.
Chị có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ trong những chuyến đi ấy không?
Thú thực là tôi và các con có nhiều kỷ niệm quá, tôi không biết chọn cái nào (cười). Kỷ niệm đáng nhớ nhất có lẽ là khi ba mẹ con quay lại Cao Bằng. Trong chuyến hành trình xuyên Việt 99 ngày của mình, tôi được ghé thăm bản làng của người Dao Tiền ở đây. Tôi may mắn được gặp một cặp vợ chồng trẻ rất đáng mến là chủ của homestay tôi lưu trú. Dù ban đầu tôi chỉ muốn tìm hiểu văn hóa, nhưng sau khi biết được họ đang bắt đầu khởi nghiệp làm homestay, tôi đã chủ động ở lại giúp họ. Tôi cũng hỗ trợ cho người vợ đi học làm bánh cuốn để cô ấy có thể mở một cửa hàng ăn của riêng mình.
Sau một thời gian, tôi đưa các con trở lại để chúng hiểu rằng mình luôn nên giúp đỡ mọi người, dù đó không phải người thân của mình, vì điều đó có thể tạo nên những thay đổi tích cực trong cuộc sống của họ. Đồng thời, cho các con thấy được rằng dù sống trong một môi trường khắc nghiệt, họ không bao giờ giục ngã và cố gắng vươn lên bằng chính sức lao động của mình. Thêm vào đó, các con tôi cũng có cơ hội học hỏi thêm được nhiều nền văn hóa dân tộc, trải nghiệm nhiều bản sắc vùng miền. Đây có lẽ là chuyến đi giúp các con “bỏ túi” được nhiều bài học ý nghĩa.
Có vẻ như chị và các con luôn gần gũi nhau dù chị hay phải di chuyển nhiều. Vậy chị và các con có hay thể hiện tình cảm với nhau không?
Tôi đã dạy các con thể hiện tình cảm ngay từ khi còn nhỏ, để con thấy điều đó tự nhiên và nên làm. Tôi luôn bắt đầu mỗi cuộc gọi bằng câu “Mẹ chào con” và thường xuyên nói “Mẹ yêu con”. Vì thế, có những lúc con khá ương ngạnh, nhưng bạn ấy vẫn không quên nói “Con chào mẹ” hay “Con yêu mẹ”. Đôi khi những câu nói đơn giản lại chứa đựng tình cảm, sự quan tâm to lớn, khiến người nghe cảm thấy rất hạnh phúc.
Ngoài ra, cách đây vài năm, tôi cũng đã nói với các con rằng, sau này tôi sẽ đi vòng quanh thế giới. Chính vì vậy, gia đình tôi cũng đang tập sống xa nhau, và điều đó dường như khiến mỗi thành viên quan tâm và ân cần với nhau hơn. Cho đến một lúc nào đấy, những hành động ôm hôn hay những cử chỉ tình cảm cũng trở nên tự nhiên và bình thường. Tôi nghĩ thay vì cứ mãi im lặng, chúng ta nên bày tỏ tình cảm thường xuyên để các thành viên trong gia đình có thể hiểu nhau hơn.
Vậy có phải thể hiện tình cảm là cách khiến tình cảm giữa mẹ và con khăng khít hơn?
Đúng nhưng chưa đủ. Thực ra tôi không có bí quyết gì cao siêu, nhưng tôi luôn cố gắng thực hiện 5 điều: đừng xem bản thân là mẹ để dạy con, không coi các con là đối tượng phải thực hiện mong muốn của mình, tôn trọng quyết định của con, giúp đỡ khi con gặp khó khăn, và quan trọng hãy để con mình được trải nghiệm.
Dù có đôi lúc con sẽ vấp ngã, sẽ học những bài học lớn trong cuộc đời nhưng thay vì cứ bao bọc trong lồng kính, thì hãy để con được tự do với điều mình muốn. Tôi chỉ giúp đỡ khi con gặp khó khăn, chứ tuyệt nhiên không quyết định hộ hoặc ép con phải làm bất cứ điều gì. Tôi nghĩ có thể đây là bí quyết khiến ba mẹ con tôi thân nhau chăng?
