Quan hệ tình dục đồng giới có ở tất cả các xã hội và nền văn hóa. Theo một số nghiên cứu khác nhau trên thế giới, tỉ lệ nam quan hệ tình dục đồng giới ở các nước châu Á biến động từ 3% ở Philippines đến 9% ở Thái Lan.
Nếu chỉ lấy tỉ lệ thấp nhất là 3% nam giới trong độ tuổi sinh hoạt tình dục (từ 15 đến 49) để ước lượng thì dân số của “thế giới thứ ba” ở Việt Nam có thể lên tới hàng trăm nghìn người.
Theo bà Huỳnh Lan Phương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thì cộng đồng nam giới quan hệ tình dục đồng giới ở Việt Nam có ở mọi tầng lớp xã hội, độ tuổi và ngành nghề.
Cũng giống như hầu hết các nước trên thế giới, Việt Nam cùng với Nhật Bản và Trung Quốc là những quốc gia có hệ thống pháp luật không coi quan hệ tình dục đồng giới là bệnh hoặc phạm pháp.
Việt Nam còn tiến một bước xa hơn là có những quy định cụ thể trong luật phòng chống HIV cấm mọi hành vi phân biệt đối xử đối với các nhóm dễ bị tổn thương, trong đó có nhóm nam giới quan hệ tình dục đồng giới.
Tuy Việt Nam có hệ thống pháp luật cấp tiến, người đồng tính vẫn phải đối mặt với những kỳ thị trong xã hội.
Theo một khảo sát về giới trẻ Việt Nam được tiến hành bởi Bộ y tế và Tổng cục thống kê năm 2005, chỉ có 60% bạn trẻ được hỏi biết về vấn đề đồng tính; trong số này 80.02% bạn trẻ không muốn kết bạn với người đồng tính.
Có nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân quan trọng nhất là vấn đề thông tin và truyền thông. Theo bà Phương, ngoài việc thiếu thông tin khoa học về vấn đề đồng tính trong nhà trường thì cách một số bài báo đưa tin về vấn đề này đã gây nên sự kỳ thị trong xã hội.
Nhiều bài báo gắn vấn đề đồng tính với tội phạm, giết người và cuộc sống thác loạn nên đã tạo ra ác cảm và những định kiến với người đồng tính.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thế giới thứ ba cũng giống như một xã hội thu nhỏ bao gồm nhiều thành phần khác nhau.
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, có nhiều người đồng tính thành đạt và đóng góp cho sự phát triển của đất nước và xã hội.
Theo bà Phương, sự kỳ thị không những trái với pháp luật mà còn gây ra những hậu quả khôn lường cho bản thân người đồng tính, người thân của họ cũng như xã hội.
Theo kết quả chương trình giám sát của Bộ y tế ở Việt Nam năm 2005-2006, tỉ lệ nhiễm HIV ở người nam quan hệ đồng tính ở Hà Nội và Tp.HCM tương ứng là 9% và 5%, cao hơn nhiều so với mức 0.3% ở nam nữ thanh niên trong độ tuổi trung bình 15-24.
Sự phân biệt đối xử và kỳ thị đã trực tiếp và gián tiếp tiếp tay cho căn bệnh thế kỷ này.
Trước nhất, sự kỳ thị trong xã hội và gia đình đã làm cho người đồng tính phải che dấu xu hướng tình dục thật của mình làm các chương trình truyền thông phòng chống HIV khó tiếp cận được với họ.
Thêm nữa, chưa có sự sẵn sàng của các cơ quan cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý và chăm sóc y tế cho người đồng tính nên đã cản trở người đồng tính tiếp cận giúp đỡ khi gặp vấn đề về sức khỏe và tâm lý.
Bên cạnh đó, một bộ phận khá lớn trong giới thứ ba do sức ép gia đình, đồng nghiệp và bạn bè đã phải lập gia đình. Nhiều người trong số họ không thể chối bỏ được xu hướng tình dục thực của mình nên tiếp tục quan hệ với bạn tình đồng giới.
Điều này không những làm nhiều gia đình không hạnh phúc mà còn có thể dẫn đến nguy cơ cao lây lan HIV đặc biệt khi cả người đồng tính và người dị tính còn quan hệ tình dục không dùng bao cao su.
Theo bà Phương, sự thiếu thông tin và sự kỳ thị trong xã hội làm cho các gia đình có con là người đồng tính phải che giấu hoặc đối mặt với những gièm pha của những người thiếu hiểu biết và thiếu cảm thông.
Hầu như các bà mẹ khi biết con mình là người đồng tính đều lo sợ cho hạnh phúc của con trong môi trường còn nhiều khắt khe. Có bà đã khóc thầm khi nghe những người xung quanh gọi người đồng tính với những cái tên miệt thị như “pê đê, đồng bóng, xăng pha nhớt, lại cái…”.
Nhưng cũng có những bà mẹ đã chấp nhận sự thực và động viên con học tốt và làm tốt để có cuộc sống độc lập và có ích cho xã hội.
Trên thực tế, bất cứ người nào cũng có mối quan hệ máu mủ, họ hàng hoặc bạn bè đồng nghiệp với một người đồng tính nào đó cho dù họ không lộ diện.
Chính vì vậy, theo bà Phương, khi một ai đó có thái độ kỳ thị người đồng tính, có thể họ đang làm phiền lòng một người thân mà họ thương yêu!
Gần đây, vấn đề tình dục đồng tính đã bước đầu được đề cập trong nhà trường và xã hội. Nhiều chuyên gia như TS. Huỳnh Văn Sơn đã phát biểu trên báo Tuổi Trẻ rằng: “Có một tuyên bố đồng thuận “đồng tính không phải là bệnh và không lây lan” do vậy không cần phải chữa mà cần phải nâng đỡ để người đồng tính sống tốt hơn”.
Bác sĩ Phan Hồng Anh cũng nhấn mạnh đến tính cấp thiết của việc xóa bỏ dứt khoát mọi kỳ thị đồng tính trong cộng đồng. Đây chính là những tiếng nói tiên phong trong vấn đề nâng cao nhận thức xã hội về người đồng tính và tiến tới bảo vệ quyền lợi cho họ.
Theo bà Phương, nguyên tắc không được phân biệt đối xử với người đồng tính đã được chính phủ Việt Nam cụ thể hóa, đầu tiên là trong luật phòng chống HIV và các chương trình hành động quốc gia.
Tuy nhiên, những cam kết mạnh mẽ bảo vệ quyền con người của nhà nước cần được đẩy mạnh trong các ban ngành, ở các địa phương và đặc biệt trong giới truyền thông.
Ở Việt Nam, truyền thông có một vị trí đặc biệt trong việc định hướng dư luận và quan niệm xã hội. Báo chí và truyền hình cần đi tiên phong trong vấn đề xóa bỏ kỳ thị với người đồng tính.
Các bài báo và các chương trình truyền hình có thể động viên người đồng tính tự tin và cống hiến hết mình cho gia đình và xã hội, nhưng cũng có thể làm phương hại hàng trăm nghìn người nếu vô tình hay cố ý tạo ra sự kỳ thị.
Đây chính là một trách nhiệm to lớn của báo chí trên mặt trận chống phân biệt đối xử và bảo vệ quyền lợi của hàng trăm nghìn người đồng tính.
Bên cạnh đó, các ban ngành quần chúng cần chung tay xóa bỏ kỳ thị. Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên và Hội sinh viên đã đóng góp to lớn trong việc chống kỳ thị với người có HIV.
Đã đến lúc các tổ chức này cần cung cấp thông tin về người đồng tính cho thành viên của mình và cho xã hội. Một môi trường nhân văn sẽ là điều kiện để người đồng tính tự giúp mình, giúp nhau và giúp người thiệt thòi khác.
Nếu làm được điều này, không những cuộc sống của người đồng tính sẽ tốt hơn mà còn tạo điều kiện công bằng cho họ đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
Bình Lê |