Một ông chưa sáng, hai ông…

Việc bắt các thí sinh khoe đủ kiểu sáng, từ hip-hop/dance đến rock, vô hình trung đã biến cuộc thi hát thành một cuộc trình diễn kỹ năng tạp kỹ. Viết đến đây, tôi nhớ lại một người bạn học cũ thời phổ thông, vốn tính ngang ngạnh, khi bị “truy” gắt quá lúc thi vấn đáp, cứ lầm bầm “thầy trả lời được không mà hỏi em” (!).

Tôi tự hỏi, ở cuộc sát hạch Sao Mai Điểm Hẹn như thế này, một giám khảo như Mỹ Linh có thể trình diễn được bao nhiêu thể loại (ôi, hãy tưởng tượng cái cảnh Mỹ Linh nhảy tưng tưng đọc rap hoặc gằn giọng đãi chữ hát rock!), mà lại bắt các ca sĩ trẻ tuổi đời tuổi nghề giơ lưng đếm sẹo như thế?

Trời sáng quá nhanh. Không có gì đáng gọi là ma mị, bí ẩn trong một bầu sinh quyển ngồn ngộn thông tin, bội thực thần tượng như bây giờ. Công chúng của ta không còn thấy điều gì đáng gọi là quyến rũ, lạ lùng, tươi mới, gây xúc động như Mỹ Linh và Bằng Kiều đã tạo được trong SV 97.

Cơ hội gây ấn tượng của mọi cá nhân thấp đi vài chục lần, trong khi đó những cuộc thi như Sao Mai Điểm Hẹn – với những quy chế của nó – lại buộc người tham gia phải tươi mới, lạ lùng, quyến rũ, gây xúc động nếu muốn đoạt giải.

Sao mai cần bầu trời nhờ nhờ để khoe ánh sáng. Điều ấy dường như không xảy ra ở Sao Mai Điểm Hẹn lần này – trời sáng quá nhanh!

Vì thế, đếm mãi “một ông sao sáng hai ông sáng sao ba ông bốn ông năm ông” mà chưa thấy ông nào sáng. Bảy người có vé lên tàu vũ trụ nhấp nhổm mong được đi một tour miễn phí vòng quanh Trái đất thì còn khả dĩ, chứ hy vọng chuyến tàu ấy có năng lực nhiệm màu biến hành khách thành các vì tinh tú thì e hão huyền quá.

Tôi không có ác cảm với Sao Mai Điểm Hẹn, nhưng cho phép tôi có quyền hồ nghi lời nhạc sĩ Nguyễn Cường, “ai muốn làm ca sĩ nên đi thi Sao Mai”.
 
Nếu một âm sắc giọng đặc biệt, độc sáng là yếu tố cốt tử làm nên một tên tuổi, thì cho phép tôi được đặt hy vọng vào Anh Khoa, Minh Thư và Hiền Trang (người kể sau đã không có vé lên tàu vũ trụ; cô chọn bài vụng về quá).

Nếu một nhan sắc làm nên chuyện, thì Phương Linh và Hà Anh Tuấn (xin lỗi đã dùng từ “nhan sắc” trong trường hợp này) có đất dụng võ. Mai Trang can đảm hát ngẫu tác (improvising) tuy kỹ năng và nền tảng chuyên môn cho việc này vẫn còn ở mức sơ đẳng. Hoàng Hải hát nhạt. Ngọc Anh nồng nàn, nhưng thiếu cốt cách của một người biểu diễn, hơi “kịch”.

Tựu trung lại, rõ ràng chúng ta vẫn cứ thiếu những nhân tố độc sáng như Tùng Dương hoặc Ngọc Khuê. Mà không độc sáng thì làm sao tỏa sáng, khi trời càng lúc càng sáng nhanh như thế này…/.


From the same category