Cho con tự do như vậy, đã bao giờ chị gặp phải những khó khăn hoặc chỉ trích?
Nhiều chứ. Cách đây 2 năm, con trai út bỗng nói với tôi rằng bạn ấy muốn dừng việc học. Sau khi phân tích những hệ luỵ và đảm bảo rằng con hiểu mình phải tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình, tôi đã cho con nghỉ học 1 năm và chuyển về quê sống. Tôi chấp nhận bỏ hết việc để đồng hành cùng con. Hiển nhiên, khi làm vậy, tôi nhận được những ý kiến trái chiều, thậm chí lời trách mắng, nhưng tôi bỏ ngoài tai. Điều tôi quan tâm là liệu con có thực sự hạnh phúc? Sau những quyết định lớn, con học được bài học gì? Con thực sự muốn gì?
Thật may mắn, sau khoảng thời gian đó, bạn ấy đã tìm được định hướng cho mình. Đây là điều khó có ai làm được, bởi tôi thấy có những người đã 40 – 50 tuổi rồi nhưng vẫn cứ lạc lối và quẩn quanh trong những mong muốn của gia đình.
Có vẻ chị không phải là tuýp phụ nữ truyền thống, và nữ giới thì đang bị xã hội gán cho quá nhiều định kiến. Tôi tò mò không biết chị đã khuyến khích con gái đối mặt và vượt qua những định kiến đó như thế nào?
Thứ nhất, tôi khuyên con đừng quá bận tâm đến những điều người xung quanh đánh giá về mình. Cuộc sống này là do mình quyết định, không ai có thể chịu trách nhiệm thay cho mình cả. Thứ hai, tôi khuyến khích con hãy trải nghiệm và học thật nhiều bài học thực tiễn, để con thấy được giá trị cuộc sống mình đang may mắn có. Cuối cùng, tôi luôn khuyến khích con sống vui vẻ và làm người có ích cho xã hội, không làm phiền lòng những người thân yêu.
Tôi đã từng cho con gái tự đi xe khách đến Sapa, sau đó di chuyển ngược về trong đêm khi bạn ấy còn đang học đại học. Nhiều người khá bất ngờ trước hành động ấy của tôi. Nhưng tôi lại nghĩ rằng thay vì cứ mãi bao bọc con, hãy cứ để con tự trải nghiệm để biết được cuộc đời này không dễ dàng, và để con học được cách bảo vệ bảo thân mình. Sau này tôi cũng sẽ già, không thể nào đồng hành cùng con, hay nắm tay chỉ bảo từng li từng tí được.
Mặc dù đúng là phụ nữ đang đứng trước nhiều định kiến, ánh nhìn của xã hội và điều này ít nhiều buộc mình phải ở trong khuôn khổ. Dù vậy, tôi thấy mình chỉ có trách nhiệm đối xử tốt với bản thân, thay vì phải nghe theo những lời nói hay trông chờ vào quyết định của bất cứ ai khác.
Cuối cùng, làm thế nào để chị vừa dạy con sống cuộc đời độc lập, nhưng các bạn ấy vẫn luôn tìm đến chị khi cần?
Để con độc lập hơn, trước tiên tôi cũng phải “buông” con bớt ra. Nhiều khi tôi cũng phải chấp nhận nuốt nước mắt vào trong, cắn răng chịu đựng nhìn con sai, để cho con hiểu ra rằng bố mẹ không thể đồng hành cùng con mãi được, và không ai giúp con thoát ra khỏi khó khăn ấy ngoài chính bản thân con.
Thứ hai, con cần phải tự chịu trách nhiệm với những gì mình đã làm. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng, mình không quan tâm và hỗ trợ khi chúng cần. Có lần con trai tôi gặp tai nạn xe nặng, nhưng vẫn nói rằng không cần mẹ đến giúp đỡ. Tôi tôn trọng quyết định ấy và chỉ đứng từ bên đường đợi, cho đến khi con cần thì tôi mới can thiệp. Hãy biết tiến, lùi đúng lúc và cho con thấy mình luôn ở phía sau dõi theo con, chứ không phải mình đang theo dõi con.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị!