Nội dung bỏ áp dụng biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh được biểu quyết riêng với 394 đại biểu (chiếm hơn 69%) đồng ý. Có thể xem đây là một cách nhìn mới đậm tính nhân văn về mại dâm của cơ quan lập pháp.
Một tình nguyện viên chuẩn bị bao cao su đi phân phát cho phụ nữ bán dâm tại các tụ điểm nóng ở Q.10, TP.HCM – Ảnh: Hoài Thanh
Với quyết định nói trên của Quốc hội, có hai luồng ý kiến trái chiều: phản đối và ủng hộ. Mỗi luồng ý kiến đều có những lý lẽ riêng để bảo vệ luận điểm của mình.
Chúng tôi tán đồng với ý kiến của báo cáo giải trình trước Quốc hội của chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: “Việc bỏ biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là để khắc phục tình trạng mặc dù người bán dâm không có bệnh nhưng vẫn bị đưa vào cơ sở chữa bệnh. Việc đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh là không đúng với bản chất, tên gọi của biện pháp xử lý… Hơn nữa, áp dụng biện pháp này đối với người bán dâm là quá nghiêm khắc, không phù hợp với tính chất, mức độ vi phạm và không bảo đảm sự công bằng trong chính sách xử lý…”.
Bởi vì một khi hành vi mại dâm thuộc phạm vi của Luật xử lý vi phạm hành chính thì chỉ nên áp dụng hình thức phạt hành chính tương ứng với mức độ vi phạm, không nên cách ly họ với xã hội, tước quyền công dân của họ. Làm như vậy, vô hình trung chúng ta đã “hình sự hóa” mại dâm trong khi đối tượng này không phải là tội phạm.
Thực tế cũng cho thấy biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở chữa bệnh, thường là Trung tâm Giáo dục lao động và xã hội (gọi tắt là Trung tâm 05, nơi chữa bệnh, giáo dục và dạy nghề cho phụ nữ bán dâm, một số địa phương còn gọi là Trung tâm phục hồi nhân phẩm) là một cách “bắt cóc bỏ đĩa”. Vì nhiều phụ nữ bán dâm sau khi ra khỏi Trung tâm 05 lại tiếp tục bán dâm, có người ra – vào trung tâm hàng chục lần.
Mại dâm là một hiện tượng xã hội tồn tại hàng ngàn năm nay, vận hành theo quy luật “cung – cầu” nên chưa có quốc gia nào xóa bỏ được. Nhưng để hạn chế mại dâm và bảo vệ sức khỏe cộng đồng, theo chúng tôi, nên tập trung vào hai việc sau đây:
Một là, với người làm mại dâm và nhóm có nguy cơ rơi vào mại dâm cần tìm hiểu nhu cầu, năng lực và nguyện vọng của họ. Từ đó có chính sách đào tạo nghề, cho vay vốn và tạo điều kiện cho họ có sinh kế bền vững, không còn cảnh buộc phải bán dâm để mưu sinh.
Hai là, cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục để người bán dâm và mua dâm có hành vi tình dục an toàn nhằm hạn chế, phòng ngừa sự lây truyền các bệnh qua đường tình dục và HIV/AIDS.
Cần huy động các nguồn lực (các tổ chức xã hội và phi chính phủ) chung tay thúc đẩy các hoạt động truyền thông trực tiếp, lôi cuốn người hoạt động mại dâm tham gia các lớp tập huấn về chăm sóc sức khỏe tình dục (kiểm tra sức khỏe định kỳ, không có hành vi lây bệnh cho người khác), về kỹ năng thuyết phục khách mua dâm sử dụng bao cao su, kỹ năng nói không với khách mua dâm có hành vi tình dục không an toàn…
Với các cơ sở chăm sóc sức khỏe, nhân viên y tế cũng cần thay đổi cách nhìn về mại dâm, không kỳ thị, phân biệt đối xử với họ.
PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH
Theo Tuổi trẻ