Một mình lang thang xóm liều Kibera

Phan Ý Ly sinh năm 1981, rất duyên và tươi trẻ, nhảy salsa vào hàng bốc lửa nhất Hà Nội. Cô là một đạo diễn kiêm diễn viên trong vở kịch “Nhìn” của Liên hoan Sân khấu Thực nghiệm 2006. Hơn thế nữa, Ý Ly là người con gái Việt đầu tiên học tại một trường dòng ở Ấn Độ, và là người Việt đầu tiên đặt chân tới xóm liều Kibera tại Kenya. Giờ này, cô đang dạy các em bé tại xóm chài bãi giữa sông Hồng thực hiện các bộ phim về cuộc sống của chính các em và do các em tự quay phim, thực hiện.

Đặt tên cho thế giới theo con mắt của mình
 
 Mười sáu tuổi, Phan Ý Ly nhận được học bổng du học Ấn Độ. Tại sao không phải là Anh, Pháp, Singapore, hay bất kỳ nước nào khác, mà lại là Ấn Độ?
 
Lúc đó, với Ly Ấn Độ có sức hấp dẫn của một thế giới mới mẻ, với nhung lụa quấn trên sari của người con gái, với giọng hát và điệu múa mê hoặc của những chàng trai, những lâu đài lộng lẫy. Và Ly sẽ là một “sinh viên nước ngoài”, vì thế nên ba năm xa nhà tại một đất nước xa lạ không phải là một trở ngại.
 
 Nhưng hỡi ơi, khi đến nơi, Ly đi từ hụt hẫng này đến hụt hẫng khác. Trường Ly học là một trường dòng dành cho học sinh nữ, nhiều Miss Indian đã từng học ở đó.
 
  Nhưng căn phòng ký túc xá nơi Ly và một bạn người Bhutan ở chỉ rộng 10 mét vuông với hai chiếc giường sắt, trơ trọi một ngọn đèn trên trần và điện chỉ có lúc 6 giờ tối.
 
 Thế là Ly bắt đầu cuộc sống ba năm tại một trường dòng khắc nghiệt, nơi mà người ta đi đất hơn là đi dép, và mặc váy với quần chứ không giống trong phim, bò đi hàng đàn và “ị” đầy đường.
 
 Mẹ Ly khóc, bảo thôi con về đi chứ sống tại nơi không có một người Việt nào, mà lại thiếu thốn như thế thì biết sống làm sao. Lúc đó, Ly tự nhủ: “Tại sao lại không nhỉ? Thế giới vốn như nó đang tồn tại, thế giới như mình đã tưởng tượng chỉ là trong mơ thôi. Đây chính là lúc tự mình đặt tên cho thế giới theo con mắt của mình”.
 
 Và cô chỉ trở về Việt Nam sau khi đã kết thúc khóa học ba năm tại Karnataka.
 

 Một mình lang thang trong… xóm liều

 
 Và vẫn cái tính thích phiêu lưu ở những nơi không ai ngờ, thích làm việc tại những nơi không ai thích ấy, Phan Ý Ly lại nhận được học bổng Chevening của Anh với một môn rất mới mẻ là môn Theatre and Media for Development (Sân khấu và các phương tiện truyền thông cho sự phát triển) chỉ có 11 học viên từ 6 nước khác nhau trong một lớp học. 
 
Khi phải thực hiện bài thực tập 4 tháng, khác với các bạn thường “bắt tay” với các tổ chức phi chính phủ hoặc bệnh viện để các tổ chức đó sắp xếp và chọn đối tượng cho họ thực tập, Ly quyết định sẽ sang châu Phi – miền đất hứa hẹn nhiều màu sắc văn hóa, một miền đất mang bí ẩn tiềm tàng có sức hút mạnh mẽ đối với cô.
 
 Và địa điểm thực tập của cô làm thầy giáo và tất cả mọi người giật mình sự táo bạo và mạo hiểm – đó là khu ổ chuột Kibera (Kenya- phía Đông châu Phi) – xóm liều lớn thứ hai trên thế giới. 
 

 Kibera nằm ở thủ đô Nairobi nổi tiếng thế giới về trộm cắp. Ý Ly chưa bao giờ đặt chân tới châu Phi – và việc đi một mình vào nơi có 1/3 dân số nhiễm AIDS, toàn người lao động thất học và nghèo đói khiến thầy giáo và người thân của cô lo lắng.
 
