Một mình – Tồn tại hay không tồn tại?

Con người ngàn đời vẫn vậy, sinh-lão-bệnh-tử, chẳng thể thay đổi, có khác chăng chính là họ tồn tại như-thế-nào.

Tôi chẳng bao giờ tự đặt câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại” cho mình. Bởi phàm đã là con người sinh ra là phải tồn tại, đấu tranh quyết liệt mà tồn tại, phải khẳng định cái sự tồn tại ấy của mình.

Con người vốn sinh ra chẳng đơn giản như nấm mọc sau mưa, vậy thì hà cớ gì lại hoài nghi về sự tồn tại của mình?

Nhưng câu hỏi tôi đặt ra, chính là về sự tồn tại của gia đình. Khi mà tỷ lệ ly hôn ngày càng cao, và số thanh niên lựa chọn cuộc sống độc thân không còn là thiểu số trong xã hội nữa.

Gia đình vốn là một mô hình xã hội kết hợp giữa hai cá thể, mỗi người đóng một vai trò, bù trừ cho nhau, hỗ trợ nhau, duy trì nòi giống.

Người ta nói rằng trong bất cứ trường hợp nào, ở bất cứ nơi đâu, thì sinh sản và nuôi dưỡng con trẻ cũng là mục đích và nền tảng tự nhiên của gia đình. Và một gia đình với đầy đủ bố và mẹ mới tạo cho đứa trẻ sự phát triển toàn vẹn về tinh thần, nhân cách.

Gia đình cũng được coi là nền tảng cơ bản cho sự phát triển của xã hội, tôn giáo, văn hóa… và sự lung lay của gia đình chẳng phải cũng kéo theo một xã hội không còn vững chắc hay sao?

Nhưng nói những câu chuyện ấy có vẻ vĩ mô quá. Tôi tin rằng khi một người quyết định lựa chọn – hay rơi vào – cuộc sống độc thân, họ sẽ không có thời gian nghĩ đến vấn đề duy trì nòi giống hay rường cột xã hội.

Tất cả chỉ nằm trong chuyện được – và mất – của một lựa chọn. Họ được gì khi chịu hy sinh cuộc sống cá nhân đầy tính hưởng thụ để bước vào cuộc sống chung với những khó khăn, rắc rối nhãn tiền?

Họ lo sợ mình chưa đủ bản lĩnh để gánh vác vai trò nặng nề và quan trọng nhường ấy. Họ cảm thấy không cần một người khác thì mình vẫn có được một cuộc sống đầy đủ và hạnh phúc. Hoặc đơn giản là họ chưa thật sự tìm được người khiến họ muốn gắn bó cả cuộc đời…

Tôi biết một cô gái trẻ trung, hiện đại, sinh ra trong một gia đình khá giả, từng đi du học, và ly hôn sau ba tháng chung sống. Băn khoăn, trăn trở, khúc mắc thì có nhiều, nhưng tựu trung lại, cả cô và bố mẹ chồng cô, khi tôi có dịp nói chuyện, đều có chung một câu hỏi không lời đáp: trong xã hội hiện đại, để tồn tại một gia đình cần phải có những gì?

Hay một chị bạn khác, Giám đốc nhân sự một công ty phân phối dược phẩm, đã 30 tuổi, một mẫu hình phụ nữ gia đình điển hình mà chúng tôi hay lấy ra làm ví dụ để học theo, thì không thể kết hôn bởi chị đặt ra những tiêu chuẩn quá chuẩn mực cho một gia đình, và tới giờ vẫn chưa có người đàn ông nào khớp vừa mô hình đó của chị.

Khi tôi bắt tay vào thực hiện chuyên đề này, rất nhiều người đã gợi ý, giới thiệu những nhân vật điển hình như vậy, người nổi tiếng có, doanh nhân thành đạt có, trẻ tuổi cũng có…

Tất cả đều chung một mối hoài nghi nhất định vào giá trị gia đình, kể cả những người chưa đủ trải nghiệm để hiểu rõ về cái gọi là “giá trị gia đình” ấy.

Phải chăng, khi mọi việc không còn vận hành suôn sẻ, chứng tỏ bản thân mô hình gia đình với những nguyên tắc, khuôn mẫu và chuẩn mực truyền thống đã không còn phù hợp với hoàn cảnh hiện tại. Và không cách gì khác, hoặc là bản thân mô hình phải thay đổi, hoặc là chấm dứt vai trò của mình.

Nhà thơ Xuân Quỳnh đã viết trong “Chuyện cổ tích về loài người”: "Trời sinh ra trước hết, chỉ toàn là trẻ con". Mỗi thế hệ đều tự bắt đầu một thế giới của mình – thời đại mà họ tồn tại.

Và họ cũng chính là những người tự viết nên câu chuyện về thế hệ của mình, tự xây dựng nên những nguyên tắc của riêng mình, bởi hơn ai hết, họ hiểu mình là ai, và mình cần gì.

 Vũ Thủy

 

 

Các tin liên quan

Độc thân – được & mất
Làm gì ngày Valentine?
Bạn đã sẵn sàng một mình?
Độc thân & nổi tiếng
Đối diện với cô đơn
“Nói chảnh chỉ là cho sang”


From the same category