Ngôi sao “Triệu Phú Ổ Chuột” Dev Patel đã có một hành trình đầy ngoạn mục trong dự án cá nhân “Monkey Man” (tựa Việt: Monkey Man Báo Thù). Không chỉ thể hiện tròn vai với những phân cảnh tâm lý, hành động mà Patel còn bộc lộ được tài năng và tiềm năng khi lần đầu đảm nhận vai trò đạo diễn.
Nhân vật chính Kid (Dev Patel) là một thanh niên vô danh kiếm sống bằng nghề võ phủi trong các sàn đấu ngầm ở Ấn Độ. Anh từng bước leo lên các nấc thang xã hội tội phạm ngầm để đi tìm kẻ đã sát hại mẹ mình. Trên hành trình đó, anh đối diện với nỗi đau quá khứ và nhận ra kế hoạch trả thù của mình có thể giúp đỡ cả những số phận vô danh khác. Hình ảnh nhân vật Kid được xây dựng từ hình tượng thần khỉ Hanuman – một vị thần quan trọng trong văn hóa Hindu, đại diện cho sức mạnh, tính chính trực và lòng dũng cảm.
Phần mở đầu nhẹ nhàng nhanh chóng chuyển sang các phân cảnh chiến đấu, định hình phong cách chung xuyên suốt phim. Đó là những hồi tưởng dịu dàng về quá khứ đan xen giữa nhịp hành động tàn bạo, khắc họa hiện thực nghiệt ngã mà Kid phải đối mặt. Điều phối viên chiến đấu Brahim Chab cùng Dev Patel hướng tới cách tiếp cận thực tế, thống nhất phong cách chiến đấu với tính cách nhân vật: hoang dã, bùng nổ, điên rồ và liều lĩnh. Không những thế, thông điệp ẩn chứa sau những cảnh hành động còn mang tính bình luận chính trị xã hội và thần thoại Hindu, khắc họa một xã hội bóc lột có hệ thống và sự tuyệt vọng của những tầng lớp dưới.
Bộ phim vượt qua những khuôn mẫu phim hành động truyền thống bằng cách phát triển câu chuyện và nhân vật trong một bối cảnh văn hóa rộng lớn. Trong đó, các phân cảnh hành động quyết liệt và chiều sâu cảm xúc nhân vật được Dev Patel lột tả xuất sắc. Cú bắt tay với nhà sản xuất Jordan Peele đã tạo nên một “Monkey Man” ấn tượng về mặt hình ảnh, đồng thời là một bài bình luận xã hội nhức nhối về trả thù, công lý và kiến trúc thượng tầng bất ổn.
Từ “Triệu Phú Ổ Chuột” đến “Lion” và “Green Knight”, Dev Patel đã trải qua một chặng đường dài khẳng định bản thân, nỗ lực thoát khỏi khuôn mẫu mà các diễn viên gốc Ấn thường đóng. Anh ấp ủ một dự án riêng, lấy cảm hứng từ tình yêu với thể loại hành động kết hợp với cội nguồn văn hóa Ấn Độ. Vì vậy, một “Monkey Man” đã được hoàn thiện với kinh phí tiết kiệm mà vẫn có các pha hành động mãn nhãn. Dù trước đó, Patel cùng đội ngũ đã chèo chống qua nhiều sóng gió, gồm những vấn đề liên quan đến sự gián đoạn do COVID-19, khó khăn tài chính, thiếu hụt nhân sự, hỏng hóc thiết bị và cả tai nạn của chính anh.
Một khía cạnh quan trọng tạo nên sự độc đáo của “Monkey Man” đến từ triết lý “chơi dơ nhất có thể”. Kid tận dụng tất cả những vũ khí có sẵn xung quanh như miếng gỗ, chiếc giày, mảnh thủy tinh… để giành lợi thế, nhấn mạnh tính chất tàn bạo và hỗn tạp của các trận đánh. Cảnh loạn đả trong nhà tắm của câu lạc bộ Kings Club đã cho thấy rõ phong cách “chơi dơ” của “Monkey Man”, gợi nhớ cảnh đấu tay đôi giữa nhân vật của Tom Cruise và Henry Cavill trong “Mission: Impossible – Fallout” (2018).
Sở hữu khiếu thẩm mỹ tinh tế và khả năng khai thác mảng hành động hiệu quả, “Monkey Man” là minh chứng cho tầm nhìn nghệ thuật của Dev Patel, đồng thời thể hiện tiềm năng của anh trong vai trò đạo diễn. Trên trang Rotten Tomatoes, bộ phim được chấm 87% “tươi” từ cả giới phê bình lẫn khán giả. Hơn 3000 người dùng của IMDb chấm phim 7.4/10, với hàng loạt lời khen ngợi dành cho phong cách hành động và diễn xuất của nam chính. Có thể nói, tác phẩm là một cột mốc đáng tự hào trong sự nghiệp của Dev Patel, thể hiện sức mạnh của lòng quyết tâm và đam mê, từ đó mở ra những cơ hội mới trong tương lai.
“Monkey Man” khởi chiếu vào ngày 05.04.2024.