Thảo Trang, người ta cứ đặt cho cô ấy biệt danh là “xấu lạ”. Có thể, đó là từ ngày xưa, nó dành cho một cô gái đen nhẻm, vô tư, quyến rũ, và biết sắp đặt sự tự nhiên của mình, thành một cái duyên khó nắm bắt.
Tôi nói về chuyện ca hát…
– Hôm trước, tôi có vào một pub, thật bất ngờ là có mấy cô gái người nước ngoài thuộc và hát theo Feel the life của Trang, thậm chí, họ còn biết về bạn. Thật khó tin, một cô gái Việt Nam hát tiếng Anh, lại được chính người nước ngoài chào đón?
– Tôi coi đó là cách khéo léo anh bắt đầu câu chuyện này, và cũng là một lời khen đầy duy mỹ cho giọng hát của tôi. Trước đây, tôi đã từng tha thẩn nghĩ tới điều này, ưu tư, trầm ngâm mong ước nó thành sự thật. Giờ thì tin được không, tôi có cả khán giả người nước ngoài tại Việt Nam. Tất nhiên chưa nhiều, nhưng một sự công nhận đủ để hình thành nên động lực.
– Trước đấy, Trang cứ đi hát vẩn vơ mà chẳng xác định gì ư?
– Hồi đó, tôi nghĩ tôi bị thua thiệt vì ra khỏi cuộc thi (Vietnam Idol 2008), sớm nhưng bây giờ mới thấy là hợp lí, vì mình có thêm 1, 2 vòng nữa thì cũng vậy, đâu có giải quyết được nhiều vấn đề. Sau này, tôi phấn đấu cho sự nghiệp thế nào mới là quan trọng. Lúc đó tôi cứ nghĩ đơn giản thi là đi thi thôi, hát cho những người làm giám khảo nghe, tôi thích hát và thích người khác nghe mình hát, đơn giản vậy đó.
– Tôi cũng không lạ gì hội trẻ các bạn trong Nhạc viện, cứ kéo nhau đi thi hết cuộc này đến cuộc khác, vào được tới đâu vui tới đó?
– Đó là tôi đó, anh đang nói về Thảo Trang những năm 2006, 2007, không có một kế hoạch nào rõ ràng cả, cứ như đang đi tìm một thứ hy vọng, có khi cảm giác đã buông xuôi rồi, thi toàn trượt mà, mệt chán rồi thì bạn bè lại lôi kéo thi cho vui. Nhưng tâm trạng tôi khi đó cũng không đi đến đâu (trầm ngâm một lúc)… Anh phải hiểu tâm lí số đông, tuổi trẻ mà, hồi đó tôi còn học trong Nhạc viện, đám đông học mấy chục đứa, kéo nhau đi cho vui, không bon chen và cạnh tranh gì cả.
– Trượt theo thời gian, hậu Vietnam Idol cũng lại là một khoảng không “vất vưởng” khác?
– Tôi thích hát tiếng Anh lắm, thích điên lên được, nhưng chỉ có thể hát ở các tụ điểm, mấy bar, pub nho nhỏ, người ta chỉ thích hát nhạc nước ngoài, cover các bản hit, đại loại là như thế… Nếu không hát được tiếng Anh, thì những ca sĩ không có sự hỗ trợ như tôi coi như không có đường sinh nhai.
Tôi chỉ đi theo hướng chuyên nghiệp là từ sau phim “Để mai tính”, với album The New Me, các anh trong công ty mang tư tưởng mới về, như Dương Khắc Linh, mọi thứ mang đến cho tôi những thành công, cảm giác mới.
– Thảo Trang chưa phải là một cái tên có nhiều khán giả, nhưng nhiều người đã gọi Trang như một “nốt sáng” trong thị trường bây giờ, một thị trường luôn thiếu trầm trọng những người tiên phong xu hướng?
– Thảo Trang chưa là ngôi sao, nhưng trước hết cô là nghệ sĩ, quan trọng nghệ sĩ là làm trên cái người ta thích. Tôi có nghĩ tới sự thiệt thòi của mình khi Việt Nam chưa mở rộng tiếng Anh như ngôn ngữ âm nhạc. Nhưng tôi không sợ, chương trình Soundfest vừa rồi, gần như rất nhiều ca sĩ nước ngoài, họ kéo được 40.000 người tới coi. Hay như một chương trình mới đây tôi hát Lung linh sắc Việt, trong một chương trình lớn như vậy, được tường thuật trực tiếp, tôi hát Feel the fife, chưa bao giờ run như thế, nhưng cũng chưa bao giờ thành công như thế.
Tôi nghĩ có hai điều quan trọng, ca sĩ Việt chưa tìm được người viết nhạc ngoại ưng ý, và phát âm cũng còn nhiều vấn đề, nên nâng được tầm nghe của khán giả trẻ bây giờ, đừng đàn ấp cái tinh tế của họ bằng những thứ rẻ tiền.
– Có người nghĩ đó là một cách cổ xúy văn hóa sính ngoại?
– Đó là điều bình thường mà, cứ thử giả dụ nhé, chúng ta có Festival cần hát chung với ca sĩ nước ngoài, mình cứ chơi một mình một kiểu, bản thân tôi thấy thế đã là một sự chán nản tột đỉnh rồi. Tôi không muốn người ta có suy nghĩ đó. Bản thân anh nghĩ tại sao gần đây tôi được mọi người yêu quý nhiều hơn với các ca khúc tiếng Anh?