 Chẳng có gì cản trở được Ly. Cô đã đặt chân lên xóm liều Kibera, và trong số những kỷ niệm đáng nhớ, chắc cô không bao giờ quên được lần đang quay phim trong xe ô tô trên đường phố, bỗng cánh cửa xe ô tô bị giật mở, và thật may cô đã nhanh chóng kéo cánh cửa đóng lại, ngăn một bàn tay thò vào định giật chiếc máy quay.
 
 Nhưng rồi Ly đã tìm thấy nơi những con người dưới tầng đáy của xã hội những tâm hồn khát khao vươn tới cuộc sống tốt lành hơn. Ý chí của họ làm Ly bình tâm trở lại, cô sống hòa đồng và giúp đỡ nhóm phát triển cộng đồng ở xóm liều những chương trình, biện pháp, cách thức tổ chức tuyên truyền kiến thức, thu hút sự quan tâm của đại đa số dân xóm liều.
 
 Và thú vị hơn nữa, với gương mặt đặc trưng châu Á, Phan Ý Ly được Hãng hàng không Kenya Airways mời làm người mẫu cho một chương trình quảng cáo, trong vai một tiếp viên hàng không. Sáng làm người mẫu, chiều về tổ chức các trò chơi với các thanh thiếu niên nghèo trong khu ổ chuột, Ý Ly đã nhen một ngọn lửa mới cho trẻ em trong xóm liều Kibera về lòng tự tin và sự đoàn kết.
 
 Tạm biệt Kibera, cô trở về Anh với bộ phim "Một cuộc hành trình" đạt số điểm 81/100 và trở thành một trong số ít sinh viên của trường có điểm cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.
 
 Phải can đảm nhảy ra khỏi cái giếng của chính mình

 
 Phan Ý Ly tâm sự: “Tôi là người Việt Nam có kiến thức và khả năng hòa nhập cộng đồng quốc tế, giống như con ếch có cái giếng của mình, có khung trời của mình nhưng cũng có can đảm nhảy ra khỏi cái giếng để nhìn mọi thứ xung quanh, không khéo nhờ thế lại còn xây cho cái giếng của mình đẹp hơn!”.
 
 Năm 2006, Ly và một người bạn Thái Lan tổ chức dàn dựng vở kịch “Nhìn” cho sân khấu thực nghiệm. Chuyến lưu diễn tại Hà Nội – Hồ Chí Minh và các trường đại học được khán giả ủng hộ rất nhiệt tình bởi sự thử nghiệm mang nhiều phương tiện hiện đại.
 
 Cô và các đồng nghiệp vẫn đang tiếp tục chuẩn bị cho “Oe oe 2” – một vở diễn lý thú liên quan tới câu hỏi của một đứa bé: "Mẹ ơi, con sinh ra từ đâu" và hàng loạt những lời giải thích xung quanh câu hỏi đó của bà mẹ.
 
 Nhưng quan trọng hơn, vào những ngày này, Ly vẫn cần mẫn đến với các em nhỏ ở bãi giữa sông Hồng, dạy các em chơi các trò chơi mang tính định hướng, giúp các em hòa nhập cộng đồng, kích thích sự tự tin ở mỗi em nhỏ.
 
 Đây là một dự án được “giải đúp” của World Bank trị giá 10.000 USD; Phan Ý Ly sẽ là người tổ chức và hướng dẫn các em nhỏ ở làng chài bãi giữa sông Hồng tự làm phim về cuộc sống của chính mình hoặc bất kỳ cái gì làm các em quan tâm chú ý.
 
 Sống hồn nhiên nhưng có trách nhiệm, thích thử sức mình, lại được làm đúng công việc chuyên môn và thường giải trí bằng những điệu nhảy salsa quyến rũ, Phan Ý Ly rất tự tin khẳng định: “Xã hội thay đổi, quy định cũng sẽ thay đổi, truyền thống sẽ không mất đi mà được làm giàu thêm bởi các thế hệ mới. Và tôi là một trong những người sẽ làm giàu truyền thống đó!”.
 

 

 


From the same category