“Mộng ước” khép lại, chúng ta còn lại gì?

Bắt đầu nhưng dễ “chạm”

Thành công của các vở diễn không chỉ đến từ kịch bản thông minh, hài hước của tác giả Nguyễn Phi Phi Anh mà còn ở việc chuyển soạn và xử lý phần âm nhạc khéo léo, hài hòa, đánh đúng “gu” thưởng thức của khán thính giả, những người đang còn khá bỡ ngỡ với loại hình nghệ thuật này.

Về mặt hình thái, “Hope” giống loạt phim ca nhạc học đường “Glee” hoặc những vở nhạc kịch như “Mamma Mia!, Rock Of Ages hoặc “We Will Rock You”, nghĩa là hoàn toàn sử dụng các ca khúc đã phổ biến thay vì sáng tác mới. Tuy nhiên, lựa chọn và tìm ra những bài hát vừa hay vừa quen thuộc lại đáp ứng tính xuyên suốt về mạch cảm xúc, phù hợp với tình huống trong câu chuyện không phải chuyện dễ dàng. Có nhiều dòng nhạc xuất hiện trong ba vở diễn như pop, classic rock, alternative, R&B, Broadway, dance, jazz, Cantopop, việc nỗ lực chuyển soạn về một màu-âm-chung, mềm hóa và làm tròn trịa hơn những góc cạnh của ca khúc gốc không chỉ thể hiện được tinh thần kết nối Đông – Tây mà còn là một cách hiệu quả để giúp khán giả cảm thấy dễ dàng hơn trong việc cảm thụ.

hope-7

Sáng tạo và dàn dựng cả ba tác phẩm ở độ tuổi còn rất trẻ, không lạ khi Nguyễn Phi Phi Anh đưa vào đó những bản “hit” lớn của các nghệ sĩ đương đại như Lady Gaga, Kelly Clarkson, Katy Perry, Bruno Mars, Maroon 5, Beyoncé cho tới các nhạc phẩm lừng danh của các nghệ sĩ cựu trào như Queen, Pink Floyd, Meetloaf, Cher… Tuy nhiên, đó chỉ là những mảng miếng trang trí đắp nổi trên bộ khung được xây dựng bằng chất liệu rút tỉa từ các vở nhạc kịch kinh điển: Chicago” và “Phantom Of The Opera” với “Góc phố danh vọng; Whistle Down The Wind với Mộng ước không xa vời”; “Nine” và “West Side Story” với “Đêm hè sau cuối.

Chính những bản nhạc như “Tonight, Cell Block Tango, Roxie, A Kiss Is A Terrible Thing To Waste, Unsettled Scores hay “Masquerade” mới cho thấy chiều sâu và sự chuyên nghiệp trong khâu dàn dựng, đồng thời thể hiện được trọn vẹn tinh thần của nhạc kịch “chính tông”.

hope-2

Phải thừa nhận, Nguyễn Phi Phi Anh rất khéo léo trong việc đặt ca từ lời Việt, vừa giữ được tinh thần của bài hát gốc vừa ăn khớp với từng tình huống cụ thể.

Có thể lấy ngay những ví dụ rất điển hình như các bản Telephone, Grenade, Glad You Came, Memory, Roxie hay “Tonight. Anh cho biết, mỗi vở đều có một vài tiêu chí riêng cho phần âm nhạc: với “Góc phố danh vọng” là sự hào nhoáng, phù phiếm, với “Đêm hè sau cuối” vừa ma mị, ám ảnh nhưng vẫn phải giữ được nét bay bổng, với “Mộng ước không xa vời” là hoài niệm kèm theo đớn đau, dằn vặt. Bên cạnh đó, Nguyễn Phi Phi Anh thừa nhận anh chọn nhạc phần nhiều dựa vào cảm tính, chưa kể còn bị phụ thuộc vào bối cảnh câu chuyện, cho nên, cũng là dễ hiểu khi thỉnh thoảng lại xuất hiện một phần biểu diễn rất “kém duyên” như màn song ca bản “Memory”, liên khúc “Elephant Love hay “lệch tông” như “The Great Gig In The Sky”.

