Một chuyện ăn

Đoán chắc là cả em lẫn hàng trăm cô gái Hà Nội đều có thể chỉ cho anh ngay cái mối thâm tình giữa đêm Hà Nội với thức ăn phố xá thị thành. Bởi vì nếu anh đã có chút dây dưa với Hà Nội thu, dù chỉ một đêm thôi, chắc chắn anh sẽ bỏ cả đời để tìm kiếm và nhớ nhung “gần chết”.

Bọn bạn em tính thô lỗ đã quen. Lâu ngày gặp lại đón chào nhau bằng câu ối giời thẳng thốt, nhìn chòng chọc từ đầu xuống chân, từ chân lên đầu… rồi cười hô hố, vỗ vai bồm bộp chẳng kể giới tính: “To quá rồi đấy! ăn kiêng đi thôi!”.

Còn anh, vốn tế nhị chẳng chọc ghẹo vợ câu nào, thi thoảng vui mồm lắm mới lỏn lẻn khen khéo mẹ vợ mát tay nuôi con gái, để “bánh ú của anh ngày càng tròn”, nói xong, còn cười cười ngượng ngượng sợ vợ tủi thân.

Biết vậy! Nên chỉ chờ “thằng chíp hôi” dứt sữa là em lao vào trận chiến không cân sức với cân nặng, mới thấy loài người rõ là buồn cười, thi nhau nghĩ ra đủ thứ của ngon vật lạ, đủ loại thuốc bổ, thuốc kích thích ăn uống để người khảnh đến mấy ăn giấy cũng thấy ngon, xong lại hối hả sáng chế ra đủ loại thuốc giảm béo, ngăn chặn sự hấp thụ để vừa thỏa mãn nhu cầu của cái mồm, vừa ngăn sự đổ bộ ồ ạt của những thứ bổ béo ấy vào những chỗ không nên vào tý nào trên cơ thể.

Rõ là dại! Nhưng nghĩ đi nghĩ lại chả biết cái nào dại hơn, không ăn bây giờ, sau này già như các cụ lại tiếc. Cái thời các cụ – lúc ăn được thì chả có gì mà ăn; đến lúc thịt cá ê hề thì lại chẳng ăn được. Mà cũng chẳng biết thế nào? Thời các cụ – có mấy ai bị tim mạch, bị tiểu đường, bị huyết áp vì phát phì đâu… cứ quanh quẩn cái sự ăn hay không ăn, có mà nghĩ đến Tết! Tốt hơn cả, là cứ làm theo nhu cầu! Biết vậy, nhưng đi qua chỗ cái gương cứ thấy khoảng trời sau lưng tối sầm cả lại, tự biết là cũng không ổn, nhịn là hơn!

Cái sự nhịn hoá ra cũng không quá khó như em tưởng! Giả sử như những người bình thường người ta ăn hai mươi cọng rau muống là đủ no, nay chỉ ăn mười cọng sẽ thấy thiêu thiếu, nhưng với cái người mỗi bữa ăn đến năm mươi cọng, thì cam đoan rằng đến cọng thứ bốn tám hay bốn chín gì đó người ta sẽ không cho rằng thiếu một cọng rau muống thứ năm mươi sẽ làm đời bớt tươi. Chả hóa ra cái sự nhịn một cọng rau thứ năm mươi đó chỉ là AQ thôi sao?

Em không đến nỗi tự an ủi mình theo kiểu những người (trộm vía) mát da mát thịt bụng bảo dạ bữa này mình đã nhịn được hẳn hai cọng rau, nhưng cũng chả đủ can đảm để từ chối tất tần tật những thứ ngon lành bày trên đĩa, xét cho cùng – người ta cũng cần dinh dưỡng để tồn tại. Nhưng có ông gì đó to to đã bảo ăn để sống chứ không phải sống để ăn. Nên rút cục em cũng bắt được cái miệng nghe theo ý mình, để khỏi hành hạ cái thân hình như con voi còi nhảy lên nhảy xuống hùng hục ở phòng tập thẩm mỹ.

Cơ mà, ở đời ai tính được chữ ngờ, quyết tâm thế mà cuối cùng em cũng để mình trót dại. Mà nói thật ra, có ối chuyện người ta biết mình dại ngay từ khi sự việc chưa bắt đầu, mà người ta vẫn làm; trước những việc có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời còn thế, huống hồ một việc cỏn con là một bữa no kềnh cang như em, phải thế không anh?

Có ai đó đã bảo đất Hà Nội vốn nhiều nghi hoặc, cái hương hoa sữa đầu vụ cứ thập thò ẩn nấp giữa những vòm lá, gốc cây đã đầy nghi hoặc, cái lạnh dở dở khiến người ta nửa chùng chình muốn mặc áo rét, nửa muốn diện sơ mi cộc tay hứng chút se se ngờ ngợ cũng đầy nghi hoặc, cả cái mùi mực sặc lên trong cái không gian rõ là trong vắt này cũng nghi hoặc nốt.

Anh sẽ hỏi em là có gì liên quan giữa mùi hương hoa sữa của thơ của văn lãng mạn, với cái mùi mực đặc chất phàm tục sực nức đầu phố. Đoán chắc là cả em lẫn hàng trăm cô gái Hà Nội đều có thể chỉ cho anh ngay cái mối thâm tình giữa đêm Hà Nội với thức ăn phố xá thị thành. Bởi vì nếu anh đã có chút dây dưa với Hà Nội thu, dù chỉ một đêm thôi, chắc chắn anh sẽ bỏ cả đời để tìm kiếm và nhớ nhung “gần chết”.

