Con đường di sản văn hóa
Trong bao nhiêu cách để chọn điểm đến cho một cuộc du hành, Lã Hoa thích được đến thăm những di sản văn hóa. Con đường này đã đưa chị qua Melaka, La Habana, Riviera Maya, Roma, Paris, Barcelona, Bruges, Bath, London, Warszawa, Krakow, Berlin, Salzburg, Dresden, Praha… Càng đi càng thấy những cảm nhận mơ hồ trở nên rõ nét hơn, khi được tận mắt thấy con người đã phá hoại rồi khôi phục, nâng niu gìn giữ rồi rũ bỏ lịch sử bằng nhiều cách rất khác nhau ra sao. Những bài viết về hành trình trên con đường di sản văn hóa này chỉ là những câu chuyện nhỏ, nhưng có thể là những bài học lớn mà ở Việt Nam ngày càng có nhiều người quan tâm: Công cuộc bảo tồn và khôi phục những di sản văn hóa trên thế giới.
Cầu cổ trên sông Neretva
“Mảnh đất vô chủ”
Thế nên khi ngồi trên chiếc xe buýt đường dài khá êm ái, chúng tôi chỉ lo nhìn bản đồ để nghiên cứu xem vì sao Bosnia hầu như không giáp biển (land locked), nhưng may mắn có một cửa ngõ – thị trấn Neum với gần 25 cây số bờ biển – nằm lọt thỏm trong đất Croatia. Chưa đầy trăm cây số, chúng tôi phải xuất nhập cảnh hai lần – vào rồi ra khỏi, lại vào rồi ra khỏi Croatia để chính thức đi vào lãnh thổ Bosnia. Dù vậy chúng tôi đã không có được một con dấu nhập cảnh kỷ niệm. Ai đó sau lưng, một phụ nữ Hồi giáo vốn sinh sống ở Thổ Nhĩ Kỳ nhiều năm nay trở về quê, đang liến thoắng kể rằng mảnh “đất lành” này, nơi dân số vẫn thấp hơn trước khi chiến tranh xảy ra khoảng một triệu người, đang cố gắng mời gọi càng nhiều người bản xứ và du khách càng tốt. Thế nên anh cảnh sát biên phòng chỉ ngắm nghía rất kỹ hai cuốn hộ chiếu Việt Nam (chắc thấy lần đầu), rồi trả lại mà không đóng dấu. “Đúng là No Man’s Land* (mảnh đất vô chủ) thì có!”, tôi lầm bầm. Song chuyện này chỉ mở đầu cho những ngạc nhiên (nếu có thể gọi nhẹ nhàng như thế) tiếp theo.
Sông Neretva và cây cầu sắt
Những lỗ đạn trên tường
Dù đã được đọc và xem nhiều về chiến tranh, và lớn lên ở Hà Nội trong thời gian bị ném bom, những gì tận mắt thấy ở đây vẫn làm tim tôi bất chợt thắt lại. Ánh nắng chói chang rọi thẳng qua cửa kính xe buýt đã dịu lại, nhưng không khí trong xe dường như ngột ngạt hơn. Chỉ một lúc sau, khi thấy quá nhiều những bức tường như vậy, mắt nhìn cũng quen dần. Con người ta có thể quen với tất cả, chịu đựng được nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo, kể cả bom đạn và chết chóc. Bây giờ có thể tìm hiểu tóm lược về nội chiến Bosnia qua vài ba trang thông tin trên mạng, về những cuộc ly khai, trưng cầu dân ý, xung đột cục bộ; về sự can thiệp của nước ngoài vào vùng đất có ba nhóm chủng tộc và tôn giáo chính: Bosniaks (Hồi giáo), Croats (Cơ đốc giáo) và Serbs (Chính thống giáo); từ cuộc họp kín giữa đại sứ Mỹ với thủ lĩnh của người Bosniaks, đến những cuộc bao vây, cấm vận, tiếp súng đạn bằng cả con đường công khai và buôn lậu. Chỉ có điều khi đọc những thông tin chết cứng ấy, ai cũng phải tập trung nhớ những cái tên lạ hoắc, những diễn biến chồng chéo, những bản đồ được vạch dấu chằng chịt, những phân tích chiến cuộc có vẻ sắc sảo khôn ngoan.