– Tôi nghĩ nó có từ 3 điều, bạn may mắn có ca khúc hay, gu ổn, và người nước ngoài chấp nhận bạn. Sự chấp nhận đó sẽ lan sang người Việt, dù họ cũng chưa biết bạn là hay hoặc dở.
– Đấy, vấn đề là ở chỗ đó, đơn giản đó là một sự công nhận, còn những ca sĩ trước đây, những thử nghiệm trước đây, người nước ngoài không quan tâm, còn người Việt Nam ném đá…
…nhưng tôi nghĩ về chuyện tình yêu
– Trang yêu điều gì ở những chàng trai nước ngoài?
– Tôn trọng phụ nữ, đó là cái tôi thấy rõ ràng nhất. Tất nhiên, đừng hiểu theo nghĩa ngược lại với con trai Việt. Tôi cũng từng có người yêu Việt Nam, làm quen, rồi yêu. Nhưng lối sống của tôi cách xa lối sống nhiều chàng trai Việt Nam mong ước ở người yêu, nên tôi muốn tìm khoảng bình yên cho mình. Cá tính của tôi mạnh quá, hay đem đến rắc rối cho các mối quan hệ. Ví dụ, không có người con trai nào muốn dẫn tôi về khoe với mẹ. Tôi lo giùm cho những chàng trai xung quanh và cảm thấy tôi không thích hợp với họ.
– Chuyện tình cảm với các chàng trai nước ngoài có phải đã duy trì cảm hứng với các ca khúc nước ngoài?
– Một phần thôi, tôi không có thói quen lấy cảm hứng từ một thứ chông chênh. Hơn nữa, trước khi yêu một chàng trai nước ngoài thì tôi đã mê nhạc quốc tế rồi. Tôi yêu cuộc sống trẻ trung, sôi nổi, kết bạn với những người bạn nước ngoài, ở bên cạnh họ, mình học hỏi thêm được về văn hóa, lối sống…
– Người ta vốn bảo phụ nự không ưa nhìn là một sự thiệt thòi?
– Phụ nữ thì nên biết tìm cho mình một cái duyên, ai cũng có thôi, nhưng phải vận động, vận động không ngừng, mở mình ra mới có cái duyên tất đến được. Ngồi im thì xấu hoàn xấu, lại mắc thêm chứng tự cô lập, rất nguy hiểm.
– Trong chuyện tình cảm, người ta dễ nghĩ Trang thích chơi đùa ngắn ngủi, có đúng không?
– Tôi cũng không biết phải trả lời thế nào cho đúng ý mình, vì nhiều khi mình cũng không thể nghĩ đến lâu dài được, bản thân mình cũng là nghệ sĩ nữa. Kiểu cá tính như tôi, phải lo cho bản thân mình trước đã. Không thể chờ lấy chồng để chồng nuôi được, phải tự từ lập trước khi những thứ không may mắn đổ ập xuống.
– Phụ nữ vốn chẳng độc lập hoàn hảo được, nghĩa là cũng có lúc phải gồng lên, phải diễn một vài nào đó?
– Có tiền, đương nhiên thoải mái hơn, đơn giản là mình chủ động giải quyết nhiều thứ hơn. Hồi trước gia đình tôi ở Quảng Trị, khá khó khăn, rồi tôi vào Sài Gòn năm tôi 15 tuổi, mẹ tôi dắt đàn con vào đây. Hồi lớp 9, tôi bỏ học đi làm may ở Trân Bình một năm, rồi sau đó mới quay lại học tiếp bổ túc được. Những thời gian và hoàn cảnh đó cho tôi hiểu là phụ nữ cần phải có tiền và độc lập.
– Mẹ Trang có thương nhiều không, con gái cứ lận đận mãi?
– Chắc mẹ có thương chứ, nhưng giữ lại trong lòng. Với lại tôi cũng không phải kiểu núp vào lòng mẹ, tôi độc lập từ lâu và giữ cho mình sự cứng rắn của một thằng con trai.
– Những hình xăm có ý nghĩa thế nào với Trang?
– Thực ra tôi chỉ có một hình xăm duy nhất thôi, một nốt nhạc có đôi cánh. Người ta nhìn mình thì tưởng hầm hố, chơi bời, nhưng thực ra có duy nhất một hình thôi, cũng là trong lúc bốc đồng một chút, nhưng hình như nó cũng đem lại may mắn cho mình nên tôi giữ lại. Đương nhiên Việt Nam mình giờ cũng cởi mở nhiều rồi, nhưng không có nghĩa là mình cứ theo trào lưu mà làm quá lên. Không thích cái gì thì tôi không theo được.
– Tôi luôn có cảm giác Thảo Trang là một cô gái sống bất cần, nhưng cái bất cần đó, vô tình lại là thứ “kẹo ngọt” với nhiều người xung quanh?
– Cảm ơn anh vì câu hỏi này, nhưng tôi không và chưa bao giờ sống bất cần. Có thể chỉ là một giây phút ngắn ngủi nào đó, mình bất mãn với cuộc đời, “Ôi, sao mà khó khăn, vất vả… Nản thế!”. Chỉ là vậy thôi. Ngủ một giấc, là sáng mai mọi việc lại ổn. Một giấc ngủ với tôi là đủ xóa tan mọi ưu phiền
Bài: Quang Minh
Theo Người đẹp