Giống như con bạn Nha Trang của em đây này, nó tiếc hoài tiếc huỷ vì không thể tìm lại được bà bán phở gánh ngày trước một lần nó ăn buổi đêm ở đầu phố Hàng Hành, ngồi xì xoạt bưng bưng húp húp, cắn chắt chắt lát ớt vàng cay xé lưỡi; cùng với một anh chàng bí mật nào đó mà sau này đã vù tới tận phương trời nảo nào nào.

Sau khi bưng nó sau xe chạy lòng vòng đủ mặt 36 phố cổ, chả lẽ em lại bảo nó rằng người ta không thể nào ăn lại một món được nêm nếm bằng kỷ niệm; cũng như cái bà bán phở gánh đó, đã gọi là gánh thì đương nhiên là không ngồi một chỗ, mà đã gọi là kỷ niệm lại còn di dịch lung tung thì tiếc nuối làm chi cho mệt đầu.

Lung tung lang tang như vậy rút cục cũng chỉ là cái sự ăn. Nếu tính chi li ra thì calori từ cái bữa trót dại ấy sẽ làm em cắn rứt lương tâm đến cả tuần giời. Nhưng anh thử đi với em mà xem, cái khí trời kỳ lạ cứ như đồng lõa với những thức ăn đậm chất đời, những con phố ngoằn ngoèo bé con con như những đường ống ở dọc Hàng Bạc, Hàng Giầy, Hàng Buồm, Hàng Gai… hùn sức đẩy những mùi lạ bay xa. Đố anh kiềm chế được với cái mùi trộn với sương thu quyến rũ một cách kỳ cục ấy.

Mùi mực, mùi nem chua nướng, mùi phở, mùi bún riêu cua… ban ngày – đó là mùi thức ăn, mùi chợ búa, mùi no đủ; nhưng ban đêm – đó là một thứ mùi chẳng thể gọi thành tên; ngay đến cái thứ nồng nặc phàm tục nhất như mùi mực nướng cũng đã được pha loãng như hơi của đất trời, bốc lên rất nhanh, lan xa rất nhanh, rồi nhạt cũng rất nhanh, nhưng nhạt – mà không tan hẳn, cứ lẩn khuất trong tán lá, trong chiếc khăn quàng cổ nhẹ nhẹ, trong nếp áo dài tay mới thả xuống lúc chiều hôm.

Biết vậy, nên có mấy đôi đưa nhau đi chơi trời đất này, mà lúc về không lót dạ bát phở nóng, vài chiếc quẩy, bát bún riêu nhiều giấm bỗng, hay đôi con mực chấm đẫm tương ớt đỏ, bắp ngô nướng thơm nức hắt bóng gần bếp than hồng xập xoè đâu… Nếu biết sớm vậy, em đã chẳng hì hụi tìm ăn một con mực nướng giữa chợ đêm Sài Gòn, để rồi cứ lăn tăn mãi sao thiêu thiếu cái gì không rõ nữa.

Đến tận bây giờ, mới ngờ ngợ hình như mực thiếu cái lạnh se se hương hoa sữa, người ta bảo “đói rét” chứ có ai bảo “no rét” đâu, thiếu một trong hai cái vế ấy, có vẻ như người Hà Nội chưa thực sự tri ân với đêm Hà Nội; có rét mới thấy đói, mà đói ăn mới ngon, phải không?

Anh thử tìm cách quàng vào cổ một cô bạn đồng nghiệp nào đó một chiếc khăn len mỏng để tỏ ý quan tâm khi đang ngồi bên bếp lẩu hừng hực lửa ở khu chợ Lớn giữa Sài Gòn 35 độ xem sao – cam đoan sẽ bị nhẹ thì coi như thằng ấm đầu, nặng thì bị xếp vào dạng tìm cớ “quấy rối”.

Đằng nào cũng là không ổn cả, cái động tác trìu mến rất Hà Nội ấy chỉ có thể làm ở Hà Nội, trong phố Hà Nội lạnh, bên một hàng quán Hà Nội, và với em – vợ Hà Nội thôi. Lúc đó nó mới thực sự có ý nghĩa! Hay tại em thực dụng quá nhỉ – mọi sự luẩn quanh cứ cố gắn cho nó mang một ý nghĩa ẩm thực. Cơ mà những đứa bạn xa xứ ấy, chúng nó cũng nhất trí như thế, cứ như đồng loã với quyết định “phá rào” một bữa của em…

Lung tung lang tang vậy nói cho cùng cũng chỉ là cái sự ăn. Nó cũng vô thưởng vô phạt như những câu chuyện lung tung lang tang đủ thứ khiên cưỡng mà bọn em đã kể cho nhau nghe trong cái bữa no ấy. Chuyện cứ như cổ tích, hay ít ra là cũng như chuyện của thiếu nữ mười bảy mười tám chứ không phải của bọn đầu hai đít kịch tường hay đầu ba đít giấu biến như bọn em.

Anh tin hay không thì tuỳ, chả phải em thanh minh thanh nga gì cho sự “phá rào” ấy, mà nói cho cùng – “hậu quả” có đáng là bao – chỉ cần một viên “không hấp thụ” là xong béng. Nhưng cứ lèo nhèo kể với anh như vậy, chẳng qua chỉ là chưa hết cơn hưng phấn trót dại ăn quá nhiều. Dù thế nào thì từ ngày mình ở với nhau, lu bu la ba đủ thứ quan trọng hơn tỉ lần một lần ăn nêm nếm mùi lãng mạn, em có lúc nào để ngoái lại nhìn xem đêm Hà Nội có mùi vị thế nào đâu…

Vũ Quỳnh Hương – Ảnh: Passion


From the same category