Một nửa

Một kỷ niệm thú vị của người châu Âu ở châu Á là được nghe nhạc dịp lễ phát sai thời điểm. Hôm trước tôi ngồi ở quán cà-phê trên phố Hàng Bông thấy bài “Hark the Herald Angels Sing” (Thiên thần truyền tin ca hát) phát trên loa. Bài đó đậm chất Noel đến mức vừa nghe vừa ngửi được mùi gà tây hầm khoai. Ở bên Canada, Anh, Mỹ… chỉ có dịp Noel người ta mới hát bài đó, các quán cà-phê mới bấm nút “play”; ngoài dịp hai tuần lạnh buốt cuối tháng 12 ra nghe bài đó là hoàn toàn không hợp lý. Nhưng ở Việt Nam tôi được nghe vào đầu tháng 5, người ta mở hết cửa sổ để tia nắng Hàng Bông ùa vào quán. 

Mặc dù không phải lần đầu tiên nghe bài Noel phát sai thời điểm nhưng cảm giác vẫn lạ, vẫn khiến tôi cười mỉm, lên ý tưởng viết bài. Để biết cảm giác đó các bạn cứ tưởng tượng mình đang ngồi tại công viên ở San Francisco vào giữa tháng 8, bỗng nhiên có bài “Tết Tết Tết đến rồi!” phát xập xình trên loa.  Mình nhìn xung quanh, người bản xứ đi lại bình thường, không ai thấy buồn cười – với họ đó là nhạc ngoại mà thôi – quen quen, vui vui, “play” lúc nào cũng được.

Nếu thấy một người Việt khác cũng ngồi tại công viên đó thì bạn sẽ nhìn người ấy và cười (chia sẻ qua ánh mắt), cũng như lúc nghe bài “Hark The Herald Angels Sing” hôm đó tôi thấy một anh da trắng ngồi bên kia quán, hai người trao nhau nụ cười nhỏ, tiếp tục đánh máy.

Nếu bài hát nước ngoài hay sang Việt Nam một cách chưa trọn vẹn thì bài hát Việt Nam cũng thỉnh thoảng sang nước ngoài chơi – mà quên vali. Cách đây mấy tháng tôi đi Campuchia để tham quan Ankor Wat. Trên xe buýt tôi nghe rất nhiều bài hát “nhạc Việt lời Campuchia”. “Một vòng trái đất” trở thành “Prraii Prraii Prree Prroo” (hay là gì đó), còn rất nhiều bài “vừa quen vừa lạ” tương tự nữa.

Tôi nhớ đến những bài báo mạng trong đó tác giả Việt Nam phản đối chuyện ca sĩ Việt đạo nhạc nước ngoài – nào là Bảo Thy hát ca khúc của Lenka không xin phép, nào là Vũ Quốc Việt đạo nhạc của Lady Gaga. Tôi thắc mắc không biết trên báo mạng Campuchia có đăng bài kiểu như thế không? Giả dụ như: Preap Sovath hát ca khúc của Nguyễn Đức Cường mà không xin phép!

Vấn đề này tôi đặt tên là “Hiện tượng nhập một nửa”. Bài “Hark The Herald Angels Sing” tôi nghe hôm đó là người Việt nhập bài Tây nhưng không nhập ý nghĩa văn hóa. Bài “Prraii Prraii Prree Prroo” (hay là gì đó) là người Campuchia nhập nhạc Việt nhưng không nhập lời.

Tất nhiên không phải chỉ riêng thế giới âm nhạc mới xảy ra hiện tượng này. Những người làm việc ở sân bay sẽ rất quen với hình ảnh các ông Tây to khỏe xuống máy bay ở Hà Nội đội nón lá dễ thương mua ở Sài Gòn. Từ chân lên cổ họ nhìn rất“mafia” (áo rách, xăm hình), nhưng phần còn lại nhìn rất “con gái nhà quê ngoan ngoãn”. Họ coi nón lá là kiểu mũ của Việt Nam thôi – họ nhập chức năng che nắng mà không nhập khái niệm thẩm mỹ đi cùng. (Phân tích thêm: có người biết mình chỉ nhập được một nửa, có người cứ tưởng mình đã nhập hết.)

Nhưng âm nhạc vẫn là lĩnh vực dễ nhìn thấy (nghe thấy) hiện tượng này nhất. Thấy người Việt bắt tay nhau trong trường hợp người Tây mình không bắt tay thì tôi thấy bình thường. Mặc dù việc bắt tay xuất phát từ văn hóa Tây nhưng mỗi nơi một kiểu, thế giới phong phú. Nhưng thấy người Việt bật nhạc Noel vào giữa tháng 5 thì tôi luôn thấy lạ. Chắc người Việt đi Campuchia thấy người dân ở đó ăn phở “sai gia vị” thì thấy bình thường, nhưng thấy người dân bật nhạc Việt “sai ngôn ngữ” thì nhớ mãi.

Đó là sức mạnh của âm nhạc góp phần chỉ ra những thiếu sót ngộ nghĩnh trong quá trình toàn cầu hóa.

Bài: Joe

From the same category