Kỳ 15
Tác giả Phương Mai đang trên một chuyến hành trình để viết sách mang tên “Con đường Hồi giáo”. Chuyến đi bắt đầu ở Saudi, nơi Hồi giáo khởi phát, sau đó theo chân các chiến binh Hồi giáo tỏa sang châu Phi đến Ma Rốc, và châu Á đến Ấn Độ. Các chiến binh Hồi giáo chiếm được thành phố nào thì tác giả sẽ đến đúng thành phố ấy. Đây là dải đất hùng vĩ của nền văn minh Hồi giáo thời kỳ cực thịnh. Mời các bạn theo dõi nhật ký chuyến đi trên Đẹp hàng tháng, phần một “Khởi đầu gian nan” bắt đầu đăng từ số tháng 2/2012.
Ngủ yên nhé tình thơ!
Chefchaouen – thành phố chỉ một màu xanh ngăn ngắt
“I fell in love with you watching Casablanca… Making love on a long hot summer night…” Hồi thiếu nữ, tôi cũng như hàng triệu cô bé mới xuân thì khác từng say mê bài hát “Casablanca”, từng say mê một trong những bộ phim lãng mạn kinh điển nhất của điện ảnh thế giới và nằm mơ đến một tình yêu cháy bỏng đêm hè trong ánh nến bập bùng bên biển đêm. Trong trí tưởng tượng của tôi ngày ấy, Casa là thiên đường của nàng thơ.
Thế cho nên tôi thót hết cả tim khi bước chân lên máy bay, bỗng bất ngờ để ý thấy chữ Royal Air (Hãng hàng không Hoàng gia) ở cửa máy bay được… sơn bằng tay. Tôi đứng chết trân mất tới mấy giây, thậm chí còn bước tới sờ vào lớp sơn đen lem luốc, nét nguệch ngoạc xiên xẹo còn rõ cả vết chổi bị tòe. Tim đập thùm thùm, tôi thắt dây an toàn chặt hơn hẳn mọi khi, bụng thầm cầu khấn tên tất cả các vị thánh thần mà mình có thể nhớ ra. Một cách logic, không ai trên đời muốn di chuyển trên đường bộ bằng một phương tiện thủ công đến mức cái nhãn hiệu của nó được sơn bằng tay, huống chi đây là hẳn một cái máy bay bay trên trời. Như thế này khác gì đi tàu bay giấy?
Chữ “Hãng hàng không Hoàng gia” được sơn bằng tay ở cổng máy bay
Chưa bao giờ tôi có một chuyến đi đầy thấp thỏm như thế. Khi hạ cánh, tôi thậm chí còn muốn nhảy lên vỗ tay, thiếu điều muốn vạch cửa cabin vồ lấy phi trưởng mà ôm hôn. Ấn tượng đầu tiên về Marocco rất “thô sơ” như vậy, nên khi bước chân vào sân bay Casa tôi khá bất ngờ trước sự hiện đại tiện nghi và phong cách phục vụ chuẩn châu Âu đến khó tin. Không có kiểm tra visa, không phải đóng bất kỳ một thứ phí nhập cảnh nào. Khi tôi bước xuống cầu thang thì một cô gái xinh đẹp trong đội tiếp thị đã chờ sẵn và đưa cho tôi một chiếc sim điện thoại miễn phí. Chỉ trong vòng 5 phút, tôi đã có thể nhoay nhoáy vào internet 3G với giá 200.000 đồng trong một tuần. Thế mới biết internet ở Việt Nam vẫn là rẻ nhất.
Nhưng mà Casa buồn, chẳng có tý lãng mạn nào. Tìm hết hơi cũng không thấy biển đêm ánh nến bập bùng và tình yêu mùa hè cháy bỏng. Trung tâm thành phố hiện đại và sạch bong như một cái tủ lạnh. Chỉ có những người dân ở Casa là dễ thương, rất hồn hậu và hiếu khách, kiểu hiếu khách của một đô thị tuy lớn nhưng vì không có mấy khách du lịch nên người dân không bị vô tâm. Bất kỳ ai tôi tình cờ hỏi đường đều bỏ hết cả công việc đang làm để đưa tôi đến tận nơi. Giấc mơ thời thiếu nữ của tôi có lẽ vì thế không bị đập cho tan nát mà chỉ lẳng lặng trôi qua, chìm vào giấc ngủ yên như một lời nói dối vô hại.