Quang cảnh khu phố cổ buổi sáng
Cây cầu, dòng sông và cuộc tái thiết chóng vánh
Nhưng hình như người Bosnia không thích nói chuyện nhiều về chiến tranh, dù giống như dân các nước dọc theo bờ Địa Trung Hải và các triền thung lũng của bán đảo Balkan, họ rất ưa tụ tập và tán gẫu. Ngày thường cũng như những ngày cuối tuần, các tiệm cà phê và cả các tiệm cắt tóc nhan nhản khắp nơi đều chật ních khách, hầu hết là đàn ông đang say sưa bàn tán một chuyện gì đó, và nhả khói không ngừng. Tôi hỏi Harun, một người đàn ông Hồi giáo, chủ một khách sạn xinh xắn – Villa Glopus, rằng sao các ông hút thuốc nhiều thế, đâu đâu cũng thấy đầu mẩu thuốc lá. Vẫn giọng buôn chuyện, anh phân trần rằng “Đời sống nhiều áp lực quá, không hút thuốc thì còn biết làm gì cho khuây khỏa đây”. “Áp lực gì cơ? Hậu quả chiến tranh à? Mà sao người ta có thể nhả đạn lên tường dày đặc đến vậy?”. “Ôi, tôi không rõ lắm nhé, tôi sống và làm việc ở Thụy Sĩ 23 năm và mới hồi hương hai năm trước. Tôi không chứng kiến chuyện gì trong chiến tranh cả và chúng tôi nói chung cũng không bàn luận về chiến tranh. Dân ở đây dù thuộc chủng tộc nào cũng đang sống rất hòa bình với nhau nhé!”. “Vậy mọi người quan tâm chuyện gì vậy?”. “À, bạn thấy đấy, làm ăn khó khăn quá, tiền viện trợ cũng không đủ sức vực kinh tế dậy, giá bất động sản rẻ như rau cỏ ngoài chợ ấy! Cả một cái villa đẹp đẽ thế này giá chỉ có 50 ngàn euro thôi!”. Tiền đủ hay không chưa biết, nhưng người có vẻ thưa thớt thật, nhiều tòa nhà không những dày vết đạn mà còn thủng mái – những tòa nhà bị đánh bom – vẫn nằm y nguyên suốt hai mươi năm.
Một góc bán đồ lưu niệm trong phố cổ
Song, mặc cho những tranh luận vẫn diễn ra không ngừng về vụ phá cầu, các cuộc xét xử tội ác chiến tranh vẫn chưa chấm dứt, chỉ trong vòng ba năm, từ 2001 đến 2004, Stari Most và cả khu phố cổ đã được tái sinh, bằng tiền của Ngân hàng Thế giới, UNESCO, các quỹ và các tổ chức nhân đạo. Lính Tây Ban Nha thuộc lực lượng phòng vệ Liên hợp quốc UN UNPROFOR đã xây lại cầu dựa trên những bản vẽ nghiên cứu kỳ công không kém gì những bản vẽ của cuộc tái thiết Thành cổ Warszawa. Nếu không có tấm bảng nhỏ đề danh hiệu di sản UNESCO 15/7/2005 và những dòng vắn tắt về cuộc tái thiết, thì không ai có thể mường tượng được cả khu phố cổ và cây cầu này, cùng nhiều cây cầu khác đều được xây dựng lại. Chúng tôi ngồi trên một tảng đá dưới chân cầu, thích thú xem những thanh niên thuộc hội nhảy cầu địa phương đang thi thố một cách điệu nghệ từ trên độ cao 25m xuống dòng nước không sâu lắm. Cứ khoảng 20 phút lại có một cuộc nhảy, thu bộn tiền thưởng của du khách đang hào hứng tung hô.
Một đoạn phố cổ
Chỉ có sáng sớm và chạng vạng là khu phố cổ yên tĩnh trở lại, đâu đó văng vẳng tiếng đàn accordeon và tiếng gió xào xạc trên mặt nước mát lạnh. Không ai biết vì sao nước sông Neretva lại lạnh nhất so với những dòng sông châu Âu khác, cũng không hiểu do đâu nó lại có nhiều màu xanh kì lạ đến vậy. Càng không lí giải được sự tương phản giữa cuộc tái thiết tài tình của khu phố cổ, và sự trễ nải của việc sửa sang những phần còn lại của thành phố. Thế cũng may mắn lắm, vì thế giới đã không mất đi một di sản.
Chúng tôi rời Mostar vào một buổi sáng mờ sương. Những tháp nhà thờ Hồi giáo trắng tinh nổi bật trên nền đá và nền trời xám nhạt, in hình một cây thánh giá lớn trên đỉnh núi. Dòng sông xanh ngủ yên lành. Mọi sự liên tưởng đều rất cá nhân, khi tôi nhớ đến Pautovski đã rời Paris và kể lại: “Trái tim tôi lại đập những nhịp nặng nhọc khi chia tay thành phố ấy”.
Tòa nhà thủng mái vì bom
Những dãy phố không người
Một góc phố cổ
* Tên một bộ phim Pháp về cuộc nội chiến ở Bosnia – Herzegovina
Thành cổ Dubrovnik – Trái tim của Địa Trung Hải
Đọc các bài viết trước thuộc chuyên đề Con đường di sản văn hóa
Bài: Lã Hoa – Ảnh: Anh Anh