Nhưng bù lại, khán giả cũng đã được thưởng thức những ca khúc tưng bừng, vui nhộn như The Edge Of Glory, Glad You Came, Telephone hay Teenage Dream, giai điệu lôi cuốn như Dream Partner, The Sunset Song, “Grenade và đặc biệt thăng hoa về mặt cảm xúc như Stronger hay A Kiss Is A Terrible Thing To Waste. Có lẽ đây là hai bản nhạc được chuyển soạn và trình diễn thành công nhất trong cả dự án “Hope” đặc biệt về mảng phối khí, “co giãn” tiết tấu và sự thể hiện của ca sĩ.

hope-8

Không dừng lại ở đó, các ca khúc pop Hong Kong và Nhật Bản thập niên 80 của thế kỷ trước xuất hiện trong “Mộng ước không xa vời”cũng là một nét phá cách đáng yêu, dựa trên mối liên quan giữa “những hoài niệm day dứt trong đó với những triết lý, trăn trở về số phận con người trong các trích đoạn của vở Whistle Down The Wind,” theo lời Nguyễn Phi Phi Anh.

Tăng dần cấp độ tiệm cận

Mộng ước không xa vời” chính là vở diễn có concept âm nhạc mạch lạc và hoàn chỉnh nhất, mang phong thái nhạc kịch trọn vẹn trong dự án “Hope” dù tính giải trí có thua sút “Góc phố danh vọng” và “Đêm hè sau cuối”. Cũng không thể bỏ qua sự xuất hiện của một giọng soprano “thứ thiệt” trên sân khấu, càng tô đậm thêm nét cổ điển duyên dáng của tác phẩm. Có cảm giác như Nguyễn Phi Phi Anh đã thực sự nhuần nhuyễn, thực sự thoát khỏi những ràng buộc vô hình để toàn tâm toàn ý thể hiện mọi sáng tạo của mình trong vở diễn cuối cùng của dự án “Hope”. Không phải ngẫu nhiên mà khán giả lại yêu cầu diễn lại “Mộng ước không xa vời” thay vì hai vở diễn trước đó, phải chăng vì họ cũng ngấm ngầm cảm nhận được những ưu điểm vượt trội của nó nhưng lại khó diễn tả thành lời?

hope-3
Khán giả suốt 35 đêm diễn luôn đầy háo hức chia sẻ với diễn viên sau các buổi biểu diễn.

Từ phản ứng rất tích cực của công chúng qua rất nhiều đêm diễn, đặc biệt trong đêm vĩ thanh “The Sound Of Hope”, có thể thấy họ hoàn toàn bị cuốn hút với phần âm nhạc và vũ đạo, gần như đắm chìm trong đó dù tất cả đều được biểu diễn bởi những nghệ sĩ trẻ nghiệp dư. Nhưng có hề gì, bởi khi thưởng thức nghệ thuật, tiếng nói của cảm xúc có giá trị quyết định hơn hết thảy.

Hóa ra, âm nhạc là yếu tố vay mượn duy nhất trong dự án “Hope” lại đủ sức mạnh để quyết định đến một nửa thành công của cả dự án. Cầu kỳ móc nối nội dung của cả ba vở diễn dường như chỉ là cái cớ để các nghệ sĩ và cả những khán giả có mặt tại L’Escape ngày 12/4 được “lên đỉnh” một cách trọn vẹn nhất, giống những gì Nguyễn Phi Phi Anh gửi gắm trong ca từ đầy gợi cảm của bài Stronger – mà ngay cả Kelly Clarkson nghe được chắc cũng phải sởn gai ốc trước phần trình tấu quá đỗi xuất sắc.

“The Sound Of Hope”- Một lời chào từ biệt không thể tuyệt vời hơn dù để lại rất nhiều tiếc nuối, bởi không biết đến bao giờ người ta mới có thể được nghe trực tiếp theo một cách gần gũi và dễ cảm thụ nhất những “Grenade, Unsettled Scores, Telephone, Teenage Dream, A Kiss Is A Terrible Thing To Waste, Glad You Came, Cell Block Tango… chưa kể đến hai kiệt tác đóng dấu “Thiên hậu” Mai Diễm Phương là “The Sunset Song (Tịch Dương Chi Ca) và “Dream Partner (Mộng bạn).

Nguyễn Phi Phi Anh và đồng bọn” đã đặt một viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho nhạc kịch hiện đại ở Việt Nam qua những đêm diễn thăng hoa với dự án “Hope” tươi trẻ và đầy sức sống của tuổi thanh xuân.


From the same category