Không ai trong chúng ta lại đột nhiên bỏ hết những mối quan hệ thân thiết để lẻ loi một mình. Đó là sự mất cân bằng của tâm lí. Cũng không ai có thể khuyên người khác nên hoặc phải một mình nhiều hơn bởi một mình hay việc thích được một mình hoàn toàn phải là sự lựa chọn của bản thân người đó.
Những người quen biết Váy Dài đều biết cô thích được ở một mình đến thế nào! Nhớ những năm còn sống ở Hà Nội, hàng ngày cô đều dành thời gian ngồi một mình ở một góc quán cà phê nào đó, lúc thì đọc sách, viết vẽ lung tung những suy nghĩ thoáng qua đầu, lúc lại chỉ ngồi im nhìn khoảng không trước mặt, ngắm người qua đường và để đầu óc bay bổng tận mây xanh. Nhiều người hỏi: ngày nào cũng ngồi một mình như vậy không thấy buồn sao? Nói thật, đôi lúc cô cũng cảm thấy có chút mơ hồ lạc lõng, nhưng phần nhiều là vui, là hạnh phúc, là thỏa mãn. Nói như vậy cũng có chút thiếu logic – ngồi một mình mấy tiếng liền, chả có ai chuyện trò cùng, chả có ai đùa cợt cùng mà lại cảm thấy vui vẻ và thỏa mãn được sao? Nhưng những kẻ “loner”, những kẻ thích được “alone” như Váy Dài đều hiểu rằng: một mình rất vui, một mình rất thích, và quan trọng nhất, một mình rất dễ. Cái cảm giác một mình yên lặng nhìn thế giới vận động xung quanh, cái cảm giác yên tĩnh đến mức có thể nghe được tiếng động của những suy nghĩ trong đầu, cái cảm giác tưng tửng khó tả của việc hoàn toàn kiểm soát và sở hữu bản thân, không cần diễn, không cần chia sẻ và không cần đóng góp với một ai. Một mình để yêu bản thân. Váy Dài từng nghe người nào đó nói rằng: “Ở một mình nhiều đến mức cảm thấy quen, cảm thấy cần, cảm thấy phải làm thì cũng không khác gì cảm giác của những người nghiện, nhưng là cái nghiện của những người phong cách.” Sau này, trưởng thành hơn, cô hiểu rằng càng một mình nhiều con người ta càng trở nên bản năng, bởi không ai có thể hiểu ta bằng chính chúng ta.
Cuộc đời đúng thật là có giai đoạn của nó, mỗi giai đoạn lại mang đến một sự ngạc nhiên riêng. Váy Dài vẫn còn nhớ những năm 20 tuổi, cô sợ một mình và sợ cô đơn đến mức xấu hổ. Cô từng vạch ra kế hoạch cho đúng 52 ngày thứ 7 trong năm để làm cái này, đi chỗ kia, gặp người nọ, dù có lúc cô chán ngán và mỏi mệt vô cùng. Nhưng trong suy nghĩ của cô, không thể có một ngày thứ 7 một mình. Bởi có vẻ như thế giới sẽ quên mất cô là ai nếu cô không ra đường, không gặp bạn, không đến những bữa tiệc, không lang thang phố phường và rồi nhét đầy túi những mối quan hệ vô thưởng vô phạt. Cô cũng sợ một mình và sợ sự cô đơn đến hèn nhát mỗi khi một mối quan hệ kết thúc.
Nhưng may thay, những năm tháng đó cũng qua đi một cách nhanh chóng như gió thổi mây bay. Sau tuổi 20, sau những đổ vỡ, cô nhận thấy, điều tuyệt vời nhất đối với phụ nữ chính là một mình bước qua sóng gió, là im lặng sống, là một mình uống cà phê, là một mình nhìn mình, nhìn đời, và nhìn người. Điều đó không có nghĩa là chúng ta phải cắt đứt giao du với cuộc sống bên ngoài, chỉ là chúng ta dành thời gian một mình nhiều hơn để tìm kiếm bản thân và chiêm nghiệm cuộc sống. Khi suốt ngày nằm trong cái vòng quay hối hả, bận rộn của những mối quan hệ, ta hầu như luôn phải nỗ lực để làm cho người khác hài lòng, vui vẻ, nâng niu cái tôi dễ vỡ của họ, cố gắng hiểu xúc cảm của họ mà quên đi việc nạp lại năng lượng cho mình, quên đi việc yêu bản thân và hiểu mình muốn gì. Bởi vậy, yêu thích được ở một mình thật ra là một cái lợi. Một sự ích kỉ có lợi cho tâm hồn mà chúng ta vẫn gọi nó bằng một cái tên khác: Sống chậm.