Xin chào những mối tình đầu tiên
Thành cổ Fes với kiến trúc đẹp mê hồn và khu chợ Medina lớn nhất thế giới
Buổi chiều hóng gió của những người già tại Meknes
Bị tra hỏi riết, cuối cùng Abdullah mới nói rằng, các cô gái Marocco hiện đại bây giờ rất hay ăn cơm trước kẻng. Theo nghiên cứu khoa học hẳn hoi, trọng tâm các câu chuyện của họ xoay quanh việc thao tác như thế nào để có thể làm chuyện ấy mà không mất gin. Hoặc nếu đã trót mất gin thì làm thế nào để khi động phòng vẫn “có dấu hiệu”. “Nhưng 1/3 đàn bà dù chưa quan hệ bao giờ cũng vẫn không ‘có dấu hiệu’ mà!” – cả tôi và cô bạn Canada cùng đồng thanh phẫn uất kêu lên. “Trời ơi! Mấy bà không hiểu đàn ông gì sất! Khoa học làm sao thắng được sự ngu lâu ích kỷ của đàn ông?”
Tôi chợt nhớ đến dịch vụ vá màng trinh ở Hà Lan rất thịnh hành đối với những cô gái người Hồi nhập cư. Họ đến bác sĩ, trả một khoản tiền không lớn lắm và sau đó màng trinh của họ được khâu lại. Và thế là trên đời có một ông chồng hạnh phúc (!)
Tôi có cảm giác chữ trinh ở xã hội Hồi giáo Trung Đông còn nặng nề hơn cả ở châu Á. Ở Việt Nam, một cô gái không còn trinh tiết nếu bất hạnh vớ phải một lão chồng cổ hủ thì câu chuyện cũng thường chỉ có một mình đôi uyên ương tự giải quyết. Ở Yemen và Marocco, cả đại gia đình và bạn bè tổ chức hội hè thâu đêm để… chờ đôi trẻ động phòng và tới khi tấm vải thấm máu trinh được đưa ra, những người đàn ông Yemen sẽ bắn súng lên trời còn những gia đình ở Marocco sẽ nhảy múa ăn mừng. Cái màng da mong manh của cô dâu không chỉ là biểu tượng trong trắng của chính cô ấy mà trở thành phẩm hạnh và danh dự của cả dòng tộc.
Trên bậc thềm một thánh đường Hồi giáo ở Fes
Những chàng thợ may áo jibala ở chợ Fes
Khi trái cấm thành trái bom
Sex là điều cấm kỵ. Thế nên rất nhiều cô gái có dòng máu yêu đương mãnh liệt rất muốn lấy chồng cho nhanh để họ không cần phải gìn giữ và có thể ngoại tình mà không vướng quá nhiều hệ lụy. Có lần tôi hỏi một người bạn: “Ở một xã hội cổ điển như thế này, tìm sex có khó không?”. Cậu trả lời ngay lập tức: “Không!”.
Tôi nhớ đó là một buổi tối gió mát rượi tại trung tâm thành phố Aleppo (Syria). Chúng tôi ngồi trong một quán cà phê nhộn nhịp nam thanh nữ tú. Nhìn những bạn trẻ tươi tắn váy ngắn cổ trễ ngồi đan xen với những cô gái chỉn chu quấn khăn che tóc cười nói rôm rả trong tiếng nhạc tưng bừng, thật khó có thể tưởng tượng cuộc nội chiến ở Syria lúc đó đã kéo dài hơn một năm và cướp đi hơn 30 ngàn sinh mạng.
Bạn tôi sau khi trả lời rất rõ ràng “Không!” thì rút điện thoại ra và bật bluetooth lên. Màn hình xanh hiện lên một loạt những cái tên của chủ máy cùng ngồi trong tầm phủ sóng. Cậu chọn một cái tên “Lonely princess” (công chúa cô đơn) và nhắn: “Hello!”. Công chúa cô đơn đáp lại ngay lập tức: “Hi”.
Tôi rời Marocco, phía sau là anh bạn Abdullah vẫy chào rối rít, trên tay ôm một chồng tài liệu về sức khỏe sinh sản cho các thiếu nữ tuổi xuân thì. Nói theo kiểu Việt Nam, chàng ta thuộc lực lượng “vẽ đường cho hươu chạy”.
Kỳ cuối: Tây Ban Nha – Hết một cung đường