Nghĩ xem, cuộc sống vốn đã nhanh nhanh chóng chóng, những mối quan hệ nhạt nhẽo thì thường đổ vỡ chóng vánh. Những người sợ sự cô đơn thường yếu mềm và ngại thay đổi. Những người thích một mình, cảm thấy vui khi được ở một mình thường ít khi gục ngã vì sự thất bại của những mối quan hệ. Đơn giản bởi họ có chút “bất cần” đã được tôi luyện trong suy nghĩ.
Có cô bạn hỏi Váy Dài: Làm sao ở một mình được chứ?
Cuộc sống có quá nhiều người để gặp, có quá nhiều thứ để nói. Khó lắm!
Đúng vậy! Khó! Muốn làm được phải thành thật với tâm hồn mình. Nếu phải chịu đựng những chầu cà phê vô bổ chỉ vì sợ cô đơn thì đừng chịu nữa. Nếu phải chiều những người không ưa chỉ vì sợ bị một mình thì đừng chiều nữa. Có ai không từng trải qua cảnh ngộ của một vài lần “lỡ” ngồi xuống cái bàn đầy nhóc người mà có đến hơn nửa bộ mặt nhìn đã “thấy ghét” nhưng vẫn phải lịch sự chuyện trò? Có ai không trải qua những ngày buồn chán đến phát khóc, những ngày lang thang bâng quơ ở một xó xỉnh xa lạ và thèm đến vô cùng một người để chia sẻ những điều nhỏ nhặt? Có ai không có lúc cô đơn chạnh lòng mà tặc lưỡi cho những cuộc hẹn vô thưởng vô phạt với người hoàn toàn không cùng sóng? Thật sự thì tìm được một người hợp cạ để chuyện trò tâm tình không hề dễ. Hãy nhớ rằng: cà phê một mình còn hơn mất thời gian cho những người không hợp.
Và bởi vậy, những người một mình quen rồi thường rất độc lập tự chủ, bởi họ luôn thường trực một tâm thế: chẳng cần ai! Chưa bàn đến việc đó là tâm lí tốt hay xấu, chỉ nói đến khía cạnh những người càng thích một mình thì càng có thể một mình bất cứ lúc nào, và càng không sợ bị bỏ rơi. Chúng ta không còn “khát” có người bên cạnh, càng không cần phải tha thiết chia sẻ và hèn nhát níu kéo. Chúng ta trở nên mạnh mẽ, quyết đoán và dễ bề tha thứ để sống một cách nhẹ nhàng hơn.
Điều tuyệt vời nhất đối với những người thích một mình chính là họ không cảm thấy cô đơn. Váy Dài từng tự hỏi: Có phải cô một mình nhiều như thế bởi cô là kẻ tự kỉ đau khổ hay không? Không phải. Khi một mình, chúng ta trở nên trân quý một cách tuyệt đối những mối quan hệ ta có. Không phải bạ ai cũng có thể rủ đi cà phê, ai cũng có thể chia sẻ và thân thiết ngay được và nếu đã dành thời gian cùng nhau, dù chỉ nhắn tin qua điện thoại, cũng là một loại tình cảm chân thật. Hơn thế, biết yêu bản thân, chúng ta sẽ biết cách yêu người khác hơn bao giờ hết.
* “Một mình không có nghĩa là cô đơn, mà khi xung quanh bạn toàn những kẻ ‘xa lạ’, đó mới là lúc cô độc nhất”.
Bài: Liu Trần